Đoàn Thiên Phúc: Đừng khởi nghiệp khi bạn trẻ chưa sẵn sàng  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Đoàn Thiên Phúc là một cái tên nổi bật trong lĩnh vực start-up công nghệ ở Việt Nam. Ngay từ khi còn là sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM, anh đã đoạt giải đặc biệt cuộc thi Ý tưởng sáng tạo S-ideas, với sản phẩm là thiết bị định vị và quản lý xe máy.

Năm 2011, anh Đoàn Thiên Phúc cùng 5 thành viên trong nhóm nghiên cứu thành lập Công ty CP Giải pháp phần mềm Setech Viet với sản phẩm là thiết bị cảnh báo trộm và định vị xe máy S-bike.

Phát triển qua nhiều phiên bản, S-bike trở thành một sản phẩm sáng tạo thu hút được sự chú ý của cả các kênh truyền thông thế giới như trang tin công nghệ Click vủa Đài truyền hình BBC, Anh Quốc.

Hiện nay, anh Đoàn Thiên Phúc đang là thành viên cộng đồng kiến tạo thế giới Global Shapers trực thuộc diễn đàn kinh tế thế giới WEF. Ngoài là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần giải pháp phần mềm SetechViet, anh Phúc mới sáng lập thêm một công ty start-up có tên gọi là TICTAG, chuyên xây dựng hệ sinh thái và cung cấp các tiện tích, dịch vụ ứng dụng công nghệ giao tiếp tầm ngắn (NFC).

Tạp chí Khoa học Việt Nam (VJS) rất hân hạnh có dịp gặp gỡ và trò chuyện với anh Đoàn Thiên Phúc, để lắng nghe những chia sẻ của anh với các bạn trẻ, những người đang khát khao khởi nghiệp từ nền tảng khoa học công nghệ:

1. Xin chào Anh Đoàn Thiên Phúc, đã lâu kể từ khi thấy anh xuất hiện ấn tượng trên chương trình Shark Tank Việt Nam với thương vụ gọi vốn 330.000 USD cho TICTAG.

Được biết trước đây, anh cũng đã đạt được nhiều thành công cùng SetechViet với sản phẩm thiết bị định vị và cảnh báo trộm xe gắn máy S-bike. Anh có thể chia sẻ tại sao anh tiếp tục có ý tưởng xây dựng TIGTAC được không ạ? Quá trình TIGTAC thai nghén và hình thành như thế nào?

Đó là hai câu chuyện, một là về công nghệ và thứ hai là về tầm nhìn. Nói về công nghệ, chúng tôi đã liên tục phát triển sản phẩm của SetechViet qua 6 phiên bản. Phiên bản mới nhất của thiết bị chống trộm xem máy có sử dụng công nghệ giao tiếp tầm ngắn NFC. Chúng tôi quan tâm và bắt đầu làm chủ được công nghệ NFC kể từ đó.

Về tầm nhìn, trong quá trình tái cấu trúc SetechViet, chúng tôi có quyết định mở thêm một mảng nữa là tư vấn công nghệ. Phúc và các bạn đã nhận tư vấn cho khá nhiều dự án của Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2016, Phúc có cơ hội đi Thụy Sĩ tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới. Ở đây, Phúc có gặp và trao đổi với 2 người, giáo sư Klaus Schwab và Philipp Rösler (lần lượt là nhà sáng lập và CEO của diễn đàn). Sau đó, Phúc nhận ra NFC là một trong những nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và đó là thứ mà mình có khả năng phát triển rộng hơn rất nhiều so với Sbike.

Thế là TICTAG ra đời, sau khi Phúc được mở rộng tầm mắt ở WEF, để thấy NFC không chỉ đơn giản là dành cho chống trộm xe máy.

2. Tại sao anh tự tin với ý tưởng của TICTAG, và vào đội ngũ nhân sự hiện tại của mình, theo em đoán là gồm đa số là người Việt Nam, các kỹ sư còn khá trẻ? Anh đã xây dựng đội ngũ nhân sự tại TICTAG như thế nào?

Câu chuyện con người là điều quan trọng nhất đối với một Start-up. Tiêu chí riêng của Phúc là trong vòng 3 năm đầu phải xây dựng được yếu tố con người trong lòng SetechViet.

Phúc chọn những người phù hợp và sẵn sàng học hỏi. Người phù hợp là người có cùng tầm nhìn với CEO.Một CEO thành công phải bán được sản phẩm ở giai đoạn trước khi nó thành hình cho đồng sáng lập, thì đó là người phù hợp và có cùng tầm nhìn với mình.

Nhân sự cũng không nhất thiết cần phải là người giỏi mà quan trọng hơn là họ phải luôn có tinh thần học hỏi và phát triển bản thân. Kinh nghiệm thực tế của Phúc cho thấy, những người giỏi luôn luôn có “back-up plan” – kế hoạch phòng bị. Nghĩa là họ có thể rời đi bất cứ lúc nào khi cảm thấy công ty không an toàn nữa, nên sẽ không chuyên tâm và dễ bỏ cuộc khi đối mặt với khó khăn lớn của công ty.

Nhân sự và đội ngũ là thứ bạn phải xây dựng từ rất lâu từ trước khi thành lập công ty, vậy mới đủ thời gian để tất cả mọi người hiểu rõ và tin tưởng lẫn nhau. Xung quanh bạn nên có đủ nhân sự rồi mới bắt đầu khởi nghiệp. Chứ khởi nghiệp rồi mới đi tuyển nhân sự rất dễ thất bại.

Ở ngay thời điểm mà TICTAG ra đời, đội ngũ mà Phúc xây dựng được từ SetechViet đã đủ chín để trở thành một công ty khởi nghiệp thực sự. Tất cả anh em vừa tích lũy đủ chiều sâu về chuyên môn lẫn chiều rộng về các ngành công nghiệp tiềm năng có thể nhảy vào một lĩnh vực công nghệ mới.

3. Trên quãng thời gian khởi nghiệp và những thời điểm phải ra quyết định quan trọng, anh thấy mình đã phải đánh đổi những gì? Để được những gì?

Làm start-up khác với làm corporate 8 giờ. Cái đánh đổi đầu tiên là phải hy sinh thời gian cho gia đình, thứ mình đánh giá là quý giá nhất trong cuộc đời. Thứ hai là sức khỏe. Ai cũng cũng biết sức khỏe quan trọng. Nhưng khi làm start-up, có những lúc bạn sẽ phải thức khuya dậy sớm, chạy deadline, stress và không được ngủ liên tục trong nhiều ngày. Những điều này, nói thực lòng là rất có hại cho sức khỏe.

Tiếp theo có thể bạn sẽ bất ngờ, đó là tiền bạc. Đôi khi là giám đốc một công ty trị giá vài triệu đô trên giấy tờ, nhưng trong túi không có nổi 10 ngàn. Nếu là bạn, bạn sẽ thấy thế nào, nhất là khi đi cùng bạn bè đồng trang lứa, những người đang làm corporate trong các tập đoàn với lương nghìn đô.

Để được những gì? Bù lại đó là sự tự do. Tự do làm việc mình thích, linh động về thời gian. Phúc có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người rất giỏi và rất thú vị trong lĩnh vực start-up. Phúc học hỏi được những điều mà bạn sẽ không bao giờ học được, nếu làm corporate cho các tập đoàn.

Cái hạnh phúc của một start-up là không phải bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà là việc những khách hàng sử dụng dịch vụ của bạn bao nhiêu lần, thuận tiện thế nào, họ sẽ tiết kiệm được thời gian lẫn công sức ra sao, bạn đã đóng góp gì vào sự tiến bộ của xã hội xung quanh mình Được trở thành một bánh răng nhỏ trong guồng quay công nghệ cũng thích thú lắm.

Trải nghiệm làm start-up, có những lúc bạn sẽ nhận ra mình đã rớt đến đáy của giới hạn, vào lúc đó bạn có thể lựa chọn bỏ cuộc (để ra làm corporate) hoặc đi tiếp và chỉ có thể đi lên, vì làm gì có điều gì tệ hơn được lúc này nữa. Đó là điểm cực hạn của bản thân và khi trải qua những thời điểm đó, bạn sẽ trưởng thành hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là già đi (cười).

4. Chắc hẳn cũng đã có những vấp ngã và kinh nghiệm quý giá mà anh học được trong quá trình khởi nghiệp và điều hành công ty. Anh có thể chia sẻ bài học lớn nhất mà anh muốn các bạn trẻ học được từ kinh nghiệm xương máu của mình trên con đường ấy.

Bài học Phúc muốn chia sẻ ở đây là chọn người đồng hành phù hợp. Bởi khi công ty có một thành viên đi ngược lại với định hướng chung, bạn sẽ buộc phải đối mặt với 2 lựa chọn: mất bạn hoặc mất công ty. Đây là quyết định rất khó xử và đau lòng. Nên việc lựa chọn đúng bạn đồng hành ngay từ những ngày đầu tiên là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, có một bài học nhỏ mà mình đã đưa vào trong triết lý khách hàng của TICTAG: “Customer Collaboration over contract negotiation”, nghĩa là hãy cộng tác với khách hàng hơn là đàm phán hợp đồng với họ. Đây là một trong 4 triết lý cốt lõi của AGILE để khởi nghiệp thành công.

Team mình luôn luôn tập trung vào việc làm sao cho sản phẩm chạy tốt. Khi có sự cố xảy ra, quan trọng là mình và khách hàng phải tập trung vào giải quyết vấn đề chứ không phải căn vào hợp đồng để xem ai đúng ai sai.

5. Công nghệ thông tin đang là một lĩnh vực phát triển mạnh tại Việt Nam. Hiện cũng có rất nhiều bạn trẻ theo đuổi niềm đam mê của mình trong lĩnh vực này. Anh có lời khuyên nào cho những bạn sinh viên đang tìm con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ?

Có rất nhiều bạn sinh viên mang trong mình khát khao khởi nghiệp và có ý tưởng sản phẩm. Ý tưởng đôi khi có giá trị hàng triệu đô, nhưng đôi khi cũng chỉ là ý tưởng 0 đồng.

Điều quan trọng không phải là ý tưởng của bạn tốt cỡ nào, mà là bạn có đủ các nguồn lực để triển khai nó hay không và bạn sẽ triển khai nó như thế nào. Nếu như bản thân bạn không phải yếu tố quyết định để biến ý tưởng thành hiện thực đừng nên làm.

Nhiều bạn sinh viên nghĩ khởi nghiệp đơn giản chỉ cần chuyên môn thì chưa đúng. Kể như ở TICTAG, chúng tôi đã nắm chắc chuyên môn từ rất lâu. Nhưng phải cho đến lúc TICTAG tích lũy được đủ các yếu tố về luật, chúng tôi phải có riêng một công ty chuyên về luật tư vấn cho mình trong tất cả các hoạt động, và một đội ngũ những người nhiều năm kinh nghiệm về tài chính, định hướng chiến lược, công nghệ và marketing thì chúng tôi mới bắt đầu dám nghĩ lớn.

Thực sự thì các bạn sinh viên đừng nên đi khởi nghiệp ngay, mà hãy đi làm cho một công ty khởi nghiệp. Khi bạn chưa đủ sức mà lại tự đưa mình vào một thử thách quá lớn thì nguy cơ bạn không vượt qua được nó là rất cao. Nhưng nếu bạn chấp nhận rủi ro đó và bạn tin bản thân mình đã đủ khả năng thì bạn hãy cứ làm.

6. Vậy khi đã đủ chín chắn để khởi nghiệp, theo anh các bạn trẻ có thể tìm đến những sự trợ giúp của những ai và từ những đâu?

Hiện nay thì hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã tương đối đầy đủ, bao gồm các co-working space, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, chương trình tăng tốc, quỹ đầu tư, hệ thống giáo dục khởi nghiệp, các hệ thống sự kiện cũng như các chương trình giáo dục về khởi nghiệp, workshop…

Nhưng quay trở lại câu chuyện đủ chín, nếu như bản thân bạn còn đặt ra câu hỏi này, nghĩa là bạn chưa có khả năng khai thác hệ sinh thái, chưa có khả năng tìm được những nguồn hỗ trợ, thì lời khuyên của Phúc là đừng khởi nghiệp.

VJS xin chân thành cảm ơn anh Phúc, chúc anh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường của mình!

Thực hiện: Minh Giang

Biên tập: Thanh Long

Thiết kế: VJS Poster