“Khoa học cần phải gắn liền với sản xuất”: GS. TS. NGND. Ngô Kiều Nhi  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Xem chú thích Hình 2

GS.TS. NGND. Ngô Kiều Nhi đã có hơn 40 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ẩn sau vẻ ngoài nhỏ nhắn, khiêm tốn cùng giọng nói dịu dàng, ấm áp là một ý chí quyết tâm phi thường. Cuộc đời cô là một chuỗi những câu chuyện về làm khoa học kiên trì, bền bỉ và đầy sáng tạo trải dài cùng những năm tháng lịch sử của đất nước. Đó có thể là việc cô đã ứng dụng tin học vào công tác tuyển sinh từ những ngày đầu ở Tp.HCM hay câu chuyện vì phẫn nộ với đám hải tặc hoành hành ngư dân mình mà cô quyết tâm làm máy cân bằng động để tàu cảnh sát biển có đủ tốc độ truy đuổi. Vietnam Journal of Science (VJS) xin giới thiệu với các bạn về câu chuyện cuộc đời nghiên cứu khoa học đầy cống hiến của cô:

Đôi nét về GS. TS. NGND. Ngô Kiều Nhi:

  • Tốt nghiệp phó tiến sỹ ở Liên Xô ngành Nguyên lý máy
  • Giải thưởng quốc tế Kovalevskaya cho nữ khoa học gia xuất sắc
  • Giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005 
  • Đơn vị đầu tiên chế tạo thành công máy cân bằng động tại Việt Nam
  • Đơn vị đầu tiên làm thành công bộ điều khiển công nghiệp cho máy CNC nhiều trục tại Việt Nam (chú thích về máy CNC sẽ có trong phần phỏng vấn)
  • Đề xuất quy trình đo thường xuyên và phương pháp phân loại cầu ở Việt Nam (chia thành các nhóm cầu: yếu, hoạt động động được, hoạt động tốt) giúp cho việc quản lý, duy tu, bảo trì được tiết kiệm

 

Xin chào cô, trước tiên, VJS xin cảm ơn cô đã nhận lời tham gia chuyên mục Chân dung Nhà Khoa học của tạp chí. Được biết cô là một trong số ít những người phụ nữ nghiên cứu rất sâu về Cơ học. Xin cô cho biết duyên cơ nào đã dẫn cô đến với ngành khoa học này?

GS. Ngô Kiều Nhi: Chào em, cô cũng xin cảm ơn tạp chí VJS đã mời cô tham gia chuyên mục này. Cô tốt nghiệp phổ thông, thi đậu vào Đại học Y Hà Nội (á khoa) và được chọn đi học ở Liên Xô. Thời đó em cũng biết rồi đó, nhà nước phân công ngành nào thì mình theo học ngành đó. Rất tình cờ cô được phân công theo ngành Động lực học và Sức bền máy. Chương trình học Ngành này ở Liên Xô rất nặng, nhưng cũng nhờ thế mà cô được học tập khá sâu kiến thức cơ bản của ngành cơ đồng thời có một số kiến thức về công nghệ chế tạo cơ khí. Các kiến thức này giúp cô rất nhiều trong những nghiên cứu sau này. Cô học đến năm thứ 3 thì tình cờ có một thầy giáo kêu cô tham gia nghiên cứu khoa học. Đây là cơ hội giúp cô có điều kiện vào phòng thí nghiệm làm việc và hiểu phương pháp thực nghiệm

Sau đó cô học tiếp lên Phó Tiến sỹ ở Liên Xô, ngành Nguyên lý máy. Đề tài là thiết lập phương trình tính toán cho quá trình tạo hình một dạng thiết bị mà trước đó quá trình tạo hình phải thực hiện bằng phương pháp đồ họa. Nói chung thuần túy về lý thuyết, song nó lại hỗ trợ trực tiếp cho việc chế tạo máy sau này.

Cô tốt nghiệp phó tiến sỹ cuối năm 1974, về đến Việt Nam vào đầu năm 75. Sau đó thì chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, cô rất vui vì được về quê mẹ là Sài Gòn. Rồi cô dạy ở trường Bách Khoa Tp.HCM (BK. Tp HCM) từ đó đến bây giờ.

Điều kiện của Việt Nam thời sau chiến tranh rất khó khăn. Cô có thể chia sẻ với độc giả một vài kỷ niệm giảng dạy, nghiên cứu đáng nhớ thời kỳ đó?

GS. Ngô Kiều Nhi: Khi cô vừa mới vào Sài Gòn năm 75, tình hình lúc đó còn rất bất ổn. Các trường đại học đều tạm ngừng giảng dạy và tuyển sinh. Nhưng sang năm 76, lãnh đạo ngành Giáo dục quyết tâm phải mở cửa lại trường học, cô được tham gia từ đầu quá trình tuyển sinh đại học.

Ngay sau giải phóng, dù là lúc đó muôn vàn khó khăn, định hướng của trường BK.TP HCM vẫn là thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đặc biệt giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên sau chiến tranh, em cũng biết đấy, nhu cầu nghiên cứu đâu có nhiều, người ta lo cái ăn còn chưa xong. Vì thế nếu cứ làm lý thuyết như hướng cô được đào tạo thì không phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Do đó cô chuyển sang hướng nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng, dù rằng quan niệm xã hội lúc đó cũng không coi trọng nghiên cứu thực nghiệm lắm.

Kỷ niệm làm khoa học hồi đó cô nhớ nhất là việc áp dụng công nghệ tin học vào quá trình tuyển sinh! Cô còn nhớ mãi lần tuyển sinh đầu tiên năm 76, thời bấy giờ tất cả mọi thứ đều phải làm thủ công hết, từ ghi chép tên thí sinh, ngành thi, kết quả thi. Một đợt tuyển sinh mà kéo dài mấy tháng trời, công việc nhiêu khê vô cùng. Hồi đó tin học còn gọi là điện toán, cả Sài Gòn chỉ có 1 trung tâm IBM ở đường Lý Tự Trong, sau giải phóng thuộc Sở Điện lực quản lý. Sắp đến kỳ tuyển sinh năm 1977, thầy Trần Bình, một cán bộ khoa Xây Dựng có bạn phụ trách công ty điện lực thành phố nên biết IBM đang không được sử dụng, kêu cô lại và nói : “Nhi ơi, hay anh em mình tìm cách đưa điện toán vào việc tuyển sinh đi”. Cô rất thích ý tưởng đó nên bắt tay cùng cộng tác với thầy Bình ngay. Ý tưởng này được lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo sở điện lực rất ủng hộ. Thế là năm 77, trường BK.Tp.HCM áp dụng thành công tin học vào vấn đề tuyển sinh, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức cho cả giáo viên lẫn thí sinh. Đến năm 78, mô hình đó được nhân rộng ra toàn thành phố, rồi năm tiếp theo là toàn miền Nam, sau đó Bộ GD&DT nhân rộng và áp dụng cho cả nước. Hồi đó thông tin liên lạc rất thiếu thốn, gửi thư từ Nam ra Bắc hết cả tháng trời. Mà cả phương tiện tiện di chuyển cũng rất khó khăn chủ yếu bằng xe đạp. Trong điều kiện lạc hậu như vậy mà đưa công cụ điện toán vào tuyển sinh ở diện rộng đem lại niềm khích lệ rất lớn.

Sau việc ứng dụng tin học vào tuyển sinh, cô bắt đầu tham gia nhóm nghiên cứu của khoa Cơ khí các công trình khác như chế tạo thiết bị đóng cọc gia cố công trình xây dựng, thiết bị tháo lõi thép đúc trong phân xưởng luyện kim.

Hình 1: GS. Ngô Kiều Nhi và học trò trong ngày tốt nghiệp.

Xin cô kể rõ hơn về những công trình khoa học cô và các đồng nghiệp đã thực hiện thời kỳ đó? 

GS. Ngô Kiều Nhi: Hồi năm 85, cô có cơ hội được qua Pháp thực tập 1 năm. Sau 10 năm rời Liên Xô về nước, cô trở lại Châu Âu, công nghệ máy tính đã thay đổi một cách ngoạn mục. Lần đầu tiên tiếp cận với máy tính cá nhân (Personal Computer – PC) cô vô cùng lúng túng. Tuy nhiên, điều làm cô sốc đó là PC được sử dụng là một khâu trong sơ đồ thí nghiệm, điều mà trước đây cô không hề biết đến. Vì vậy, ngay sau khi từ Pháp trở về Việt Nam cô chủ động tổ chức nghiên cứu chế tạo máy cân bằng động với sự kết hợp sử dụng PC. Về công dụng máy cân bằng động, cô lấy ví dụ thế này cho dễ hiểu. Khi em lái xe trên đường cao tốc, bánh xe ô tô phải quay với tốc độ rất nhanh. Nếu bánh xe không đối xứng, dù chỉ là 1 chút thôi, do lực quán tính thì khi xe chạy sẽ rất lắc. Đồng thời máy móc bên trong cũng bị rung, dễ làm hư hỏng xe. Do đó ở các nước như Mỹ, Canada, khi em đi trên đường sẽ thỉnh thoảng thấy có các trạm cân ô tô, đó là để kiểm tra xem bánh xe có được cân bằng không và điều chỉnh lại.

Không chỉ xe ô tô mới cần cân bằng mà rất nhiều loại phương tiện, máy móc như: quạt máy, bánh đà, cánh máy bay, tua bin tàu thủy cũng đều cần cân bằng. Máy móc càng hiện đại thì càng nhiều chi tiết cần được cân bằng. Thời điểm đó thực ra mới có một số nước trên thế giới chế tạo được máy cân bằng động. Tuy nhiên cô quyết tâm thực hiện máy cân bằng động là do nhu cầu thực tiễn: cô được đưa đến và yêu cầu khử rung turbine nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, cân bằng Turbine nhà máy đường Hiệp Hòa, hay turbine của dàn khoan dầu khí. Ngoài ra một trong các nguyên nhân thúc đẩy đó là cô nghe rằng hải tặc hoành hành ở vùng biển nước mình. Cảnh sát biển đến truy đuổi thì chúng đã chạy xa và rất khó đuổi kịp. Lý do là vì bánh lái tàu cảnh sát biển không thể quay đủ nhanh vì dễ mất cân bằng, dẫn đến lật tàu.

Quá trình nghiên cứu chế tạo mất tương đối nhiều thời gian, đến tận năm 1993 mới chế tạo máy cân bằng động đầu tiên. Lý do là vì điều kiện nghiên cứu hồi đó còn nhiều thiếu thốn. Ví dụ như để làm cái máy này thì cần phải có cảm biến dao động. Nhưng thời điểm đó làm sao mà nhập được. Rồi tài liệu nghiên cứu cũng rất hạn chế. Tất cả mọi thứ cô đều phải tự mày mò, lên thư viện đọc sách, rồi tự đề ra giải pháp thử nghiệm vào điều kiện của mình. Sau khi làm xong máy này, cô cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, dù điều kiện mình còn khó khăn nhưng chỉ cần quyết tâm thì thế nào cũng vượt qua được. Các học trò của cô sau đó đã tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, liên tục cải tiến để chất lượng phù hợp với thị trường. Cũng từ đó đến nay, nhiều loại máy cân bằng được sản xuất và cung cấp khắp mọi miền đất nước với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 90%. 

Đất nước càng phát triển thì chúng ta càng cần nhiều máy cân bằng động. Một ngành nghề mới đã được sinh ra và phát triển tại Tp.HCM. Bây giờ nếu em về Tp.HCM đi trên đường thỉnh thoảng sẽ thấy những tấm biển, các xưởng quảng cáo thực hiện cân bằng động...

Hình 2: GS. Ngô Kiều Nhi và nhóm nghiên cứu.

Nghị lực và quyết tâm của cô thật vô cùng đáng khâm phục! Bây giờ cô và nhóm nghiên cứu của mình đang tập trung giải quyết những vấn đề gì ạ?

GS. Ngô Kiều Nhi: Hiện nay, nhóm nghiên cứu của cô tập trung vào 4 hướng chính:

Hướng thứ nhất là nghiên cứu phương pháp đo và phương pháp xử lý số liệu dao động của cầu để đánh giá tình trạng của chúng. Nước mình có nhiều cầu, chỉ tính riêng ở Tp.HCM đã gần nghìn cây cầu rồi. Việc xác định tình hình sức khỏe của cầu vô cùng quan trọng. Ở các nước tiên tiến thì người ta lắp các cảm biến gọi là hệ thống Health Monitoring. Kinh phí lắp các hệ thống cố định này rất lớn, không phù hợp với tình hình của Việt Nam. Bởi vậy cô muốn tìm ra biện pháp đo và phân tích số liệu một cách đơn giản và đỡ tốn kém mà hiệu quả. Cô đã tiến hành thử nghiệm và được các cán bộ cùa Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM tin tưởng vào phương pháp đề xuất. Hy vọng thành phố sẽ ủng hộ và cấp thêm kinh phí để cô mở rộng mô hình này và được ứng dụng trong thời gian tới.

Hướng nghiên cứu thứ hai là cô đang cố gắng để đặt nền tảng chế tạo máy CNC (computerized numerically controlled) tại Tp.HCM. Nguyên lý CNC là điều khiển các máy móc trong công nghiệp để sản xuất các chi tiết phức tạp bằng cách sử dụng các chương trình viết bằng kí hiệu chuyên biệt theo tiêu chuẩn EIA-274-D, thường gọi là mã G. Ngày nay, máy in 3D đang rất được quan tâm, nhưng máy in 3D chỉ là một dạng nói chung của máy CNC. Về cấu tạo, máy in 3D được điều khiển 3 trục (3 dimensions), trong khi máy CNC có tới 5 trục (5 dimensions) để có thể chế tạo các chi tiết cần độ phức tạp cao. Nói một cách nôm na là dùng máy tính để điều khiển sản xuất các chi tiết có hình dạng phức tạp. Trong máy CNC, bộ điều khiển (controller) là quan trọng nhất, mức độ phức tạp của bộ điều khiển tùy theo số trục. Quan điểm của nhóm cô là cần nghiên cứu chủ động chế tạo các bộ điều khiển từ 1 đến nhiều chiều một cách hoàn chỉnh, chứ không thực hiện bằng cách lắp ghép (Intergrate) các bộ có số chiều ít của nước ngoài thành bộ nhiều nhiều. Cho đến nay, nhóm nghiên cứu của cô đã chế tạo thành công các bộ CNC công nghiệp nhiều chiều. Để chế tạo máy CNC năng lực thứ 2 rất quan trọng đó là chế tạo cơ khí. Hiện nay, công nghệ chế tạo cơ khí ở Việt Nam chưa đủ sức chế tạo máy lớn. Vì vậy, hiện tại nhóm cô hướng tới việc chế tạo các máy CNC loại nhỏ, khả năng gia công cho vật liệu không quá cứng, các máy này vừa phục vụ đào tạo vừa giúp sản xuất trong các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, đặc biệt góp phần vào việc phát triển các làng nghề truyền thống tại Việt Nam. Bên cạnh đó là đào tạo một đội ngũ biết thiết kế, chế tạo máy CNC thông qua chương trình hướng dẫn và thực hiện luận văn Kỹ Sư ngành Cơ Kỹ thuật

Nhân đây, cô cũng mong qua tạp chí VJS gửi lời mời tới các doanh nghiệp cơ khí, nếu cũng quan tâm đến phát triển sản xuất máy CNC thì có thể cùng nhau hợp tác.

Hướng nghiên cứu thứ 3 là góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ tại thành phố. Chắc em cũng nghe nói đến câu chuyện nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam than phiền là đến con ốc vít cũng không mua được. Các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam mang theo rất nhiều máy móc hiện đại. Nhưng khi một chi tiết nào đó của các loại máy đó bị gẫy hỏng thì họ không cách nào tìm được chi tiết thay thế ở Việt Nam. Lấy ví dụ một con ốc vít thôi, nhưng đó không phải là loại ốc bán sỉ đầy ngoài chợ mà là 1 chi tiết rất tinh xảo. Việc phát triển các máy CNC tại Việt Nam sẽ giảm tải nhu cầu này, một trong các vấn đề mà ngành công nghệ phụ trợ cần đảm trách. Đây là vấn đề mà lãnh đạo thành phố cho là sống còn, điều này không chỉ với TP.HCM mà còn với cả Việt Nam vì đã có rất nhiều nhà đầu tư đến với chúng ta nhưng lại quay qua các nước láng giềng, chỉ vì ngành công nghiệp phụ trợ của nước mình hiện rất yếu. Cô rất hy vọng không chỉ lãnh đạo thành phố, mà cả các nhà doanh nghiệp, các nhà khoa học sẽ cùng nhau giải quyết bài toán này để Việt Nam có thể thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư hơn nữa.

Hướng nghiên cứu thứ 4 mà nhóm cô đang đẩy mạnh là nghiên cứu kỹ thuật đo bao gồm chế tạo thiết bị đo và phương pháp xử lý số liệu. Hiện nhóm cô đang phối hợp với một số công ty để phát triển các thiết bị đo và thử (test) trong một số ngành, trong đó chủ yếu là dệt may nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dệt may trong nước. Ngành dệt may là một trong những ngành góp phần xuất khẩu cao nhất tại Việt Nam.

Hình 3: (Trái) Máy CNC được lắp tại phòng thí nghiệm của GS. Ngô Kiều Nhi với mức độ nội địa hóa hơn 80%. (Phải) Một tấm điêu khắc gỗ cổ được phục dựng bằng cách dùng máy CNC.

 Có thể nói là mặc dù đã lớn tuổi nhưng cô vẫn đầy nhiệt huyết với những dự án vô cùng tham vọng cho ngành cơ khí Việt Nam. Là một nhà khoa học đã làm việc rất lâu trong ngành, cô đánh giá thế nào về ngành cơ khí Việt Nam nói riêng và khoa học Việt Nam nói chung? Theo cô chúng ta cần phải thay đổi điều gì để khoa học Việt Nam có bước thay đổi thật sự?

GS. Ngô Kiều Nhi: Cô đã trăn trở về câu hỏi của em từ rất lâu rồi. Trước tiên là chúng ta các nhà khoa học, các nhà quản lý, cần xác định rõ mục tiêu của hoạt động khoa học. Khoa học là để làm gì? Tại sao cần khoa học? Theo cô, trước hết khoa học là phải giúp cho cuộc sống, phải giúp tăng năng suất, phải giúp sản phẩm cạnh tranh hơn được. Khoa học cần phải gắn liền với sản xuất để giúp doanh nghiệp đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Một nghịch lý ở Việt Nam là người tài rất nhiều, nhưng khoa học lại được đánh giá không phát triển. Ở Việt Nam, hoạt động khoa học không gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất nhiều. Nghiên cứu khoa học chỉ làm sao để hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo cho xong là cất vô ngăn tủ, không bao giờ đụng đến nữa. Và chuyện đó đã kéo quá dài và quá lâu rồi. Thứ 2 là về cơ chế, phải chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, không bao cấp cho các doanh nghiệp nhà nước nữa. Như thế các doanh nghiệp sẽ có các yêu cầu cụ thể đặt ra cho các nhà khoa học và ngược lại, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu các vấn đề thực tiễn để đem lại hiệu quả cao cho sản xuất.

Thực ra nói đi thì cũng phải nói lại, cũng do lịch sử nước mình có nhiều điều không may quá. Hồi Pháp thuộc, mình chưa kịp xây dựng nền công nghiệp gì hết, mới chỉ có 1 vài nhà tư bản thôi, thì sau đó lại xảy ra chiến tranh triền miên, đến tận năm 75 mới thống nhất đất nước. Mà lúc đó thật ra đâu đã yên bình đâu em. Chiến tranh biên giới ở Tây Nam rất đẫm máu, rồi chiến tranh biên giới với Trung Quốc ở phía bắc, mãi đến gần năm 89 tình hình mới dịu lại. Rồi chúng ta còn bị cấm vận đến tận năm 94, cùng với các sai lầm trong chính sách bao cấp ngăn sông cấm chợ. Sau các chủ trương đổi mới với việc gỡ bỏ cấm vận, nền sản xuất mới có điều kiện phát triển và sau đó, hoạt động khoa học mới có cơ hội dụng võ.

Thật ra cô cũng thấy có nhiều tín hiệu đáng mừng. Việt Nam hiện nay cũng đã có thêm nhiều nhà tư bản và nền công nghiệp cũng đang bước đầu được xây dựng. Gần đây, chúng ta có tiến hành thực hiện chính sách phát triển khoa học công nghệ, theo đó doanh nghiệp nào đầu tư cho nghiên cứu sản xuất thì sẽ được miễn thuế. Tuy nhiên cái đó mới chỉ bắt đầu và ở diện hẹp, cô nghĩ cần phải nhân rộng và làm mạnh mẽ, để các doanh nghiệp có động lực thay đổi. Từ đó khoa học của chúng ta tự khắc cũng phải thay đổi theo.

Hình 4: GS. Ngô Kiều Nhi giới thiệu về máy CNC 4 trục loại nhỏ.

Là một phụ nữ rất thành công khoa học, lại trong ngành Cơ học, cô có lời khuyên nào cho các bạn nữ cũng muốn theo đuổi con đường khoa học ở Việt Nam?

GS. Ngô Kiều Nhi: Ở các nước tiên tiến thì vai trò phụ nữ rất bình đẳng với nam giới. Tại Việt Nam, nhà nước ta đã thực hiện một cách ngoạn mục việc giải phóng phụ nữ. Tuy không bằng các nước tiên tiến, tuy nhiên mức độ bình đẳng của phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội đã khá tốt. Nói một cách công bằng thì đúng là phụ nữ có khó khăn hơn nam giới. Tuy nhiên không nên đổ cho việc đó mà nói là mình không theo đuổi được sự nghiệp. Cô thấy các bạn nữ bây giờ thông minh, năng động và có nhiều điều kiện hơn các thế hệ trước rất nhiều, lời khuyên của cô là các bạn hãy tự tin.

Cô cho rằng ngành nghề nào cũng thế thôi, nhất định mình phải yêu thích nó thì mình mới theo đuổi được. Ngoài ra cũng không nên nghĩ khoa học là cái gì quá cao xa. Các nhà khoa học cũng chỉ là người đi làm chuyên ngành của mình thôi, không khác gì với các nghề khác như giáo viên, kỹ sư, kiểm toán. Những người nào làm tốt thì sẽ được nhiều tiền, làm kém thì sẽ bị loại bỏ dần. Quan trọng nhất là mình phải thấy đam mê và phù hợp với nó.

Nhân đây cô cũng muốn gửi lời cảm ơn đến dự án VJS. Các em là những người đang học tập nghiên cứu ở nước ngoài mà vẫn có lòng nghĩ đến quê hương thì thật sự rất đáng quý. Việc các em cùng nhau xây dựng tạp chí khoa học, giúp các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận gần hơn với tiêu chuẩn công bố nước ngoài, cũng như phổ biến kiến thức khoa học đến độc giả quốc tế, thật sự là rất tuyệt vời. Cô mong các em sẽ sớm được nhận vào ISI hoặc SCI để có thể giúp nhiều nhà khoa học Việt Nam hơn nữa. Về bản thân mình, cô hoàn toàn ủng hộ dự án và sẵn sàng hỗ trợ các em nếu có điều kiện.

VJS xin trân trọng cảm ơn GS. TS. NGND. Ngô Kiều Nhi vì câu chuyện cuộc đời làm khoa học đầy nỗ lực và những lời chúc tốt đẹp dành cho tạp chí. Bọn em cũng xin kính chúc cô nhiều sức khỏe và mọi điều may mắn để có thể góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp như cô hằng mơ ước.

Thực hiện: Lãng Du

Comments

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.