Tranh cãi về nguy cơ gây ung thư của Glyphosate  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Hình 1. Thuốc trừ cỏ glyphosate

Glyphosate là một trong những hóa chất diệt cỏ phổ biến nhất trên toàn thế giới và được sử dụng cho hơn 750 sản phẩm khác nhau trong nông nghiệp, lâm nghiệp, đô thị và nhà ở. Glyphosate có khả năng diệt trừ tận gốc hầu hết các loại cỏ và được đánh giá là ít độc tính đối với người sử dụng (nhóm độc III). Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây nhất của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO đã có sự mâu thuẫn với nghiên cứu của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) về nguy cơ tiềm ẩn gây ung thư của glyphosate.

Tháng 3/2015, tại chi nhánh của IARC ở Lyon (Pháp), 17 chuyên gia từ 11 nước khác nhau đã cùng họp mặt và đưa ra lời cảnh báo về khả năng gây ung thư của 5 hóa chất bảo vệ thực vật, bao gồm tetrachlorvinphos, parathion, malathion, diazinon và glyphosate [1]. Trong đó, glyphosate được xếp vào nhóm “có khả năng gây ung thư” (nhóm 2A). Nghiên cứu cho thấy glyphosate sau khi được phun, sẽ tồn dư trong không khí, nước, thực phẩm và có thể được cơ thể con người hấp thụ thông qua các vi sinh vật trong đường ruột [1]. Mặc dù các thống kê về nguy cơ gây ung thư ở con người chưa đầy đủ nhưng một loạt thí nghiệm đã khẳng định sự phá hủy nhanh chóng DNA và nhiễm sắc thể trên tế bào động vật của glyphosate thông qua quá trình oxy hóa. Báo cáo của Mladinic và cộng sự về các thí nghiệm trên dòng tế bào lympho của người và động vật cho thấy có sự tăng số lượng các tế bào nhân nhỏ (một trong những dấu hiệu phá hủy DNA); từ đó các giả thuyết về khả năng gây đột biến tại đầu mút nhiễm sắc thể đã được các nhà khoa học đặt ra [2]. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm còn đưa ra bằng chứng về nguy cơ gây các bệnh ung thư lạ trên chuột đực như ung thư biểu mô ống thận, ung thư gan dạng hiếm hoặc u các tiểu đảo nội tiết của tuyến tụy...[3]; và khả năng thúc đẩy sự phát triển của dòng tế bào T47D (một dòng tế bào ung thư vú phụ thuộc estrogen) thông qua tác động lên thụ thể estrogen [4]. Trong những năm qua, đã có rất nhiều lời cáo buộc từ các nước về sự nguy hiểm của glyphosate, điển hình là năm 2015, hơn 30.000 bác sĩ và nhân viên y tế trong Nghiệp đoàn ngành y tế Argentina (FESPROSA) đã đề nghị đưa glyphosate vào danh sách cấm sử dụng vì theo họ, hóa chất này đã làm gia tăng tình trạng sảy thai, dị tật bẩm sinh, các bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp và bệnh thần kinh ở đất nước này [5].

Tuy nhiên, trong báo cáo gần đây nhất của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), glyphosate gần như không có khả năng làm tăng nguy cơ gây ung thư ở người, ít nhất là ở dạng glyphosate nguyên chất. Sự khác biệt giữa hai đánh giá của các cơ quan trên là do IRAC đưa ra kết luận dựa trên các tài liệu đã được xuất bản; còn EFSA đã dùng nhiều phương pháp thống kê khác nhau và sử dụng những công trình nghiên cứu mới chưa được công bố - theo giám đốc Tổ chức Hòa bình xanh ở Bỉ [6]. Ngoài ra, báo cáo dịch tễ học của EFSA còn nhấn mạnh rằng những nghiên cứu mà IRAC đưa ra gặp nhiều khó khăn trong so sánh vì họ đánh giá chất diệt cỏ thương mại, tức là glyphosate không nguyên chất và chứa nhiều chất phụ trợ khác nhau; ngược lại, các phân tích của EFSA chỉ giới hạn ở glyphosate nguyên chất [6]. Tuy nhiên, trong thành phần của các thuốc diệt cỏ được sử dụng, glyphosate chỉ ở dạng hoạt chất của nó, và không hoàn toàn tinh khiết. Mặc dù kết luận glyphosate không có khả năng gây ung thư, nhưng EFSA vẫn đề ra lượng hóa chất tối đa mà cơ thể con người có thể hấp thụ là 0,5 mg/kg mỗi ngày, tức là một người nặng 80kg không nên tiêu thụ hơn 40 mg glyphosate mỗi ngày [6].

Kết luận của EFSA ra đời đúng vào thời điểm Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành các bước cuối cùng để phê duyệt danh sách những hóa chất bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nông nghiệp; nó sẽ có ảnh hưởng lớn tới quyết định của các nhà chức trách về vấn đề này. Kết luận của EFSA đã gặp phải rất nhiều sự phản đối, đặc biệt là từ các nước trong EU, người ta cho rằng EFSA đang cố tình “tẩy trắng” mối nguy hiểm mà glyphosate gây ra cho con người [7]. Trước tình hình đó, cuộc bỏ phiếu quyết định glyphosate có được tiếp tục sử dụng trong vòng 15 năm tới của EU vào ngày 8/3/2016 đã phải hoãn lại do sự bất đồng quan điểm giữa các nước, đặc biệt là sự phản đối của Pháp, Italia, Thụy Sĩ, Hà Lan. Theo dự kiến, cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành vào ngày 18/5/2016 [8], [9]. Một tin vui cho người dân châu Âu là Ủy ban Hóa chất châu Âu (ECHA) đang tiến hành đánh giá ảnh hưởng của glyphosate đối với sức khỏe con người trên quy mô lớn, kết quả được kì vọng sẽ công bố vào cuối năm 2017. Nếu ECHA tìm thấy nguy cơ gây ung thư cũng như sự tổn hại lên hệ thống nội tiết và sinh sản thì glyphosate sẽ chính thức đi vào danh sách cấm của EU [8]. Trong lúc thế giới đang diễn ra những tranh cãi nảy lửa về sự nguy hiểm tiềm tàng của glyphosate; thì tại Việt Nam, glyphosate đang được nông dân vùng Nam Bộ sử dụng rất rộng rãi cùng với paraquat và 2,4-D. Câu hỏi đặt ra đối với chúng ta là hóa chất này có nên tiếp tục đứng trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được cho phép sử dụng nữa hay không?

Tác giả: Đào Ngọc Anh - Đại học Y dược Hải Phòng

Tài liệu tham khảo

1. IARC Monographs Volume 112: Evaluation of five organophosphate insecticides and herbicides. 2016. Available from: https://www.iarc.fr/en/media-centre/iarcnews/pdf/MonographVolume112.pdf.

2. Mladinic M, Berend S, Vrdoljak A, Kopjar N, Radic B, Zeljezic D: Evaluation of genome damage and its relation to oxidative stress induced by glyphosate in human lymphocytes in vitro. Environmental and Molecular Mutagenesis. 2009;50(9): 800-807.

3. Guyton K, Loomis D, Grosse Y, El Ghissassi F, Benbrahim-Tallaa L, Guha N et al. Carcinogenicity of tetrachlorvinphos, parathion, malathion, diazinon, and glyphosate. The Lancet Oncology. 2015;16(5):490-491.

4. Thongprakaisang S, Thiantanawat A, Rangkadilok N, Suriyo T, Satayavivad J. Glyphosate induces human breast cancer cells growth via estrogen receptors. Food and Chemical Toxicology. 2013;59:129-136.

5.  30,000 Doctors in Argentina Demand that Glyphosate be Banned. Natural Society. 2015 . Available from: http://naturalsociety.com/30000-doctors-in-argentina-demand-that-glyphosate-be-banned.

6. Vogel G. Popular herbicide doesn’t cause cancer, European Union agency says. Science. 2015.

7. EU scientists advise higher safety limits on glyphosate weedkiller. EurActiv.com. 2015. Available from: https://www.euractiv.com/section/science-policymaking/news/eu-scientists-advise-higher-safety-limits-on-glyphosate-weedkiller/

8. EU delays glyphosate decision amid cancer uproar. EurActiv.com. 2016. Available from: https://www.euractiv.com/section/science-policymaking/news/eu-delays-glyphosate-decision-amid-cancer-uproar.

9. Chow L, Hauter W, Hyman D, Suzuki D. France, Sweden, Italy and the Netherlands Rebel Against Relicensing of Monsanto's Glyphosate. EcoWatch. 2016. Available from: http://ecowatch.com/2016/03/07/eu-licensing-monsanto-glyphosate/

 

-----

Bài đăng 04 / 02 / 2016

Category: 

Comments

- Ở phần độ độc của Glyphosate bạn nên bổ sung thêm thuộc hệ thống phân loại của WHO vì có nhiều hệ thống phân loại khác như GHS hay EPA... - Phần tài liệu tham khảo thứ 2, Mladinic và cộng sự nói :"no clear dose-dependent effect was observed, it indicates that glyphosate in concentrations relevant to human exposure do not pose significant health risk". và kết quả của họ với các nghiên cứu khác thì kết quả cũng mơ hồ trong phần kết luận, lưu ý là các tác giả sử dụng phương pháp hOGG1 Modified Comet Assay với máu ngoại vi của Người thôi chứ không có động vật. - Tài liệu tham khảo số 1 và 3 hình như là một thì phải, bạn kiểm tra lại nhé. - Các phương pháp thử trên in vitro có độ tin cậy thấp nên bạn tránh dùng nhiều để làm tham khảo. - bạn có thể trang http://toxnet.nlm.nih.gov/ của Toxicology Data Network thuộc U.S. National Library of Medicine để tìm kiếm thêm thông tin.

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.