Hy vọng mang thai cho phụ nữ vô sinh  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Hiến tặng nội tạng cơ thể sau khi qua đời là một nghĩa cử nhân văn cứu sống người khác đang được biết đến rộng rãi và ghi nhận trong cộng đồng. Bên cạnh hiến tặng những cơ quan đã từng được cấy ghép thành công như tim, phổi, gan, thận,… thì không lâu nữa người hiến nội tạng là phụ nữ còn có thể đăng ký hiến tử cung. Từ thành công bước đầu về cấy ghép tử cung ở Thụy Điển, các bác sĩ tại Cleveland Clinic, Hoa Kỳ hiện đang triển khai một dự án hướng tới hy vọng mang đến cơ hội mang thai cho phụ nữ vô sinh. (1)


Đối tượng của thử nghiệm là 10 phụ nữ khỏe mạnh bị vô sinh do yếu tố tử cung (uterine factor infertility - UFI). Bệnh nhân UFI không có tử cung hoặc tử cung không có chức năng do dị tật bẩm sinh hoặc chấn thương bên ngoài. Tiến sĩ Andreas G. Tzakis, trưởng nhóm dự án cho biết: “Cấy ghép tử cung là lựa chọn duy nhất cho phép một người phụ nữ mắc UFI mang thai theo ý nghĩa sinh học.” (2)

Hình 1. Hình mô tả phương pháp ghép tử cung (Nguồn ảnh: Dr. Tommaso Falcone, Cleveland Clinic | The New York Times).

Quy trình thử nghiệm bao gồm nhiều giai đoạn trước và sau khi cấy ghép. 10 ứng viên thích hợp được lựa chọn dựa trên các điều kiện sinh lý và tâm lý do nhóm nghiên cứu ấn định. 10 noãn từ mỗi ứng viên được thu nhận, cho thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization - IVF) và được bảo quản đông lạnh. Phẫu thuật cấy ghép tử cung hiến tặng vào người nhận được thực hiện ngay khi tìm được tử cung tương thích. Quá trình cấy ghép thực tế chỉ mất 6 - 8 giờ, tuy nhiên cần thời gian một năm để cơ thể thích ứng hoàn toàn với tử cung mới. Tiếp theo, thực hiện cấy trứng đã thụ tinh vào tử cung mới cho đến khi có thai (mỗi lần 1 trứng). Các ứng viên phải duy trì uống thuốc ức chế miễn dịch để ngăn ngừa thải ghép và sinh thiết cổ tử cung hàng tháng nhằm theo dõi sát sao tình trạng tử cung trong suốt thời kỳ mang thai. Đến cuối thai kỳ, các ứng viên phải thực hiện sinh mổ để tránh sự căng giãn quá mức đối với tử cung cấy ghép.

Tử cung cấy ghép có thể sử dụng cho lần mang thai thứ hai (3). Tuy nhiên, dùng thuốc chống thải ghép trong thời gian dài gây ảnh hưởng tương đối tiêu cực đến sức khỏe và tăng nguy cơ tiền sản giật, gây nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi - do vậy các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên giới hạn ở hai lần mang thai bằng phương pháp này. Sau đó tử cung cấy ghép có thể được cắt bỏ bằng phẫu thuật hoặc để cơ thể tự đào thải.

Trước đây, trường Đại học Gothenburg (Thụy Điển) là đơn vị nghiên cứu duy nhất đã thành công với phương pháp này (4). Năm 2014, trong số chín ứng viên, năm người đã sinh con khỏe mạnh mặc dù bị thiếu tháng, hai ca cấy ghép thất bại do các nguyên nhân nhiễm trùng và nghẽn mạch máu lưu thông tại tử cung ghép.

Theo thông tin chính thức mới nhất ngày 09/3/2016 từ Viện Cleveland Clinic, nỗ lực đầu tiên trong 10 ca thử nghiệm của dự án đã thất bại. Các bác sĩ buộc phải loại bỏ tử cung cấy ghép sau phẫu thuật do nhiễm trùng nấm Candida albicans gây tắc nghẽn mạch cung cấp máu tới tử cung (5). Nấm Candida albicans tồn tại tương đối phổ biến, nhưng chưa có ghi nhận chúng là nguyên nhân gây biến chứng trong các ca ghép tử cung trên người và động vật từ trước đến nay. Tiến sĩ Tzakis phỏng đoán: “Việc sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch và chấn động do cơ thể phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn có thể đã giúp đẩy nhanh sự phát triển của tác nhân nhiễm trùng trong trường hợp này”. (5, 6)

Hiện dự án đã tạm dừng triển khai lâm sàng, chỉ tập trung vào phân tích và nghiên cứu điều chỉnh quy trình để hạn chế biến chứng, ví dụ như sử dụng thêm thuốc sát khuẩn và kháng nấm cục bộ. Nhóm dự án hy vọng sẽ có thể tiếp tục với thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.   

Cấy ghép tử cung vẫn là một quy trình cấy ghép nội tạng với nhiều rủi ro như nguy cơ thải ghép, chi phí cao và chỉ là biện pháp tạm thời do tử cung cấy ghép sẽ bị loại bỏ dần dần. Dù vậy đối với những phụ nữ mắc UFI, đây vẫn là một hy vọng lớn lao, mang tới trải nghiệm làm mẹ mà họ tưởng chừng không thể có.

Tác giả: Nguyễn Minh Hảo (Cộng tác viên tạp chí VJS)

Phản biện: Hà Diệu Anh (NCS, ĐH bang Oregon, Hoa Kỳ)

Tài liệu tham khảo

1.        Cleveland Clinic Is First in U.S. to Offer Clinical Trial of Uterus Transplant Available at: https://health.clevelandclinic.org/2015/11/cleveland-clinic-is-first-u-s-to-offer-clinical-trial-of-uterus-transplant/ [Accessed May 26, 2016].

2.        Fertility for Infertile Women: Uterus TransplantTrending | Labroots | Virtual Events, Webinars and Videos Available at: http://www.labroots.com/trending/clinical-and-molecular-dx/1922/fertility-for-infertile-women-uterus-transplant [Accessed May 26, 2016].

3.        Brännström M, et al. (2015), Livebirth after uterus transplantation. Lancet (London, England) 385(9968):607-16.

4.        Uterus Transplantation Research Project, University of Gothenburg Available at: https://www.youtube.com/watch?v=27WBZSOAO_4 [Accessed May 26, 2016].

5.        Nation’s first uterus transplant failed due to fungal infection, Cleveland Clinic reports Available at: http://www.cleveland.com/healthfit/index.ssf/2016/04/uterus_transplant_failure_due.html [Accessed May 29, 2016].

6.        Candidiasis | Types of Diseses | Fungal Diseases | CDC Available at: http://www.cdc.gov/fungal/diseases/candidiasis/ [Accessed May 29, 2016].

 

Category: