Protein đặc trưng của bệnh Alzheimer: không chỉ có hại?  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Alzheimer là một căn bệnh thoái hóa thần kinh mãn (chronic neurodegenerative) phổ biến ở người già, với triệu chứng điển hình là mất trí nhớ, rối loạn định hướng (dễ đi lạc), tâm tính không ổn định, mất khả năng tự chăm sóc bản thân, và một số thay đổi về hành vi khác. Căn bệnh này chiếm khoảng 60 đến 70% trong tổng số trường hợp mất trí nhớ ở người cao tuổi [1]. Thời gian sống trung bình của bệnh nhân chỉ khoảng từ 3 đến 9 năm sau khi phát bệnh [2]. Thống kê năm 2015, cả thế giới có khoảng 35 triệu người mắc bệnh, chủ yếu là người già trên 65 tuổi [3]. Alzheimer được xem là một căn bệnh dai dẳng, chưa có thuốc đặc trị, và gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống tinh thần lẫn vật chất của cá nhân, gia đình nói riêng và cả xã hội nói chung.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây trên chuột và sâu cho thấy β-amyloid (hình 1), một mảnh peptid lạ, chứa khoảng 36-43 acid amin, xuất hiện nhiều trong não bệnh nhân Alzheimer, gây tổn thương thần kinh và là dấu hiệu chính của bệnh, có khả năng bảo vệ não chống lại một số vi khuẩn gây bệnh [4]. Kết quả này đã dấy lên nhiều tranh cãi trong giới khoa học, một số nhà khoa học cho rằng nghiên cứu trên động vật không hoặc ít có ý nghĩa thực tế trên người; một số khác lại cho rằng đây là một bước tiến mới trong công cuộc nghiên cứu về β-amyloid, một phân tử vốn được xem là gây hại và không có lợi ích gì cho cơ thể con người [5].

Hình 1: Cấu trúc mảng bám β-amyloid trên não. Nguồn: [Amyloid]

Để tiến hành nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng loại chuột chuyển gen nhằm sản sinh một lượng lớn β-amyloid người trong não chuột. Tiếp đó, họ tiêm chủng vi khuẩn Salmonella enterica, nhóm Typhimurium (vi khuẩn gây bệnh thương hàn, ngộ độc thực phẩm) vào não chuột. Nhóm thử được so sánh với nhóm chứng (nhóm chuột bình thường không chuyển gen) và kết quả cho thấy rằng: trong vòng 96 giờ, tất cả chuột trong hai nhóm đều chết, tuy nhiên, nhóm thử (nhóm chuột chuyển gen) mất cân nặng ít hơn, có ít vi khuẩn hơn, và sống lâu hơn khoảng 30 giờ so với nhóm chứng [4].

Nghiên cứu tương tự được tiến hành trên loài sâu Caenorhabditis elegans, và kết quả tương tự được phát hiện. Nhóm sâu chuyển gen có tuổi thọ trung bình lâu hơn 3 ngày so với nhóm sâu bình thường khi cho phơi nhiễm với vi khuẩn Salmonella enterica, nhóm Typhimurium [4]. Nghiên cứu này đã mở ra một cách nhìn nhận khác về vai trò của β-amyloid trong cơ thể sinh vật.

Hình 2: Mô phỏng cấu trúc thần kinh (neuron) ở người bình thường (hình trái) và người mắc bệnh Alzheimer (hình phải) với các mảng bám β-amyloid. Nguồn: [Neuron]

Rudolph Tanzi, một nhà khoa học về thần kinh, thuộc bệnh viện đa khoa Massachusetts tại Boston, cho rằng mảnh peptid β-amyloid không chỉ gây hại đến các tế bào thần kinh mà còn ảnh hưởng xấu đến tim, gan và thận [5]. Một câu hỏi lớn được đặt ra là, nếu hoàn toàn không có lợi, tại sao chọn lọc tự nhiên không xóa bỏ sự tồn tại của mảnh peptid này? Mà ngược lại, β-amyloid đã được tìm thấy trong bộ cá vây tay (coelacanth) cổ với tuổi đời lên tới 400 triệu năm. Hơn thế nữa, nhà thần kinh học Claudio Soto Jara thuộc đại học Texas, Houston, đã khẳng định rằng chuỗi gen mã hóa cho mảnh peptid này ở các loài động vật có vú là tương tự nhau [5].

Mặc dù còn nhiều tranh cãi và không thống nhất giữa các nhà khoa học, β-amyloid, dấu hiệu chính của bệnh Alzheimer, có thể giúp ích cho con người, đặc biệt trong cuộc chiến chống lại các chủng vi sinh vật kháng thuốc nguy hiểm. Tác giả xin phép dừng bài viết bằng một câu thành ngữ cổ xưa nhưng luôn chính xác: “Mọi thứ đều có hai mặt”.

Tác giả: Phạm Duy Toàn (NCS, ĐH Naresuan, Thái Lan)

Phản biện: Phạm Đức Hùng (TS, ĐH Leuven, Bỉ)

Tài liệu tham khảo

1. Burns A, Iliffe S (2009), Alzheimer's disease, BMJ 338:b158

2. Querfurth HW, LaFerla FM (2010), Alzheimer's disease, The New England Journal of Medicine, 362(4):329–44

3. World Health Organization (2016), Dementia Fact sheet, April 2016, http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs362/en/, accessed 28.05.2016

4. Deepak KVK, Se HC, Kevin JW, William AE, Stephanie T, Jessica G et al (2016), Amyloid-β peptide protects against microbial infection in mouse and worm models of Alzheimer’s disease, Science Translational Medicine, 8(340):340ra72

5. Emily U (2016), Alzheimer’s protein may help brain fight infection, http://www.sciencemag.org/news/2016/05/alzheimer-s-protein-may-help-brain-fight-infection, accessed 28.05.2016

Category: