Thiếu ngủ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Thiếu ngủ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Gần đây, các nhà khoa học Phần Lan vừa công bố một công trình nghiên cứu sự tác động của thiếu ngủ lên biến dưỡng cholesterol và  gây viêm. Nghiên cứu được tiến hành trên nhóm người không mắc các bệnh liên quan đến giấc ngủ và có sức khỏe bình thường. Nghiên cứu được tiến hành song song trên cả 2 nhóm đối tượng: những người bị gây thiếu ngủ trực tiếp trong nghiên cứu (chỉ ngủ khoảng 4 tiếng một đêm, trong 5 đêm liên tiếp) và những người báo cáo rằng họ không ngủ đủ giấc trong cộng đồng (bằng cách trả lời 2 câu hỏi: “Bạn ngủ bao nhiêu tiếng?” và “Bạn cho rằng ngủ bao nhiêu tiếng là đủ cho bạn cảm thấy khỏe mạnh?”). Việc nghiên cứu đồng thời 2 nhóm người cung cấp kết quả khách quan và gần với thực tế hơn. Đối tượng nghiên cứu sẽ được thu nhận máu và phân tích sự biểu hiện gen, nồng độ cholesterol và một số chất trung gian liên quan đến 2 quá trình quan trọng trên. Kết quả cho thấy, việc thiếu ngủ đã làm giảm HDL, tăng LDL, tăng các tín hiệu gây viêm. Mặc dù sự biểu hiện gen hoặc nồng độ cholesterol có sự khác nhau giữa 2 nhóm nhưng kết quả cuối cùng vẫn là tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người thiếu ngủ [1].


Hình 1. Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ảnh hưởng xấu đến
hệ miễn dịch và nồng độ lipid trong cơ thể

Cholesterol là hợp chất béo không no, cần thiết cho việc ổn định màng tế bào và tạo một số hormone. Tuy nhiên, nếu chúng tồn tại với nồng độ cao trong máu (trên 240 mg/dl) thì sẽ gây ra các bệnh tim mạch. Chúng được vận chuyển bởi các phân tử lipoprotein. Có 2 loại lipoprotein đáng chú ý là low-density lipoproteins (LDL) và high-density lipoproteins (HDL) thường được dùng để kiểm tra khi đánh giá tình trạng sức khỏe tim mạch [2]. Vì cholesterol cao dễ gây xơ vữa mạch máu, các phản ứng viêm sẽ làm trầm trọng thêm quá trình xơ vữa. LDL được gọi là cholesterol xấu vì nồng độ cao của chúng thường đi kèm với nồng độ cholesterol trong máu cao và gây ra các bệnh mạch máu. HDL hay được gọi là cholesterol tốt vì chúng vận chuyển cholesterol về gan để xử lí, giảm sự tích tụ cholesterol ở các cơ quan khác [3].

Nghiên cứu này không những cung cấp kết quả kiểm tra cholesterol mà còn là những đánh giá về sự biểu hiện gen liên quan đến cân bằng nội mô của cholesterol, sterol và nồng độ của 20 loại lipid khác, các yếu tố kích hoạt gây viêm. Theo đó, ở nhóm người bị thiếu ngủ có sự mất cân bằng nội mô cholesterol và sterol, tăng lipid, tăng các tín hiệu kích hoạt hệ miễn dịch và các quá trình gây viêm. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ở người thiếu ngủ.  Ngoài ra, thiếu ngủ còn là tác nhân gây ra một số bệnh như: béo phì, tiểu đường, đột quỵ,… [4].

Hình 2. Thời gian ngủ thích hợp cho mỗi độ tuổi khác nhau. Trục tung: màu xanh dương đậm (ở giữa) là khoảng khuyến cáo, màu xanh ngọc là khoảng chấp nhận được và phần màu vàng là không khuyến cáo. Trục hoành: các độ tuổi khác nhau. (Nguồn: sleepfoundation.org)

Theo như khuyến cáo của Hiệp hội giấc ngủ quốc gia Mỹ thì mỗi độ tuổi có khoảng thời gian cho giấc ngủ là khác nhau (như mô tả trên hình 2). Theo đó, mỗi người cần sắp xếp thời gian để đảm bảo ngủ đủ giấc nhằm có một sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn để công việc đạt hiệu quả cao .

Tác giả: Bùi Thị Vân Anh (ĐH Khoa học Tự nhiên, TPHCM)

Phản biện: Lê Việt Trân (ĐH Y Dược Cần Thơ)

Tài liệu tham khảo

1.         Aho, V., et al., Prolonged sleep restriction induces changes in pathways involved in cholesterol metabolism and inflammatory responses. Sci Rep, 2016. 6: p. 24828.

2.         Howles, P.N., Cholesterol Absorption and Metabolism. Methods Mol Biol, 2016. 1438: p. 177-97.

3.         Parhofer, K.G., The Treatment of Disorders of Lipid Metabolism. Dtsch Arztebl Int, 2016. 113(15): p. 261-8.

4.         Grandner, M.A., et al., Sleep disturbance is associated with cardiovascular and metabolic disorders. J Sleep Res, 2012. 21(4): p. 427-33.

 


Category: