Curcumin - "Thần dược" từ phương đông  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Hippocrate, ông tổ ngành Y, đã từng khẳng định rằng “Hãy để thức ăn là phương thuốc chữa bệnh, và “thuốc hóa” thức ăn” (“Let food be your medicine, and medicine food”). Tương tự, người phương Tây có câu ngạn ngữ “You are what you eat” (“Bạn chính là cấu thành của những gì bạn ăn”), tục ngữ Việt Nam có câu “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Tất cả nói lên tầm quan trọng của thức ăn trong việc nâng cao sức khỏe cũng như kiểm soát bệnh tật của con người. Và cũng từ thực phẩm, các nhà khoa học đã tìm ra những hoạt chất tiềm năng, có hoạt tính cao trong hầu hết tất cả các bệnh thường gặp. Một trong những ví dụ điển hình là curcumin, hoạt chất được chiết xuất từ thân rễ (củ) Nghệ - Curcuma longa L. (Họ Gừng – Zingiberaceae).

Nghệ đã được dùng phổ biến tại Ấn Độ và những vùng lân cận, chủ yếu trong món cà ri, với mục đích tăng khẩu vị, bảo vệ sức khỏe và bảo quản thực phẩm. Trong lĩnh vực dược phẩm, tinh bột Nghệ được sử dụng từ thời Ayurveda (năm 1900 trước công nguyên), để chữa các bệnh thông thường như mụn, viêm da, đau nhức, viêm loét dạ dày, rối loạn chức năng gan,… [1]. Nghệ là thành phần chính trong bài thuốc cổ truyền Trung Hoa Jiawei-Xiaoyao-san, dùng trị trầm cảm, stress, rối loạn tiêu hóa trong hơn 1000 năm. Và cũng chính sự hiệu quả và an toàn của bài thuốc này mà cây Nghệ vượt ra khỏi biên giới phương Đông, trở thành hướng nghiên cứu chính của các nhà khoa học phương Tây [2]. Đến năm 1910, cấu trúc hóa học của curcumin được xác định, mở đầu cho một loạt các nghiên cứu về hoạt tính của chất này trên các mô hình bệnh tật [1].

Hình 1: (Trái) Cấu trúc hóa học của curcumin và các dẫn chất; (Phải) Một số cơ chế tác động của curcumin lên các phân tử sinh học, mà sự tăng hay giảm các phân tử này dẫn tới sự phát sinh bệnh lý. Nguồn: [3]

Tác dụng chữa bệnh của curcumin rất đa dạng, trải rộng từ bệnh lý tiêu hóa tới ung thư, nhưng gói gọn chung trong 4 tác động chính: kháng viêm, chống oxi hóa, thay đổi sự chết của tế bào và bảo vệ tế bào thần kinh [2]. Curcumin có khả năng ức chế NF-κB, một chất trung gian trong phản ứng viêm, và do đó giảm quá trình viêm. Đồng thời, quá trình ức chế NF-κB sẽ dẫn tới hiện tượng ức chế hàng loạt các protein khác, điển hình là protein kháng apoptosis (apoptosis là quá trình tự chết theo chương trình của các tế bào), dẫn đến tế bào tự tiêu hủy nhiều hơn, điều này rất có lợi trong điều trị ung thư [4,5]. Mặt khác, khả năng chống oxi hóa của curcumin bằng cách tiêu hủy các gốc tự do, cũng đã được nghiên cứu. Với tác dụng này, curcumin được xem là “thần dược” cho quá trình trẻ hóa làn da, làm chậm tiến trình lão hóa [6,7]. Bên cạnh đó, curcumin có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh bằng cách ức chế hoạt động của chất độc thần kinh NMDA (N-methyl-D-aspartate) bởi việc làm giảm số lượng thụ thể của NMDA trên một số neuron [8].

Mặc dù được nghiên cứu khá lâu, nhiều kết quả khả quan, nhưng curcumin vẫn chưa được FDA (cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận như một loại THUỐC mới, tức không thể dùng chính thống theo y lệnh nhân viên y tế để điều trị, chẩn đoán và ngăn ngừa bệnh tật. Hiện nay, curcumin chỉ xuất hiện dưới dạng thực phẩm chức năng và mỹ phẩm trên các thị trường Nhật, Mỹ, Hàn, Thái,… [9]. Tuy nhiên, những nghiên cứu lâm sàng trên người về hiệu quả và tính an toàn của curcumin đang được tiến hành rộng rãi, kết quả tìm kiếm trên trang www.clinicaltrials.gov với từ khóa “curcumin” cho ra 133 kết quả (ngày truy cập 30.07.2016).

 

Hình 2: Một số sản phẩm chứa curcumin trên thị trường, bao gồm một số loại thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Nguồn: tham khảo từ tài liệu [9]

Với những thông tin trên, tác giả tin rằng curcumin sẽ sớm được sử dụng như thuốc trong điều trị bệnh tật con người. Mẹ thiên nhiên luôn có những món quà vô giá dành cho đứa con của mình, và khoa học chính là chìa khóa để mở điều kỳ diệu ấy.

Tác giả: Phạm Duy Toàn (NCS, Đại học Naresuan, Thái Lan)

Phản biện: Hoa Phan (NCS, Đại học bang Michigan, Hoa Kỳ)

Tài liệu tham khảo

1. Bharat B. Aggarwal et al., (2007) Curcumin: The Indian solid gold. Adv. Exp. Med. Biol. 595: 1–75.

2. Jeffrey M. Witkin et al., (2013) Curcumin, an Active Constituent of the Ancient Medicinal Herb Curcuma longa L.: Some Uses and the Establishment and Biological Basis of Medical Efficacy. CNS & Neurological Disorders - Drug Targets. 12: 487–497.

3. Muthu K. Shanmugam et al., (2015) The Multifaceted Role of Curcumin in Cancer Prevention and Treatment. Molecules. 20(2): 2728–2769.

4. Wilken R. et al., (2011) Curcumin: A review of anti-cancer properties and therapeutic activity in head and neck squamous cell carcinoma. Mol. Cancer. 10: 12.

5. Singh S. et al., (1995) Activation of transcription factor NF-κB is suppressed by curcumin (diferuloylmethane). J. Biol. Chem. 270: 24995–25000.

6. Sikora E. et al., (2010) The promise of slow down ageing may come from curcumin. Curr. Pharm. Des. 16: 884–892.

7. Barzegar A. et al., (2011) Intracellular ROS protection efficiency and free radical-scavenging activity of curcumin. PLoS One. 6: e26012.

8. Matteucci A. et al., (2011) Curcumin protects against NMDA-induced toxicity: a possible role for NR2A subunit. Invest. Ophthalmol. Vis. Sci. 52: 1070.

9. Prasad S. et al., (2014) Recent Developments in Delivery, Bioavailability, Absorption and Metabolism of Curcumin: the Golden Pigment from Golden Spice. Cancer Research and Treatment : Official Journal of Korean Cancer Association. 46(1): 2–18.

Tags: 
Category: