Ô nhiễm rác thải nhựa ở Biển Đông: hiện trạng và những đề xuất  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Ảnh minh họa: Đinh Văn Khương

Bên cạnh các thảm họa môi trường từ chất thải công nghiệp gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong thời gian gần đây như sự kiện cá chết hàng loạt tại các tỉnh Miền Trung Việt Nam vào tháng 4 năm 2016, ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa từ hoạt động thường ngày của con người cũng là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Trên 50% tổng lượng rác thải nhựa ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực Biển Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippine (Hình 1) (1). Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới. Khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra Biển Đông dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới (1). Tuy nhiên, phần lớn người dân dường như vẫn chưa có ý thức về những nguy hại từ ô nhiễm rác thải nhựa cũng như chưa có những hành động cần thiết để bảo vệ môi trường biển.

Hình 1. Bản đồ về lượng chất thải nhựa (plastic waste) ra biển và đại dương của 192 nước trên thế giới. Lượng chất thải nhựa được mã hóa theo màu sắc (xem trong chú thích trong hình) với đơn vị đo tính bằng triệu tấn (1).

Đặc tính của nhựa, cơ chế gây hại và hậu quả với các sinh vật biển

Do đặc điểm cấu trúc là các polyme tổng hợp nhân tạo (polystyrene, polyester, polyethylene...), nhựa là một dạng chất thải có tốc độ phân hủy trong môi trường biển rất chậm. Thông thường những mảnh rác thải nhựa lớn sẽ bị phân nhỏ ra dưới các tác động cơ học thành các hạt nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm (gọi là microplastic). Thông thường phải mất đến hàng trăm năm thậm chí cả hàng nghìn năm để một mảnh rác thải nhựa bị phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên (2). Với đặc tính bền vững trong tự nhiên như vậy, rác thải nhựa đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển, ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống của các loài sinh vật phù du (3), các loài rùa biển (4) cũng như các loài chim biển (5).

Cơ chế gây hại:

  • Các mảnh nhựa được tích lũy trong ruột gây cản trở hoặc tắc hệ tiêu hóa của sinh vật (3).
  • Do đặc tính kỵ nước của nhựa, chúng có khả năng hấp phụ trên bề mặt một lượng lớn các chất ô nhiễm khác như PCBs, PAHs, thuốc trừ sâu .... (6). Những chất này khi được tích lũy trong cơ thể sinh vật sẽ gây ra những tác hại đối với sinh vật.

Một nghiên cứu mới công bố gần đây cho thấy 28% tổng số cá thể sinh vật và 55% số loài cá và thân mềm thu được từ Biển Đông khu vực Indonesia có chất thải nhựa trong dạ dày và đường ruột. Chúng đều là những loại hải sản được sử dụng phổ biến làm thực phẩm hàng ngày của người dân Indonesia (7). Trong khi đó, chưa có những nghiên cứu tương tự từ vùng biển Việt Nam. Mặc dù vậy, hải sản nhiễm rác thải nhựa chiếm tỉ lệ cao ở Indonesia cho thấy những nguy cơ tương tự có thể xảy ra với hải sản được dùng làm thực phẩm ở Việt Nam vì 2 lý do: thứ nhất, Indonesia có lượng rác thải nhựa ra biển nằm trong khoảng dao động tương đương với Việt Nam (1) và những loài hải sản được đề cập đến trong nghiên cứu ở Indonesia như cá nục, cá thu, cá trích, cá dìa cũng đều là những loài được sử dụng phổ biến làm thực phẩm ở Việt Nam (7). Đó là một vấn đề nghiêm trọng. Như đã đề cập ở trên, rác thải nhựa không những gây cản trở quá trình tiêu hóa của sinh vật mà còn mang theo những chất độc hại như PCBs, PAHs, .... vào trong cơ thể chúng. Việc sử dụng các loại hải sản có chứa rác thải nhựa làm thực phẩm có thể dẫn đến những quan ngại về những hợp chất độc hại hấp phụ trên bề mặt nhựa có thể tích lũy trong cơ thể người và qua thời gian dài có khả năng gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe.

Những đề xuất để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở biển Việt Nam

  1. Thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khi đi chợ, siêu thị cũng như khi gói hàng. Thay vào đó là sử dụng các túi xách, làn, giỏ... làm từ vật liệu thân thiện hơn với môi trường. Đây cũng có thể là một hướng nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu vật liệu phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng vẫn đảm bảo sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Có như vậy, yêu cầu thay thế dần việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa mới có tính khả thi.
  2. Tuyệt đối không xả các chất thải nhựa ra biển (và xa hơn là không xả tất cả các loại rác thải một cách bừa bãi ra môi trường). Tác giả bài viết đặc biệt lưu ý vấn đề này đối với các khách du lịch khi đi tắm biển. Để thực hiện điều này thì sự giáo dục trong gia đình và nhà trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành thói quen bảo vệ môi trường và xả rác đúng nơi qui định.
  3. Rác thải nhựa có khả năng tái chế, do đó cần được phân loại riêng từ trong gia đình và ở các thùng rác công cộng để dễ thu gom và tái chế. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên khuyến khích việc thành lập các công ty tư nhân có vai trò thu gom, xử lý và tái chế rác thải thông qua các chính sách ưu đãi về vay vốn, thuế, v.v.
  4. Các nhà khoa học cần tiến hành các nghiên cứu đánh giá hiện trạng và tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đến hệ sinh thái biển Việt Nam và nguy cơ ảnh hưởng từ ô nhiễm rác thải nhựa sức khỏe người dân thông qua sử dụng hải sản.

(Chú ý: các đề xuất trên nên được thực hiện một cách đồng thời).

Sau đây là một số hình ảnh về hoạt động tình nguyện thu gom rác ven bờ biển của người dân thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, tỉnh Khánh Hòa - một hoạt động nên được nhân rộng ra cả nước. Ảnh tư liệu: Bùi Thảo Nguyên.

Bãi biển tràn ngập rác thải với rất nhiều túi nilon.

 

Hãy chung tay bảo vệ môi trường: từ người lớn, học sinh cho đến các em nhỏ. Môi trường là của tất cả chúng ta!

Hãy xây dựng ý thức bảo vệ môi trường từ những đứa trẻ …

… và người lớn cũng cần gương mẫu thực hiện.

Kết quả: Bãi biển đã rất sạch so với ban đầu. Điều quan trọng hơn là hãy giữ bãi biển sạch như vậy không những cho hôm nay mà còn cho cả mai sau!

Lời cảm ơn: Tác giả gửi lời cảm ơn các bạn Đinh Duy Thành (Đại học Liege, Bỉ) và Đỗ Trọng Hiệp (Hà Nội) đã đọc và góp ý cho bài viết. Tác giả cũng gửi lời cảm ơn tới bạn Bùi Thảo Nguyên (Nha Trang) đã tổ chức những hoạt động làm sạch bãi biển cùng người dân địa phương đầy ý nghĩa, và đã cung cấp những bức ảnh tư liệu cho bài viết này.

Khuyến cáo: Nội dung trong bài viết này là những phân tích, nhận định của cá nhân người viết. Những gì trong bài viết không đại diện cho bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào.

Tác giả: Đinh Văn Khương (TS, Viện Nuôi Trồng Thủy sản, Đại học Nha Trang)

Phản biện: Nguyễn Lê Minh Trí (NCS, Đại học Ulsan, Hàn Quốc)

Tài liệu tham khảo

1.         Jambeck JR, et al. (2015) Plastic waste inputs from land into the ocean. Science 347(6223):768-771.

2.         Moore CJ (2008) Synthetic polymers in the marine environment: A rapidly increasing, long-term threat. Environ. Res. 108(2):131-139.

3.         Cole M, et al. (2013) Microplastic ingestion by zooplankton. Environ. Sci. Technol. 47(12):6646-6655.

4.         Nelms SE, et al. (2016) Plastic and marine turtles: a review and call for research. ICES J. Mar. Sci. 73(2):165-181.

5.         Parker L (2015) Nearly every seabird on Earth is eating plastic.  (National Geographic, Washington, D.C.).

6.         Rochman CM, Hoh E, Hentschel BT, & Kaye S (2013) Long-term field measurement of sorption of organic contaminants to five types of plastic pellets: implications for plastic marine debris. Environ. Sci. Technol. 47(3):1646-1654.

7.         Rochman CM, et al. (2015) Anthropogenic debris in seafood: Plastic debris and fibers from textiles in fish and bivalves sold for human consumption. Sci. Rep. 5.

 

Category: