Con người vẫn đang tiến hóa? Sức mạnh của chọn lọc tự nhiên  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Từ xưa đến nay, từ hơn 4 tỷ năm khi Trái Đất hình thành, vô số giống loài đã được sinh ra, tiến hóa thành, và diệt chủng. Có một quy luật chung cho tất cả mọi sự vận động ấy là quy luật của chọn lọc tự nhiên. “Mạnh được yếu thua”, câu tục ngữ từ ngàn xưa của ông bà ta chưa bao giờ sai. Chưa xét đến các giống loài khác nhau, chỉ tính riêng trong cùng một loài thôi, đã có vô số kiểu hình khác nhau, xuất phát từ những thay đổi nhỏ trong bộ gene di truyền. Ví như loài công, con đực phải cạnh tranh với nhau, xòe đuôi lộng lẫy, để hấp dẫn con cái, nhằm duy trì nòi giống, cũng là cách để duy trì bộ gene của mình. Những con đực “xấu” hơn, bộ gene không phù hợp hơn (về khía cạnh hấp dẫn giới tính) sẽ dần chết đi mà không có “hậu nhân”. Điều này dần loại bỏ những cá thể, những đoạn gene không phù hợp với môi trường sinh sống [1]. Tuy nhiên không phải lúc nào “mạnh” cũng thắng, mà cốt lõi của chọn lọc tự nhiên là phù hợp với môi trường. Một ví dụ điển hình cho vấn đề này là sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Trong một quần thể vi khuẩn, có đủ loại kiểu gene khác nhau (chủ yếu do đột biến tạo nên), và một vài cá thể mang gene kháng thuốc, tức chúng có khả năng bất hoạt, phóng thích, hay né tránh các phân tử kháng sinh. Bình thường, những cá thể này được coi như là “dị tật”, vì không giống những cá thể còn lại, dẫn đến kém phát triển, chiếm thiểu số trong cộng đồng. Nhưng khi trong môi trường dày đặc kháng sinh, chỉ có chúng sống sót, và hiển nhiên, chúng sinh sôi nảy nở lên nhiều lần, di truyền dòng gene kháng thuốc cho thế hệ sau. Và cứ như thế, từ khi penicillin ra đời năm 1928, đến nay chúng ta đã có chủng vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng tất cả các loại kháng sinh, do sự sử dụng tràn lan kháng sinh [2,3].

Hình 1: Một ví dụ của chọn lọc tự nhiên, những con hươu thấp lùn sẽ không thể cạnh tranh lại nguồn thức ăn với các con cao lớn. Nguồn: Internet

Dĩ nhiên, con người cũng không là ngoại lệ của chọn lọc tự nhiên. Bạn có bao giờ tự hỏi rằng tại sao qua bao ngàn năm nay, con người vẫn không tiến hóa? Hay liệu có cách nào kéo dài tuổi thọ con người không? Nếu thế thì câu trả lời cho cả hai câu hỏi ấy là có đấy. Chúng ta vẫn đang âm thầm bị tự nhiên chọn lọc, chỉ là chưa biểu hiện rõ nét qua kiểu hình, nhưng kiểu gene thì khá rõ. Một nghiên cứu gần đây, được đăng tải trên tạp chí PLoS Biology, chỉ ra rằng tự nhiên đang giúp chúng ta loại bỏ đi những gene xấu, những gene có khả năng làm giảm tuổi thọ loài người [4]. Nghiên cứu được tiến hành trên DNA của 215000 người, ở nhiều nhóm tuổi, từ dữ liệu của Mỹ và Anh. Tuổi thọ của mỗi cá nhân và những thế hệ đi trước của họ (ba mẹ, ông bà) được ghi nhận. Mostafavi và các cộng sự đã kiểm tra trên 8 triệu đột biến gene, và phát hiện có hai kiểu có ảnh hưởng đến tuổi thọ. Tức sự xuất hiện của hai nhóm gene này giảm dần khi tuổi tác con người tăng lên:

- Một biến thể của APOE gene, một gene liên quan mật thiết đến bệnh Alzheimer, một bệnh lý giảm trí nhớ ở người già, hầu như biến mất ở phụ nữ trên 70 tuổi.

- Một đột biến của CHRNA3 gene, một gene liên quan tới chứng nghiện hút thuốc lá ở nam giới, cũng giảm dần ở nhóm dân số trung niên.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng những người không có hai biến thể kể trên có thể sống thọ hơn những người có một hoặc cả hai biến thể.

Tuy nhiên, quy luật của tạo hóa không nhằm mục đích “sống lâu”, mà nhằm mục đích quan trọng hơn, “duy trì nòi giống”, hay sinh sản. Dù chưa chỉ ra được rõ ràng mối liên hệ giữa hai biến thể gene trên với việc tăng khả năng sinh sản, các tác giả vẫn có thể lý giải rằng ở những nước phát triển (như Anh, Mỹ, hai nơi được tiến hành khảo sát), con người có xu hướng sinh sản muộn hơn, và sống lâu là một lợi thế liên quan. Bên cạnh đó, việc ông bà phụ giúp chăm sóc con cháu cũng “kích thích” phần nào ý muốn sinh con ở người trẻ. Hiện tượng này còn được gọi là “giả thiết bà nội” (grandmother hypothesis). Và cuối cùng, rất có khả năng hai biến thể gene trên cũng ảnh hưởng tới lứa tuổi sinh sản, nhưng phải cần số lượng mẫu nghiên cứu nhiều hơn nữa.

Dù chỉ là bước đầu, nhưng nghiên cứu đã khai phá được một góc khuất của tự nhiên. Tự nhiên luôn có những quy luật biến đổi riêng của nó, và nhiệm vụ của khoa học là khám phá ra những bí ẩn đời thường đó.

Tác giả: Phạm Duy Toàn – Đại học Naresuan, Thái Lan

Tài liệu tham khảo:

1. Greenfield MD, Alem S, Limousin D, Bailey NW (2014) The dilemma of Fisherian sexual selection: Mate choice for indirect benefits despite rarity and overall weakness of trait-preference genetic correlation. Evolution 68:3524-3536.

2. Fiona H, Mary C, Maggie O, Andrew W (2015) MRSA superbug found in supermarket pork raises alarm over farming risks. The Guardian. https://www.theguardian.com/society/2015/jun/18/mrsa-superbug-in-supermarket-pork-raises-alarm-farming-risks

3. Gian CS (2006) The importance of the development of antibiotic resistance in Staphylococcus aureus. Clin Microbiol Infect 12(1):3-8.

4. Mostafavi H, Berisa T, Day FR, Perry JRB, Przeworski M, Pickrell JK (2017) Identifying genetic variants that affect viability in large cohorts. PLoS Biol 15:e2002458.