Bí mật trong kim tự tháp Giza, kỳ quan duy nhất còn sót lại của thế giới cổ đại  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Bảy kỳ quan thế giới cổ đại (Seven Wonders of the Ancient World) là một danh sách gồm bảy công trình kiến trúc độc đáo, được xây dựng trong khoảng thời gian từ vài ngàn tới vài trăm năm trước Công Nguyên (BC). Danh sách nổi tiếng này bao gồm [1]:

- Kim Tự Tháp Giza (2584–2561 BC, Ai Cập)

- Vườn treo Babylon (600 BC, Iraq)

- Tượng thần Zeus ở Olympia (466–456 BC, Hy Lạp)

- Đền Artemis (550 BC, Thổ Nhĩ Kỳ)

- Lăng mộ của Mausolus (351 BC, Thổ Nhĩ Kỳ)

- Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes (292–280 BC, Hy Lạp)

- Hải đăng Alexandria (280 BC, Ai Cập)

Đáng tiếc thay, sáu trong số bảy kỳ quan trên đã biến mất vì nhiều nguyên nhân như chiến tranh hay động đất. Ngày nay, chỉ còn Kim Tự Tháp Giza là tương đối nguyên vẹn, dù cũng bị hư hại do tác động của thời gian và thời cuộc.

Hình 1: Kim Tự Tháp Giza, một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Nguồn: http://www.ibisegypttours.com/travel-guide/egypt-attractions/cairo/pharaonic-attractions/khufu-pyramid

Được xây dựng trong khoảng 4500 năm về trước, Giza được xem như là một lăng mộ của pharaoh Khufu (Cheops), nhằm đưa vị vua này tới cõi vĩnh hằng. Được làm từ khoảng 2.3 triệu khối đá, với tổng chiều cao khoảng 140 mét và chiều rộng khoảng 230 mét, kiến trúc Giza vẫn còn là một bí ẩn hiện nay, cả về việc thiết kế lẫn thi công. Mặc dù Kim Tự Tháp lớn nhất này đã được các nhà khảo cổ phát hiện và khám phá, tuy nhiên nhiều bí mật vẫn còn được ẩn giấu, tựa như cái cách mà người Ai Cập cổ đại đã xây dựng nên công trình vĩ đại này. Mới đây (năm 2017), các nhà vật lý học đã tìm ra một cấu trúc rỗng bên trong hầm mộ của vị pharaoh Khufu, nhờ vào các tia vật chất dưới nguyên tử (subatomic particles) đến từ vũ trụ (cosmic rays) [2]. Được đăng trên tạp chí Nature, phát hiện này khuấy động một làn sóng nghiên cứu đa ngành giữa khảo cổ học và vật lý học. Mỗi phút, khoảng 10000 hạt vật chất vũ trụ nói trên, với tên gọi là muon, có tương tác với mặt đất. Muon được xếp vào nhóm lepton, bên cạnh nhóm vật chất cơ bản (vật chất không thể phân chia được nữa) quark. Cấu trúc nguyên tử được cấu thành từ proton, neutron và electron, proton và neutron lại được hình thành từ các loại hạt nhỏ hơn, với tên gọi quark. Lepton là một nhóm hạt tương tự quark, bao gồm electron và muon. Muon có cấu trúc tương tự electron, nhưng có khối lượng lớn hơn khoảng 207 lần. Và do có khối lượng lớn, nên chúng dễ dàng xuyên sâu đến khoảng vài trăm mét đất đá trước khi bị hấp thụ hoàn toàn. Lợi dụng điều này, các nhà khoa học chỉ cần đặt một máy nhận diện muon (muon detector) ở bên trong Kim Tự Tháp, là có thể dễ dàng “quan sát” được cấu trúc đặc rỗng của các bức vách bao quanh [2]. Bằng cách này, chúng ta có thể tìm thấy được những căn phòng hay hầm chứa bí mật, bị lấp kín bởi các khối đất đá, mà không cần phải phá vỡ chúng, tựa như các bác sĩ dùng tia X để quan sát cấu trúc hệ xương bên trong cơ thể bạn vậy.

Đúng như dự đoán, một cấu trúc rỗng, thể tích 30 m x 2 m x 8 m (dài x rộng x cao), đã được phát hiện. Cấu trúc này, hình dạng như một thánh đường, nhưng hẹp hơn, nằm gần vùng trung tâm của Kim Tự Tháp, lơ lửng cách mặt đất khoảng 20 mét. “Một cấu trúc rỗng lớn như vậy không thể là một sự cố trong quá trình thi công”, Mehdi Tayoubi, một tác giả của nghiên cứu, khẳng định. Tuy nhiên, chức năng của căn phòng bí ẩn này vẫn còn là một ẩn số. Do không có lối vào, chắc chắn đây không phải là nơi chôn cất hay lưu giữ báu vật, vì như vậy linh hồn nhà vua sẽ không thể siêu thoát, theo tín ngưỡng Ai Cập cổ đại. Zahi Hawass, một nhà “Ai Cập học”, cho rằng cấu trúc rỗng này chỉ đơn thuần để làm giảm khối lượng của các khối đá nằm ở vùng chóp đỉnh của Kim Tự Tháp, giúp chúng không bị sụp đổ. Điều này tương tự như việc “xây” một Kim Tự Tháp bằng các lá bài, do có cấu trúc tứ diện, nên nền móng công trình phải thật vững chắc, thật “đặc”, và ngược lại, càng lên cao thì khối lượng phải giảm dần, để tránh lực hấp dẫn làm đổ sập kiến trúc.

Hình 2: Cấu trúc bên trong Kim Tự Tháp Giza và vị trí của cấu trúc rỗng. Nguồn: Chỉnh sửa từ http://www.bbc.com/news/science-environment-41845445

Mặc dù mọi giả thiết chỉ là dự đoán của các nhà khoa học, nhưng sự thật về kỳ quan vĩ đại bí ẩn này đang dần được hé lộ. Cùng với đó chắc chắn sẽ là những bí mật trong cách thiết kế và xây dựng Kim Tự Tháp của người Ai Cập cổ đại, vốn tồn tại cách chúng ta hơn 4000 năm.

Tác giả: Phạm Duy Toàn – Đại học Naresuan, Thái Lan

Tài liệu tham khảo:

1. https://en.wikipedia.org/wiki/Seven_Wonders_of_the_Ancient_World. Accessed: 23/11/17.

2. Morishima K, Kuno M, Nishio A, Kitagawa N, Manabe Y, Moto M et al. Discovery of a big void in Khufu’s Pyramid by observation of cosmic-ray muons. Nature (Accelerated Article Preview). DOI: 10.1038/nature24647.