Khai thác hệ thống thông tin địa lý (GIS) nhằm cải thiện cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Tác giả: Nguyễn Duy Liêm, Đại học Nông Lâm TP. HCM

Thông tin, đặc biệt là thông tin số, ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động của cuộc sống hiện đại. Có một thực tế dễ nhận thấy rằng tất cả hoạt động của con người đều diễn ra tại những địa điểm nhất định trên trái đất. Nói cách khác, hoạt động của con người mang tính chất địa lý, mặc dù chúng ta thường không bận tâm nhiều về nó. Cuộc cách mạng thông tin số diễn ra vào cuối thế kỷ XX đã giúp cho thông tin địa lý trở nên dễ dàng truy cập, phân tích và sử dụng hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến sự phát triển tất yếu của Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - gọi tắt là GIS). GIS là hệ thống thông tin có khả năng thu nhận, lưu trữ, xử lý, phân tích và hiển thị dữ liệu địa lý (có tham chiếu không gian đến trái đất) [1]. Hiện nay, GIS đã trở thành một yếu tố cốt lõi của công nghệ số. Nhờ sức mạnh và tính ưu việt nổi trội của mình, phạm vi ứng dụng của GIS ngày càng mở rộng khiến nó trở thành công cụ hỗ trợ ra quyết định trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng của các quốc gia trên thế giới.

Ảnh vệ tinh - một dạng dữ liệu của GIS, có thể hỗ trợ các tổ chức nhân đạo trong việc tiếp cận người cần giúp đỡ ở các khu vực xung đột hoặc thiên tai. Vị trí đường giao thông hay nguồn nước sạch gần nhất với một vùng gặp thiên tai sẽ là những thông tin rất hữu ích. Với tiềm năng từ việc khai thác GIS, Làng trẻ em SOS quốc tế (SOS Children's Villages International) đã hợp tác với bộ môn Z_GIS thuộc Đại học Salzburg (Áo) trong dự án EO4HumEn+ kéo dài từ tháng 5/2016 đến tháng 4/2018. Mục tiêu của dự án là cung cấp các thông tin phù hợp dựa trên hình ảnh vệ tinh quan sát trái đất và thông tin địa lý để hỗ trợ các tổ chức nhân đạo.

Bản đồ mật độ xây dựng tại Lapilang, Nepal được trích xuất từ ảnh vệ tinh chụp ngày 28/5/2018, một kết quả của dự án EO4HumEn+ [3]

Vai trò của thông tin địa lý trong việc hỗ trợ phát triển và nhu cầu nhân đạo đã được thảo luận trong một sự kiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhân đạo thế giới (World Humanitarian Summit) 2016 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, GIS có thể xác định các đặc điểm tự nhiên (địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng) cũng như điều kiện kinh tế, xã hội của các trại tị nạn (quy mô, mật độ dân số, hướng mở rộng của trại, hạ tầng giao thông, mạng lưới cấp thoát nước). Đồng thời, GIS cho phép mô phỏng nguy cơ xảy ra thiên tai như lũ lụt, hạn hán. Khi xảy ra thiên tai, GIS hỗ trợ khoanh vùng ảnh hưởng, đánh giá khả năng tiếp cận, lập lộ trình di tản dân cư. Sau khi thiên tai kết thúc, GIS cho phép ước lượng thiệt hại về người và của theo từng khu vực.

Andreas Papp và Stefan Lang tham gia thảo luận tại Hội nghị Nhân đạo Thế giới [2]

Giáo sư Lang cho biết: “Các nhân viên nhân đạo càng có thông tin chất lượng, họ càng có thể phản ứng tốt hơn. Z_GIS vui mừng hợp tác với Làng trẻ em SOS để cung cấp dữ liệu về đánh giá rủi ro và tình huống khẩn cấp, có nghĩa là nhiều trẻ em và gia đình có thể được hỗ trợ trong các tình huống khủng hoảng”. Tính đến năm 2015, có 573 Làng trẻ em SOS trên khắp thế giới. Nhiều làng trong số này được bố trí để hỗ trợ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng sau thảm họa. Với các mạng nội bộ được thiết lập trong cộng đồng và các cơ sở chất lượng cao, Làng trẻ em SOS thường đóng vai trò trung tâm cho các tổ chức đối tác trong các tình huống khẩn cấp. Sự hợp tác với Z_GIS là cơ hội để chuẩn bị tốt hơn trước khi cấp cứu. Ví dụ, trong một khu vực dễ bị hạn hán, thông tin địa lý có thể cho thấy chính xác nơi nguồn nước gần nhất, bao nhiêu người sinh sống trong khu vực và liệu họ có thể đi theo hướng Làng trẻ em SOS trong một trường hợp khẩn cấp. Với thông tin này, Làng trẻ em SOS có thể dự đoán tốt hơn nhu cầu của người dân địa phương trong trường hợp khẩn cấp.

Andreas Papp, Giám đốc Quốc tế về Ứng phó Khẩn cấp, nhận định: “Sự hợp tác này sẽ cho phép chúng tôi đánh giá tính dễ bị tổn thương của một khu vực và chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng. Nếu Làng trẻ em SOS an toàn và có đủ nguồn lực, chúng tôi có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em và gia đình ở khu vực địa phương. Thông qua công việc của chúng tôi với Z_GIS, chúng tôi có thể dự đoán những gì chúng tôi cần và hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng địa phương trong công việc ứng phó khẩn cấp”.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Kim Lợi và Trần Thống Nhất. (2007). Hệ thống thông tin địa lý- Phần mềm ArcView 3.3. NXB Nông nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh

2. SOS Children’s Villages International. (2016). SOS Children’s Villages and Z_GIS harness geo-information to improve humanitarian emergency response. Retrieved May 20, 2018, from https://www.sos-childrensvillages.org/news/new-partners-will-harness-geo-information-systems

3. Z_GIS. (2017). Lapilang, Nepal - density of buildings extracted from satellite imagery 28 May 2015. Retrieved from http://eo4humenplus.gistemp.com/layers/geonode%3Abuidling_density_lapilang_ may2015__5categories#more