Kiểm soát muỗi với sự hỗ trợ của GIS  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Tác giả: Nguyễn Duy Liêm, Đại học Nông Lâm TP. HCM

1. Rủi ro sức khỏe từ muỗi

Muỗi là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống con người. Bạn có biết rằng số người chết vì những vật chủ trung gian (vector) có cánh này gần gấp đôi số người chết vì bạo lực và chiến tranh không? Với hơn 3.500 loài [1] và khả năng thích nghi nhanh với môi trường mới, muỗi có khả năng lớn lây lan mầm bệnh trên toàn thế giới. Trong 15 năm qua, muỗi đã gây ra bệnh tật, khuyết tật và tử vong ở quy mô đại dịch.

Sự bùng nổ của quần thể muỗi kết hợp với một xã hội có tính di động cao, “dễ bị đại dịch” khiến chính phủ các quốc gia phải nỗ lực điều tra cuộc khủng hoảng dịch bệnh từ muỗi để có thể ứng phó với nó bằng “bộ não” và “cơ bắp”. “Bộ não”, trong trường hợp này, bao gồm một nền tảng công nghệ vị trí giúp tổ chức, điều phối và hướng dẫn các hoạt động phòng chống, giám sát và kiểm soát muỗi. Trong khi đó, “cơ bắp” là các biện pháp được sử dụng bởi các cơ quan y tế để kiểm soát muỗi.

Hình 1. Quận Volusia, bang Florida, Hoa Kỳ triển khai một kế hoạch quản lý muỗi tích hợp nhiều công cụ chống muỗi như sử dụng máy bay trực thăng để trinh sát ấu trùng muỗi và phun thuốc diệt muỗi có khối lượng cực thấp khi ấu trùng muỗi có dấu hiệu lan rộng [2]

2. GIS là công cụ cốt lõi trong kiểm soát muỗi

Việc áp dụng công nghệ hiện đại cho phép quản lý muỗi hiệu quả hơn. Trong đó, hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS) là một công cụ giữ vai trò quan trọng. Tư duy địa lý là cần thiết và phù hợp khi theo dõi và kiểm soát dịch bệnh truyền qua muỗi. GIS ngày càng được sử dụng phổ biến bởi vì nó cung cấp một khuôn khổ lập bản đồ và mô hình hóa một cách dễ dàng cho tất cả các hoạt động kiểm soát muỗi từ giám sát đến phản hồi.

Sẽ không thể tiến hành kiểm soát muỗi nếu không trả lời được hai câu hỏi cơ bản: Nơi muỗi sinh sống ở đâu? Chúng phát triển như thế nào? Bên cạnh đó, nếu không có dữ liệu tin cậy, sẽ không thể ứng phó với muỗi. GIS có thể phát hiện vị trí muỗi có khả năng sinh sống thông qua xem xét các biến môi trường như độ cao, khí hậu, lượng mưa và lớp phủ mặt đất. Mỗi biến môi trường được thể hiện tương ứng với một lớp bản đồ mà từ đó, GIS tiến hành phân tích chồng lớp để xác định môi trường sinh sống thích hợp của muỗi.

Hình 2. Nhân viên của Bộ Công trình Công cộng quận Volusia truy cập bản đồ để ghi lại kết quả giám sát muỗi từ hiện trường [2]

3. Kết nối với mạng cảm biến của con người

Ngày nay, với sự phát triển bùng nổ của các thiết bị thông minh và các vấn đề con người đang phải đối mặt, điện toán đám đông (crowdsourcing) cung cấp nguồn dữ liệu bổ sung mới trong cuộc chiến với các vật trung gian truyền bệnh. Tại một số quận như Atlantic, New Jersey, khi bất kì người nào bị muỗi đốt hoặc phát hiện nơi sinh sống của muỗi, người đó có thể dễ dàng chụp ảnh và chia sẻ thông tin qua ứng dụng Mosquito Service Request. Ngay lập tức, dữ liệu từ người dùng được truyền về và tích hợp với cơ sở dữ liệu của thành phố, qua đó, phát ra cảnh báo đến cán bộ quản lý về sự cố vừa xảy ra. Ngoài ra, hệ thống giám sát thời gian thực này còn có khả năng thu thập thông tin từ hoạt động thụ động của cộng đồng. Các bài đăng trên mạng xã hội được thu thập và ánh xạ, sử dụng các thẻ cụ thể, để giúp cơ quan quản lý nâng cao hiểu biết về các vấn đề tiềm ẩn khác mà có thể không được báo cáo.

5. Kiểm soát an toàn trong sử dụng thuốc diệt muỗi

Trong trường hợp cụ thể, để kiểm soát muỗi hiệu quả, cần thiết sử dụng thuốc diệt muỗi nhưng phải đảm bảo người dân không bị phơi nhiễm với hóa chất. Cách tiếp cận bản đồ trong GIS giúp ghi lại đường bay và tuyến phun thuốc diệt muỗi từ máy bay, nhờ đó, phát triển các mô hình phơi nhiễm chính xác. Tiếp theo, mức độ phơi nhiễm được so sánh với địa chỉ của những bệnh nhân có vấn đề sức khỏe liên quan đến phơi nhiễm thuốc trừ sâu. Cuối cùng, xác định mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc trừ sâu với sự gia tăng số ca bệnh.

Hình 3. Quận Volusia sử dụng xe tải phun thuốc diệt muỗi dọc các tuyến đường [2]

6. Phản ứng nhanh với muỗi giúp giảm nguy cơ mắc bệnh

Dựa trên nền tảng vị trí thông minh GIS, các cơ quan chức năng có thể giám sát, kiểm soát chặt chẽ muỗi có khả năng truyền bệnh. Cụ thể, quy trình làm việc dựa trên GIS hiệu quả hơn với các khả năng sau: Xác định nơi đặt bẫy muỗi và loại bẫy muỗi nào được đặt; Kết hợp kết quả phòng thí nghiệm với vị trí bẫy trên bản đồ; Xem xét các yêu cầu dịch vụ theo không gian để tạo các khu xử lý thích hợp; Xác định khu vực loại trừ trên bản đồ, chẳng hạn như trường học; Phân công công việc cho nhân viên hiện trường dựa trên khoảng cách đến nơi làm việc; Giúp nhân viên hiện trường tìm đường đi; Cho phép người giám sát theo dõi hiện trường theo thời gian thực.

Tài liệu tham khảo:

1. AccessScience Editors. (2014). Mosquito: vector of disease. In AccessScience. McGraw-Hill Education. https://doi.org/10.1036/1097-8542.BR0812141

2. Geraghty, E. (2017). Infectious Mosquitoes Pose Increasing Health Threat. Retrieved May 20, 2018, from https://www.esri.com/about/newsroom/blog/gis-aids-mosquito-control/