Nghiên cứu về mối tương quan giữa sự nuôi dạy của cha mẹ và tình trạng sức khỏe của con cái khi trưởng thành  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Vương Ngọc Thảo Uyên biên dịch

Sử dụng rượu và ăn uống không điều độ là những thói quen có nguy cơ cao dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như nghiện rượu và béo phì. Ngoài ra, có nhiều bằng chứng chứng minh việc lạm dụng rượu và ăn quá nhiều là những hành vi có tính chất giống nhau, có các quá trình nhận thức thần kinh tương tự nhau và dẫn đến hậu quả xấu trên nhiều khía cạnh. Làm sáng tỏ các quá trình liên quan đến ăn uống quá độ sẽ giúp nâng cao hiểu biết về nguyên nhân để can thiệp, đề phòng tình trạng này. Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng lưới thần kinh cũng như các tiền đề tâm lý xã hội về những hành vi này.

Với những vấn đề nêu trên, nghiên cứu sau được tiến hành nhằm tìm hiểu sự ảnh hưởng của các yếu tố thời thơ ấu lên quá trình thần kinh liên quan đến các hành vi gây tổn hại sức khỏe sau này. Cụ thể hơn, nghiên cứu này khảo sát sự ảnh hưởng của quá trình nuôi dạy trẻ lên sự kết nối chức năng ở trạng thái nghỉ ngơi (resting state functional connectivity - rsFC) của mạng nổi trước (anterior salience network - ASN) ở tuổi trưởng thành liên quan đến hai hành vi tương quan là sử dụng rượu và ăn uống không điều độ.

Nghiên cứu tiến hành trên 119 người Mỹ gốc Phi thuận tay phải ở nông thôn, kéo dài từ lúc 11-13 tuổi đến khi trưởng thành (25 tuổi). Mối quan hệ cha mẹ - con cái được đánh giá ở độ tuổi 11, 12 và 13. Hình chụp cộng hưởng từ ở tuổi 25 được dùng để đo sự kết nối chức năng ở trạng thái nghỉ ngơi của mạng nổi trước. Mô hình phương trình cấu trúc (SEM) được sử dụng để kiểm tra mối quan hệ cha mẹ - con cái ở độ tuổi 11-13 và sự liên quan đến việc sử dụng rượu và ăn uống không điều độ ở tuổi 25 thông qua sự kết nối chức năng ở trạng thái nghỉ ngơi của mạng nổi trước.

Nghiên cứu đã chứng minh các giả thuyết sau: Mối quan hệ cha mẹ - con cái ở lứa tuổi 11-13 có liên quan mật thiết đến sự kết nối chức năng ở trạng thái nghỉ ngơi của mạng nổi trước ở tuổi 25. Phát hiện này nhất quán với các nghiên cứu trước đây về tầm quan trọng của việc nuôi dạy con đối với sự phát triển lâu dài của não bộ và các tác động của mối quan hệ cha mẹ - con cái trong thời niên thiếu lên thần kinh. Nghiên cứu trên cũng đã chứng minh rằng các tác động này không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng nhiều vùng riêng biệt trong não mà còn ảnh hưởng đến sự kết nối chức năng ở trạng thái nghỉ ngơi của mạng nổi trước. Tăng cường mối quan hệ cha mẹ – con cái giúp giảm nồng độ catecholamine và cortisol – những hormone làm thay đổi sự kết nối chức năng ở trạng thái nghỉ ngơi, tạo điều kiện cho não bộ phát triển. Mối quan hệ cha mẹ – con cái thời thơ ấu có thể đẩy mạnh sự chuyển đổi giữa mạng lưới điều hành trung tâm (central executive) và mạng lưới ở chế độ mặc định (default mode network),  thúc đẩy sự đồng bộ mạng nổi trước khi nghỉ ngơi – đây là một quá trình quan trọng để khơi dậy sự tập trung cảnh giác đối với các tác nhân kích thích.

Ngoài ra, nghiên cứu còn chứng minh rằng ở tuổi 25, nếu sự kết nối chức năng ở trạng thái nghỉ ngơi của mạng nổi trước cao hơn thì sử dụng rượu ít hơn và ăn uống điều độ hơn. Mà sự kết nối cao hơn ở mạng nổi trước ảnh hưởng gián tiếp đến mối liên kết giữa quan hệ cha mẹ - con cái ở độ tuổi 11-13 và việc sử dụng rượu, ăn uống điều độ ở độ tuổi 25. Tóm lại, con cái được nuôi dạy càng tốt thì có sự kết nối chức năng ở trạng thái nghỉ ngơi của mạng nổi trước càng cao, mà mức độ đồng bộ của mạng nổi trước càng cao thì càng ít thực hiện hành vi gây hại cho sức khỏe.

Những phát hiện trên nêu lên tầm quan trọng trong việc nuôi dạy của cha mẹ đối với khả năng thích nghi của con trong cuộc sống sau này, đồng thời, đề xuất một phương pháp nhằm nâng cao sự kết nối mạng nổi trước. Mạng lưới này cho thấy sự ảnh hưởng phối hợp của nhiều vùng trong não lên hành vi ăn uống và sử dụng chất gây nghiện, đồng thời chỉ ra nhiều yếu tố ảnh hưởng khác nhau. Nghiên cứu nêu nhấn mạnh mức độ quan trọng của các nỗ lực phòng ngừa và can thiệp vấn đề trên, hướng đến các kỹ năng nuôi dạy con cái để thúc đẩy sự thích nghi và phát triển lâu dài của quá trình nhận thức thần kinh.

Nguồn: Holmes, C. J., Barton, A. W., MacKillop, J., Galván, A., Owens, M. M., McCormick, M. J., . . . Sweet, L. H. Parenting and Salience Network Connectivity Among African Americans: A Protective Pathway for Health-Risk Behaviors. Biological Psychiatry. doi:10.1016/j.biopsych.2018.03.003