Sự che dấu cảm xúc thật  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Tổng hợp và biên dịch: Ngô Thị Thanh Tuyền (Email: tuyennttbio@gmail.com)

Cuộc sống hằng ngày của chúng ta là sự pha trộn của cảm xúc thật và giả. Khi gặp một người mà mình không thích, chúng ta thường có xu hướng nhanh chóng biểu lộ sự chán ghét, sau đó theo phép lịch sự người ta thường sử dụng nụ cười hoặc lời chào gượng ép. Tuy nhiên, liệu sự che dấu cảm xúc này có thật sự hiệu quả và có dễ bị người khác nhận ra hay không?

Đánh giá tính xác thực của nét mặt thực sự là một kỹ năng nhận thức quan trọng trong các tình huống khác nhau, chẳng hạn như điều tra tội phạm (hình sự), an ninh sân bay, trong kinh doanh, chính trị, giúp nhận ra các biểu hiện tâm lý khác thường của bệnh nhân trong chăm sóc sức khoẻ, trong giáo dục.

Thông thường, có thể nhận ra cảm xúc của một người thông qua biểu cảm khuôn mặt mà cụ thể là chuyển động của mắt và miệng. Các nghiên cứu trước đây cho thấy mặc dù cả nụ cười chân thật và nụ cười có chủ đích đều có sự chuyển động của nhóm cơ vùng gò má (zygomaticus) dẫn đến sự nâng lên của khoé miệng nhưng chỉ có nụ cười thật sự mới có sự chuyển động của nhóm cơ vòng vùng mi mắt (orbicularis oculi) (1). Do đó, khi một người cười vì thật sự vui vẻ thường có dấu chân chim xuất hiện ở đuôi mắt.

Ngoài ra có thể nhận biết nụ cười gượng gạo thông qua sự bất đối xứng trái- phải (2), sự chuyển động của cơ mặt (3) và tốc độ chớp mắt (4). Dù vậy, khá khó để nhận biết khi một người cố tình che giấu cảm xúc thật của họ. Độ chính xác trung bình là khoảng 70% khi nhận biết gián tiếp qua hình ảnh (5) và thậm chí còn thấp hơn khi nhận biết trực tiếp khi đối mặt (dưới 60%) (4), do mỗi cá nhân thường có nhiều cách khác nhau để nguỵ tạo hay che giấu cảm xúc của riêng mình.

Để làm rõ thêm, hai nhà khoa học Miho Iwasaki và Yasuki Noguchi tiến hành nghiên cứu tập trung vào sự thay đổi biểu cảm của nửa trên khuôn mặt để phân biệt một cảm xúc là thật hay do nguỵ tạo có chủ đích. Họ cho rằng các biểu hiện cảm xúc thật được biểu hiện ở nửa trên và thường bị che dấu bởi các biểu hiện ở nửa dưới khuôn mặt mà cụ thể là chuyển động của miệng. Nhận định này có vẻ hợp lý vì từ trước đến này, người ta thường quan niệm rằng nụ cười hay chuyển động của miệng chính là biểu hiện cơ bản nhất khi con người thấy vui vẻ. Quan điểm này là nguyên nhân khiến cho việc xác định cảm xúc thật của một người dễ bị nhầm lẫn.

Hình 1. Sự thay đổi của nhóm cơ vùng mắt qua 6 biểu hiện cảm xúc cơ bản: khi giận dữ, chán ghét, sợ hãi, lúc vui, lúc buồn và ngạc nhiên.

Tuy nhiên, dù cho có sự khác biệt văn hoá, vẫn có một số đặc điểm cơ bản giúp nhận diện nụ cười chân thật và phản ứng giả có chủ đích.

Trong thử nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 884 người từ 21 nước khác nhau ở 6 châu lục trên thế giới nghe những bản ghi âm và nhận biết đâu là tiếng cười thực sự, tự phát và tiếng cười giả, có chủ đích của các nữ sinh viên ở Mỹ và thống kê được kết quả là trung bình gần hai phần ba người nghe có thể nhận ra sự khác biệt.

Hình 2. Mặc dù hình ảnh 2 khuôn mặt đều biểu hiện cảm xúc trung tính, khuôn mặt bên phải vẫn mang tới cảm giác đang vui hơn so với khuôn mặt bên trái.

Qua phân tích âm thanh trong các bản ghi âm, thấy rằng tiếng cười thật sự thường cao và to hơn. Những đặc tính này cũng tương tự với tiếng kêu hay gào thét khi đau khổ. Điều này cho thấy rằng cũng như các xúc cảm khác, tiếng cười là một phản ứng cảm xúc nguyên thuỷ và xuất hiện rất sớm trong quá trình tiến hoá của con người. Trong khi tiếng cười giả tạo là một phản ứng có chủ ý và xuất hiện sau này cùng với sự phát triển về kỹ năng giao tiếp bằng lời nói.

Thí nghiệm cho thấy rằng bất chấp sự khác biệt về văn hóa, mọi người cảm nhận tiếng cười nói chung theo cùng một cách. Đó chính là tiếng khúc khích ban đầu sau đó rộ lên thành một tràng liên tục.

Video: "Can you tell a real laugh from a fake one?"

Tài liệu tham khảo:

1. Ross, E. D., Shayya, L., Champlain, A., Monnot, M. & Prodan, C. I. (2013) Decoding facial blends of emotion: visual field, attentional and hemispheric biases. Brain Cogn 83: 252–261.
2. Skinner, M. & Mullen, B. (1991) Facial Asymmetry in Emotional Expression- a Metaanalysis of Research. British Journal of Social Psychology 30: 113–124.
3. Frank, M. G., Ekman, P. & Friesen, W. V. (1993) Behavioral markers and recognizability of the smile of enjoyment. J Pers Soc Psychol 64: 83–93.
4. Porter, S. & ten Brinke, L. (2008) Reading between the lies: identifying concealed and falsified emotions in universal facial expressions. Psychol Sci 19: 508–514.
5. Boraston, Z. L., Corden, B., Miles, L. K., Skuse, D. H. & Blakemore, S. J. (2008). Brief report: perception of genuine and posed smiles by individuals with autism. J Autism Dev Disord 38: 574–580.
6. https://www.nature.com/articles/srep22049