Từ hàng tỷ về không… (Phần 1)  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Tổng hợp và biên dịch: Nguyễn Huỳnh Thanh Tuấn
Khoa Y – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Email: tuannguyenhuynhthanh@gmail.com

Từ đàn chim khổng lồ từng thống trị bầu trời Bắc Mỹ…

Bồ câu lữ hành hay bồ câu viễn khách là một loài chim có tên khoa học là Ectopistes migratorius, thuộc Họ Bồ câu (Columbidae) (1). Mặc dù khu vực phân bố chủ yếu ở phía Đông Bắc Mỹ nhưng chúng lại chiếm đến ¼ số cá thể chim ở lục địa này, với ước tính vào khoảng 3 đến 5 tỷ con tại thời điểm mà người Châu Âu mới di cư đến đây. Vì vậy, đây được xem là loài chim có số lượng nhiều nhất từng tồn tại trên Trái Đất (2, 3). Bồ câu lữ hành là loài có tính xã hội rất cao bởi chúng thường sống thành bầy trải dài dài khắp hàng trăm km2 và có tập tính sinh sản tập thể với hàng trăm tổ trên cây (3). Khi di cư, loài chim này tập hợp thành đàn với số lượng từ hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ con. Chính vì vậy, theo lời kể của những người đương thời, có một số thời điểm mà đàn bồ câu lữ hành dường như che khuất cả mặt trời khiến cho quang cảnh trở nên tối sầm lại! (3, 4)

Bức tranh vẽ về loài bồ câu lữ hành của nhà tự nhiên học John James Audubon (5)

Trong quyển sách nổi tiếng Điểu học Hoa Kỳ (American Ornithology), Alexander Wilson (1766 - 1813) đã thuật lại lần mà ông có dịp chứng kiến đàn bồ câu lữ hành di cư qua một vùng ở bang Kentucky:

Đàn chim hợp thành một khối khổng lồ, rộng lớn đến nỗi phóng hết tầm mắt cũng không tài nào nhìn được hết. Tò mò không biết rằng chúng sẽ mất bao lâu để bay qua vùng này, tôi quyết định ngồi xuống rồi nhìn vào đồng hồ và ghi lại mốc thời gian. Lúc ấy là 13 giờ 30 phút. Một tiếng đồng hồ trôi qua, theo lẽ thì đàn chim cũng phải thưa dần, thế nhưng chúng lại mỗi lúc một đông hơn và dường như khẩn trương hơn. Tôi đứng dậy và di chuyển theo hướng bay của đàn chim để tiếp tục quan sát. Đến gần 16 giờ, đàn bồ câu lữ hành đông như thác lũ trên bầu trời kia vẫn dường như là vô tận… (6)

Bức tranh “Passenger Pigeons in Flight” miêu tả quang cảnh “có một không hai” của đàn bồ câu lữ hành khi di cư. Tranh do họa sĩ Lewis Cross vẽ (Nguồn: Bảo tàng Lakeshore bang Michigan, Hoa Kỳ)

Sau đó, Wilson đã thử ước tính số lượng chim trong lần di cư ấy. Con số mà ông đưa ra thật không khỏi khiến người ta phải sửng sốt: có đến khoảng 2,230,272,000 (Hai tỷ hai trăm ba mươi triệu hai trăm bảy mươi hai ngàn) cá thể bồ câu lữ hành bay trên bầu trời vào ngày hôm đó. Thế nhưng, theo Wilson, con số này “còn kém xa so với thực tế”! (6)

Không chỉ có Wilson, một số học giả khác cùng thời cũng ghi nhận về những trường hợp tương tự (7, 8). Song, điều quan trọng ở đây không phải là những tính toán, những con số của họ đưa ra chính xác như thế nào so với kết quả thực tế mà là ý nghĩa của chúng. Tất cả những ước đoán này đều nói lên số lượng nhiều đến mức vô kể của một loài chim mà mỗi lần di cư của chúng đều là những đợt “phủ bóng đêm lên bầu trời Bắc Mỹ”, tạo nên một “quang cảnh hùng vĩ” khiến con người khi ấy không khỏi thấy choáng ngợp và run sợ trước sự tạo tác của tự nhiên.

… cho đến một trong những tấn bi kịch lớn nhất của thế kỷ 19

Với cơ man là bồ câu như vậy, làm sao chúng có thể tìm được đủ thức ăn? Trước khi người Châu Âu đến định cư ở đây thì gần như toàn bộ Khu vực phía Đông của Bắc Mỹ được phủ xanh bởi những cánh rừng lá rộng ôn đới bạt ngàn. Chính hàng triệu cây sồi, cây hạt dẻ, cây giẽ gai,… đã trở thành nguồn thức ăn vô tận giúp nuôi sống đàn chim bồ câu lữ hành đông đảo kia. Mỗi ngày, chúng có thể bay cả trăm dặm, lang thang khắp các cánh rừng để tìm kiếm thức ăn cho đến khi thỏa mãn cơn đói của mình. Thế nhưng, kể từ khi có sự xuất hiện của di dân từ Châu Âu đến, các cánh rừng đã bị chặt phá để phục vụ cho việc trồng trọt và chăn nuôi của con người. Chính điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của loài bồ câu lữ hành. Không những vậy, loài chim này còn bị xem là một mối đe dọa mùa màng của con người. Với “sức ăn” khủng khiếp, một đàn chim bồ câu lữ hành hàng triệu con có thể quét sạch một cánh đồng mỗi khi bay qua vùng nào đó và để lại quang cảnh xơ xác không thua gì tác động của một cơn lốc xoáy hay cơn bão nhiệt đới (9). Vì vậy, người ta buộc phải bắn hạ chúng như là cách để bảo vệ thành quả lao động của mình. 

Không chỉ dừng lại ở đó, bồ câu lữ hành còn bị săn bắn với mục đích thương mại. Từ lâu, loài chim này vốn dĩ đã là một nguồn thực phẩm của người Châu Mỹ bản địa. Thế nhưng, kể từ khi có sự xuất hiện của người Châu Âu, việc săn bắn bồ câu lữ hành đã thật sự trở thành một thị trường rất “béo bở”. Nếu như trước năm 1800, mọi thứ chỉ manh nha thì đến năm 1840, việc buôn bán thịt bồ câu lữ hành đã phát triển thành một ngành kinh doanh quan trọng (3). Hệ thống điện báo cho phép các thợ săn biết được sự di chuyển của đàn chim và theo sau chúng. Bên cạnh đó, sự mở rộng của hệ thống đường sắt giúp vận chuyển và cung ứng kịp thời nguồn thịt bồ câu đến những thị trường tiêu thụ quan trọng ở những thành phố lớn. Bị mờ mắt trước lợi nhuận quá lớn, người ta sử dụng đủ mọi phương cách để bắt những con chim bồ câu lữ hành. Trong suốt những thập niên đó, mỗi ngày có hơn hàng vạn con bồ câu bị giết làm thịt (10).

Đây là một bức tranh rất nổi tiếng do một họa sĩ vô danh vẽ và đã được trích dẫn nhiều lần mỗi khi nói về nạn săn bắn bồ câu lữ hành. Bức tranh được trích từ bài báo có tựa đề “Winter Sports in Northern Louisiana: Shooting Wild Pigeons” của tờ The Illustrated Sporting and Dramatic News xuất bản vào ngày 3 tháng 7 năm 1875

Một bức tranh vẽ miêu tả cảnh săn bắt chim bồ câu lữ hành bằng cách lưới chúng
(
Nguồn: Kho lưu trữ Bettmann)

Chính nạn phá rừng và sự săn bắn vô độ của con người đã mở màn cho một tấn bi kịch. Monsieur Bénédict Révoil là một trong những người đầu tiên đưa ra lời cảnh báo về sự tuyệt chủng của bồ câu lữ hành sau khi chứng kiến một cuộc thảm sát loài chim này ở Hartford, Kentucky vào năm 1847. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn đông đảo của chúng vào thời điểm đó đã khiến cho người ta chẳng mảy may để tâm đến những lời cảnh báo của ông. Nhưng dần dà, họ nhận thấy rằng dường như khu vực sống của bồ câu lữ hành ngày càng bị thu hẹp về phía Tây (khi mà người ta càng hiếm thấy sự xuất hiện của loài chim này ở bờ Đông). Cho đến những năm cuối thập niên 1850, đã có nhiều người lên tiếng về sự giảm sút nhanh chóng số lượng của chúng. Và từ thập niên 1870 trở đi, bi kịch đã hiển hiện rõ khi chỉ trong vòng vài năm, số lượng cá thể đã giảm xuống mức rất thấp (11).

Tới lúc đó, con người mới vội vã có những động thái để bảo vệ loài bồ câu lữ hành khỏi sự tuyệt chủng, bằng cách lên tiếng phản đối hay thậm chí là ra những sắc lệnh ngăn cấm việc săn bắn loài chim này một cách bừa bãi. Thế nhưng, mọi thứ dường như đã quá muộn…Trong hai thập niên kế tiếp từ 1880 đến 1890, bồ câu lữ hành gần như đã biến mất ngoài tự nhiên (3, 12, 13).

Mặc dù đã ban hành một sắc lệnh cấm giết bồ câu lữ hành bừa bãi, thế nhưng chúng dường như tỏ bất lực trước lòng tham vô độ của những người thợ săn (tranh biếm họa) (Nguồn: Kho lưu trữ Bettmann).

Đến cuối thế kỷ 19, những cá thể bồ câu lữ hành cuối cùng được nuôi dưỡng bởi 2 nhóm nhà điểu học là David Whittaker ở Milwaukee và Charles Otis Whitman ở Chicago. Những nỗ lực để phối giống loài chim này của họ vào thời điểm ấy đều gặp thất bại (11). “Tuyệt chủng là quá trình một chiều ” vì một khi đã khởi phát thì dường như không có cách nào để đảo ngược hay chặn đứng nó lại. Khi đó, tất cả biết rằng, sự cáo chung của loài bồ câu lữ hành đã gần đến…

Ảnh chụp Charles Otis Whitman và bầy chim bồ câu của mình vào năm 1901 (11)

Ảnh chụp các cá thể bồ câu lữ hành của Charles Otis Whitman (11)

(Còn tiếp. Phần 2: Martha – chú chim bồ câu lữ hành cuối cùng trên Trái Đất)

Tài liệu tham khảo: 

1. Murton RK (2017) Columbiform.  (Encyclopædia Britannica, inc.).

2. Department of Vertebrate Zoology NMoNH (The Passenger Pigeon.

3. Blockstein DE (1985) Gone forever: a contemporary look at the extinction of the passenger pigeon. Am Birds 39:845-851.

4. Schorger AW (1955) The passenger pigeon: its natural history and extinction (University of Wisconsin Press Madison).

5. Audubon JJ (1843) The birds of America (JJ Audubon).

6. Wilson A (1839) American ornithology (Otis, Broaders).

7. Audubon JJ (1832) Ornithological biography.

8. King WR (1866) Sportsman and naturalist in Canada.

9. McKinley D (1960) A history of the Passenger Pigeon in Missouri. The Auk 77(4):399-420.

10. Forbush EH (1913) The last passenger pigeon. Bird Lore 15:99-103.

11. Fuller E (2014) The passenger pigeon (Princeton University Press).

12. Ehrlich PR, Dobkin DS, & Wheye D (1988) The Passenger Pigeon. The Passenger Pigeon.

13. Hume JP (2015) Large-scale live capture of Passenger Pigeons Ectopistes migratorius for sporting purposes: overlooked illustrated documentation. Bulletin of the British Ornithologists’ Club 135(2):174-184.