Từ hàng tỷ về không… (Phần 2)  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Tổng hợp và biên dịch: Nguyễn Huỳnh Thanh Tuấn
Khoa Y – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Email: tuannguyenhuynhthanh@gmail.com

Martha – chú chim bồ câu lữ hành cuối cùng trên Trái Đất *

*Ghi chú: Nội dung của phần này được dịch chủ yếu từ Chương VII: Martha trong quyển “The Passenger Pigeon” của tác giả Errol Fuller. Quý độc giả có thể tham khảo cuốn sách này để có thêm những thông tin thú vị về loài bồ câu lữ hành.

Có lẽ sẽ không ai phản đối khi nói rằng trong số hàng tỷ con chim bồ câu lữ hành từng tồn tại trên Trái đất này, chỉ duy nhất một chú chim may mắn có được danh tính hẳn hoi. Và đó là Martha. Trong khi ấy, những đồng loại của nó, bất hạnh thay, lại chỉ là một phần ký ức về một đàn chim khổng lồ đã từng tồn tại nhưng rồi lại bị tận diệt.

Thế nhưng, ngay cả trường hợp của Martha vẫn còn là một ẩn số. Những gì mà chúng ta có thể thực sự biết về chú chim này đó là nó đã từng sống và rồi sau đó chết trong một chiếc lồng ở Vườn thú Cincinnati; sau đó người ta nhồi xác và lưu giữ Martha ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Hoa Kỳ do Viện Smithsonian quản lý. Và quan trọng hơn cả, đây chính là đại diện cuối cùng của loài bồ câu lữ hành.

Hai bức ảnh chụp chú chim Martha trong chiếc lồng của mình ở Vườn thú Cincinnati của nhiếp ảnh gia Enno Meyer

Những người từng viết về Martha đều cho rằng cái chết của chú chim này là một trường hợp rất hy hữu khi con người có thể biết và ghi nhận chính xác thời điểm mà một loài động vật thực sự bị tuyệt chủng. 1 giờ trưa Thứ ba, ngày 1 tháng 9 năm 1914, đó là những gì mà các phương tiện thông tin đại chúng vẫn đăng tải khi viết về thời điểm mà Martha qua đời. Thế nhưng, sự thật là chúng ta không hề biết chính xác lúc nào cả! Nguyên nhân là bởi lời kể thiếu nhất quán của người quản lý Vườn thú khi ấy, ông Salvator “Sol” Stephans và người con trai Joseph, mỗi khi được hỏi về những chi tiết xoay quanh cuộc đời của chú chim nổi tiếng này. Trong một lần phỏng vấn khác, Stephans lại nói rằng thời điểm chính xác mà Martha qua đời là 4 tiếng đồ sau đó!

Một điều mà những người yêu mến Martha cũng quan tâm không kém là nó đã qua đời trong hoàn cảnh như thế nào? Tuy nhiên, câu trả lời là thật khó để mà có thể biết được chính xác. Theo một lời kể thì Martha qua đời trong sự tiếc thương các nhân viên Vườn thú. Trong khi một nguồn thông tin khác nói rằng lúc ấy chỉ có Stephans và Joseph ở đó mà thôi. Thậm chí, có người lại nói rằng Martha qua đời trong cô quạnh và được tìm thấy nằm dưới sàn của chiếc lồng bởi một nhân viên có tên là William Bruntz. Dường như không hài lòng với sự mơ hồ và thiếu chắc chắn ấy, đã có người cố gắng tìm lại những ghi chép của Vườn thú vào thời điểm đó nhằm tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng. Thế nhưng, cơn hỏa hoạn xảy ra vào năm 1963 đã xóa sạch tất cả!

Song, có thể khẳng định một điều khá chắc chắn rằng chú chim này ra đời trong tình cảnh bị nuôi nhốt. Nhưng rồi, người ta lại tò mò vậy nó đã được sinh ra ở đâu? Một trong những lời kể của ông Stephans là Martha được sinh ra trong Vườn thú và đã sống ở đó cho đến khi qua đời. Tuy nhiên, trong một lần khác, người đàn ông này lại phủ nhận điều đó và quả quyết rằng Martha chính là một trong những cá thể bồ câu lữ hành cuối cùng được nuôi dưỡng bởi nhóm của Charles Otis Whitman ở Chicago và sau đó được đem tặng cho Vườn thú Cincinnati vào năm 1902.

Trong những năm cuối đời, Martha có một người bạn đồng loại. Đó là một chú chim bồ câu lữ hành đực tên là George. Người ta nói rằng cặp chim này được đặt tên theo Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ là George Washington và vợ của ông, bà Martha. Tuy nhiên, theo lời của Stephans, “Martha” được đặt theo tên người vợ của bạn ông ấy. Dẫu vậy, có một điều không thể chối cãi là Martha và George chính là cặp chim bồ câu lữ hành cuối cùng còn tồn tại vào năm 1909. Bởi cùng thời điểm này, bầy chim bồ câu lữ hành ở Chicago của Charles Otis Whitman và David Whittaker ở Milwaukee cũng lần lượt qua đời. Kể từ đó, không một ai nhìn thấy sự xuất hiện của loài chim này ngoài tự nhiên nữa.

Vườn thú Cincinnati khi đó nhận thức được rằng loài bồ câu lữ hành đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng và mình đang sở hữu những cá thể cuối cùng của loài này. Vì thế mà họ đã cố gắng để phối giống cho Martha và George với hy vọng có thể “trì hoãn” điều không mong muốn này lâu đến mức có thể. Thậm chí, Vườn thú còn treo thưởng 1000 đô la (một số tiền khá lớn vào thời điểm đó) cho ai tìm được một con chim bồ câu lữ hành có thể phối giống với chúng. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực ấy đều không đem lại kết quả như mong muốn. Và rồi…

Tháng 7 năm 1910, George qua đời. Kể từ lúc ấy, Martha chỉ còn lại một mình. Trong 4 năm cuối cùng, tình trạng sức khỏe của nó trở nên ngày một xấu đi. Chú chim này gặp rất nhiều khó khăn trong việc cử động và do đó gần như không thể bay được. Vì thế, các nhân viên Vườn thú đã phải giăng dây xung quanh lồng của Martha để ngăn du khách tiếp cận quá gần bởi lo ngại họ sẽ ném cát hoặc bất kỳ một vật gì đó về phía Martha để khuyến khích nó làm điều đó.

Ngày 18 tháng 8 năm 1914, vài tuần trước khi Martha qua đời, báo Cincinnati Enquirer đã cho đăng tải một câu chuyện giả tưởng về cái chết của chú chim này: "Sự cáo chung của loài bồ câu lữ hành cuối cùng đã đến… Quản lý Vườn thú Stephans đã từ bỏ mọi nỗ lực ở mức cao nhất nhằm kéo dài sự sống cho Martha thêm vài tuần nữa … Thế nhưng, đây là một điều có thể dự đoán được ở chú chim quá già cỗi và yếu ớt này… Vào sáng sớm, Stephans phát hiện thấy Martha nằm bất động trên sàn của chiếc lồng và dường như đã chết. Một nắm cát nhỏ được ném về phía chú chim nhỏ bất hạnh kia với hy vọng sẽ khiến cho nó động đậy trở lại..."

Ngày 1 tháng 9 năm 1914, Martha, chú chim bồ câu lữ hành cuối cùng trên Trái đất qua đời. Đây không chỉ là sự ra đi của một cá thể mà nó đánh dấu sự tuyệt chủng của một giống loài. Ngay lập tức, Stephans và những người chăm sóc Martha đã quyết định phải lưu giữ thi thể của nó như một cách để tưởng nhớ về loài chim bất hạnh này. Xác của Martha được đông lạnh trong một một khối nước đá nặng 300 pound (khoảng 140kg) để tránh bị phân hủy và được đưa hỏa tốc đến Bảo tàng Lịch sử Tự Nhiên Quốc gia thuộc Viện Smithsonian ở Washington để tiến hành nhồi xác.

Thế nhưng, những đặc điểm về cấu trúc cơ thể của loài chim bồ câu đã khiến cho quá trình này gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, Viện Smithsonian đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của ba chuyên gia về nhồi xác động vật khi ấy là William Palmer (1856 – 1921); Robert Wilson Shufeldt (1850 - 1934) và Nelson R. Wood (? - ?). Vậy là từ một cái xác vô hồn, Martha dường như đã được “hồi sinh” và trở thành một trong những vật trưng bày nổi tiếng nhất của Bảo tàng Lịch sử Tự Nhiên Quốc gia, nhắc nhớ mọi người về quá khứ rực rỡ song cũng đầy bi kịch của một loài chim từng là “kẻ thống trị bầu trời Bắc Mỹ”.

Ảnh chân dung của William Palmer Robert (trái) Wilson Shufeldt (phải), hai trong số ba người đã tham gia vào quá trình bảo quản xác của chú chim Martha

Ảnh chụp Nelson R. Wood đang chăm chú thực hiện công việc nhồi xác một chú chim bồ câu (không phải Martha)

Trong suốt gần 80 năm sau đó, Martha xuất hiện trong một số triển lãm đặc biệt về chim của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, trong đó có hai lần được chuyển đến nơi khác. Lần thứ nhất là vào năm 1966 ở Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập của Hội bảo tồn động vật Thành phố San Diego. Lần thứ hai vào năm 1974, Martha có cơ hội quay trở lại ngôi nhà của mình khi xưa là Vườn thú Cincinnati trong lễ khánh thành một tòa nhà được đặt theo tên của nó như một sự tưởng nhớ không chỉ với chú chim này mà còn với loài bồ câu lữ hành. Một điều thú vị là trong cả hai chuyến đi ấy, Martha đều được đối đãi với tư cách là hành khách ở khoang hạng nhất và được sự hộ tống của các tiếp viên trong suốt chuyến bay! (14)

Hình ảnh chú chim Martha ngày nay được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên
(
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên)

Nhưng rồi, trong suốt nhiều năm sau đó, Martha không còn được xuất hiện trước công chúng nữa. Nơi ở của chú chim lúc này là trong một chiếc lồng kính trên tầng 6 của Bảo tàng lịch sử tự nhiên Quốc gia. Đây là một khu vực chỉ dành riêng cho các mẫu vật thuộc những loài chim quý hiếm nhất, một số từng là sở hữu của các nhà tự nhiên học lỗi lạc như James Audubon, Charles Darwin và Alfred Russel Wallace. Tuy nhiên, cũng nhờ được bảo quản kỹ lưỡng như vậy mà dù đã hơn “trăm tuổi”, Martha vẫn trông như hồi năm 1914 (15).

Vào tháng 6 năm 2014, Bảo tàng Smithsonian đã quyết định đưa chú chim này xuất hiện trở lại trước công chúng trong một triển lãm có tên “Once There Were Billions” để tưởng niệm 100 năm ngày mất của Martha cũng như sự tuyệt chủng của loài bồ câu lữ hành.

Tài liệu tham khảo

1.       Murton RK (2017) Columbiform.  (Encyclopædia Britannica, inc.).

2.       Department of Vertebrate Zoology NMoNH (The Passenger Pigeon.

3.       Blockstein DE (1985) Gone forever: a contemporary look at the extinction of the passenger pigeon. Am Birds 39:845-851.

4.       Schorger AW (1955) The passenger pigeon: its natural history and extinction (University of Wisconsin Press Madison).

5.       Audubon JJ (1843) The birds of America (JJ Audubon).

6.       Wilson A (1839) American ornithology (Otis, Broaders).

7.       Audubon JJ (1832) Ornithological biography.

8.       King WR (1866) Sportsman and naturalist in Canada.

9.       McKinley D (1960) A history of the Passenger Pigeon in Missouri. The Auk 77(4):399-420.

10.     Forbush EH (1913) The last passenger pigeon. Bird Lore 15:99-103.

11.     Fuller E (2014) The passenger pigeon (Princeton University Press).

12.     Ehrlich PR, Dobkin DS, & Wheye D (1988) The Passenger Pigeon. The Passenger Pigeon.

13.     Hume JP (2015) Large-scale live capture of Passenger Pigeons Ectopistes migratorius for sporting purposes: overlooked illustrated documentation. Bulletin of the British Ornithologists’ Club 135(2):174-184.

14.     History NMoN ("Martha," The Last Passenger Pigeon.

15.     Heller C (2014) Martha, the Very Last Passenger Pigeon.