Kỳ 3: TÁC HẠI CỦA BROMATE ĐẾN SỨC KHOẺ (tiếp theo)  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Kali Bromate (KBrO3) tác động lên hoạt động của các enzyme, dự báo sự xâm nhập của các chất độc, từ đó phá huỷ gan. Kali Bromate còn kéo theo hàng loạt các tác hại đến sức khoẻ như giảm khả năng sinh sản, thay đổi hoạt động của máu và quan trọng hơn hết chính là tác động lên gen - đó cũng là lời giải thích cho sự hình thành các khối u.

Phá huỷ gan

Trong cơ thể động vật có xương sống, kể cả con người, gan là cơ quan có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hoá các hợp chất cần thiết cho sự sống, dự trữ glycogen cho các hoạt động và có chức năng thải độc. Kali Bromate nằm trong nhóm các hợp chất cần kiểm tra về khả năng gây hại cho gan. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiệ n để tìm kiếm mối liên quan giữa Kali Bromate (KBrO3), tuy nhiên kết quả vẫn chưa rõ ràng [1]. Không phải vì vậy mà chặng đường chứng minh độc tính của KBrO3 với gan không còn được quan tâm nữa. Vào năm 2009, một nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Ilorin, Nigeria đã thực hiện trên chuột khi cho chúng ăn bánh mì có chứa Kali Bromate (các mẫu bánh mì này được thu thập từ các khu vực khác nhau ở Iilorin và đã được đo nồng độ KBrO3). Kết quả cho thấy rằng, hoạt động của các enzyme alanine transaminase và aspartate transaminase (có chức năng dự báo sự xâm nhập của các chất độc) trên chuột đã bị giảm đáng kể khi các cá thể chuột này ăn các mẫu bánh mì có chứa Kali Bromate. Nhiều khả năng chính Kali Bromate đã phá huỷ các tế bào trong cả gan và thận [2]. Sau đó, báo cáo của trung tâm sức khoẻ New Jersey đã đưa ra cảnh báo về khả năng gây tổn hại gan của Kali Bromate [3].

Giảm khả năng sinh sản

Kali Bromate có thể làm giảm khả năng sinh sản ở người hay không thì vẫn còn là một câu hỏi rất được các nhà khoa học quan tâm [3]. Trong nghiên cứu của Kurokawa, khả năng sinh sản cũng đã được chú ý và  tích hợp vào các thí nghiệm, nhưng không có bất cứ ảnh hưởng đáng kể nào lên động vật thí nghiệm [1]. Sau đó, Cơ quan nghiên cứu ung thư (IARC) đã đưa ra được một bằng chứng cho thấy Kali Bromate đã làm giảm khả năng sinh sản, đó chính là khi sử dụng liều KBrO3 cao hơn 250 ppm thì lượng tinh trùng ở chuột đực đã bị giảm đi 18% [4]. Có thể chưa có nhiều bằng chứng về ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản nhưng đây cũng được xem là một tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.

Một số vấn đề khác

Kali Bromate có thể làm rối loạn các chỉ số huyết học: Các chỉ số huyết học cũng được nhắm đến để xác định tác hại của KBrO3. Trong một nghiên cứu thực hiện trên thỏ, chỉ số Hb (hemoglobin) trong máu đã giảm đi đáng kể, từ đó hoạt động vận chuyển oxy không còn hiệu quả nữa [5]. Không chỉ vậy, lượng tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu và ngăn ngừa mất máu do xuất huyết cũng bị giảm sau khi tiếp xúc với Kali Bromate [5]. Như vậy, KBrO3 có khả năng gây rối loạn các chức năng của máu và các tế bào máu.

Gây đột biến và phá huỷ gen: quá trình này gây ra 2 hậu quả chính: i)góp phần kích hoạt các gen gây ung thư  và ii) làm bất hoạt gen ức chế các tế bào lạ, do đó dẫn đến sự hình thành khối u [6]. Sự gia tăng 8-hydroxydeoxyguanosine (8-OHdG) và giảm glutathione (GSH) là dấu hiệu cho thấy DNA đã bị tác động bởi KBrO3 [6]. Hơn nữa,có thêm một bằng chứng cho thấy khả năng đột biến ở người, đó là Kaya và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu trên tế bào lympho máu của con người. Kết quả cho thấy có sự xuất hiện của sự trao đổi vât liệu di truyền giữa hai nhiễm sắc thể, có bất thường ở nhiễm sắc thể và sự hư hỏng các nhiễm sắc thể [7].

Kết luận

Kali Bromate mang lại nhiều giá trị trong sản xuất bánh mì nhưng nó còn đem đến nhiều mối nguy đến sức khoẻ người sử dụng. Có thể khiến cơ thể ngộ độc cấp tính hoặc gây ra các bệnh mãn tính như ung thư, phá huỷ gan, có thể làm giảm khả năng sinh sản và nhất là ảnh hưởng đến gen của con người. Mặc dù Kali Bromate đã bị cấm sử dụng nhưng người tiêu dùng vẫn phải cân nhắc khi sử dụng các sản phẩm nghi ngờ chứa KBrO3 để không phải làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.

Tài liệu tham khảo

[1]        Y. Kurokawa, A. Maekawa, M. Takahashi, and Y. Hayashi, “Toxicity and carcinogenicity of potassium bromate - A new renal carcinogen,” Environ. Health Perspect., vol. 87, pp. 309–335, 1990.

[2]        O. B. Oloyede and T. O. Sunmonu, “Potassium bromate content of selected bread samples in Ilorin, Central Nigeria and its effect on some enzymes of rat liver and kidney,” Food Chem. Toxicol., vol. 47, no. 8, pp. 2067–2070, 2009.

[3]        New Jersey Department of Health, “Hazardous substance fact sheet of potassium bromate,” 2005.

[4]        IARC, “International Agency for Research on Cancer. Potassium Bromate,” Monographs, vol. 73, 1999.

[5]        D. Pg and D. Aj, “Potassium bromate induced hematological alteration in European rabbit,” vol. 4, no. 3, pp. 1–5, 2017.

[6]        A. Starek and B. Starek-świechowicz, “Toxicological Properties of Potassium Bromate,” vol. 1, no. 3, pp. 1–9, 2016.

[7]        F. F. Kaya and M. Topaktaş, “Genotoxic effects of potassium bromate on human peripheral lymphocytes in vitro,” Mutat. Res. - Genet. Toxicol. Environ. Mutagen., vol. 626, no. 1–2, pp. 48–52, 2007.

 

 

Tác giả: Đặng Thanh Tuyền - Đại học Công nghệ Sài Gòn

Phản biện: TS. Giang Thúy Minh - Đại học Hoa Sen

Category: