Chẩn đoán ung thư sớm nhờ RNA trong máu  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Hình 1. Một giọt máu cũng có thể chẩn đoán ung thư. Nguồn: Darval /Fotolia [1]

Sự phát triển của y học hiện đại đã mang lại rất nhiều hy vọng cho các bệnh nhân ung thư. Bệnh ung thư được chẩn đoán càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao trước khi nó di căn sang các phần khác của cơ thể. Tuy nhiên, bệnh ung thư thường không có nhiều triệu chứng trong giai đoạn đầu. Vì vậy, các nhà khoa học luôn hy vọng có thể phát triển các phương pháp chẩn đoán bệnh mới thuận tiện, chính xác và ít ảnh hưởng hơn so với các phương pháp truyền thống như chụp CT hay sinh thiết khối u.

Chỉ bằng một giọt máu nhỏ, các nhà khoa học đã có thể dò tìm và phân loại ung thư bằng cách phân tích RNA tiểu cầu trong máu với độ chính xác lên đến 96%. Đây là kết quả của một nhóm nghiên cứu tại Đại học Umea, Thụy Điển hợp tác cùng các nhà khoa học ở Netherland và Mỹ vừa được công bố trên Tạp chí Cancer Cell [1].

Nghiên cứu được tiến hành bằng việc thu nhận mẫu máu của 283 người trong đó có 228 bệnh nhân ung thư và 55 người làm nhóm đối chứng. Bằng việc so sánh, phân tích RNA tiểu cầu trong các mẫu máu, các nhà khoa học có thể chẩn đoán ung thư chính xác tới 96%. Nghiên cứu còn đưa ra các kết quả nổi bật như sau:

  • Trong 39 bệnh nhân được chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm trước đó thì 100% được phát hiện ung thư bằng phương pháp này.
  • Ở những xét nghiệm tiếp theo, các nhà khoa học còn có thể xác định vị trí của khối u với độ chính xác 71% với 6 loại ung thư bao gồm phổi, vú, não, gan, đại tràng, trực tràng.
  • Mỗi loại ung thư này còn được phân thành các nhóm nhỏ hơn dựa trên sự khác biệt phân tử của từng loại ung thư.

 Các dữ kiện này có thể sẽ trở nên rất hữu ích trong việc lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh [1,2].

Hình 2.  Sơ đồ chiến lược sử dụng RNA tiểu cầu trong chẩn đoán ung thư [2]

Hiện nay xu hướng khai thác cơ sở dữ liệu di truyền để phát triển các liệu pháp y học cá thể hóa đang nhận được nhiều sự quan tâm. Bác sĩ Bert Vogelstein, nhà nghiên cứu nổi tiếng về gen ung thư từng phát biểu: “30 năm về trước, ung thư là một cái hộp đen nhưng giờ đây tập hợp các kết quả nghiên cứu trên thế giới thì hầu hết các gen quan trọng liên quan đến ung thư đều đã được khám phá”[3]. Nhiều chuyên gia cho rằng điều kỳ diệu sẽ đến khi khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu trên để đưa vào ứng dụng lâm sàng. Do vậy, việc phát triển chiến lược phân tích RNA trong tiểu cầu không chỉ có ý nghĩa trong chẩn đoán sớm mà còn có triển vọng giúp các bác sĩ lựa chọn liệu pháp cũng như phác đồ điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân.

 

Tác giả: Huỳnh Khánh Linh (ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM)

Tài liệu tham khảo

  1. Umea University, "Blood sample new way of detecting cancer", ScienceDaily, 12 November 2015. <www.sciencedaily.com/releases/2015/11/151112123708.htm>.
  2. Myron G. Best, Nik Sol, et al., RNA-Seq of Tumor-Educated Platelets Enables
    Blood-Based Pan-Cancer, Multiclass and Molecular Pathway Cancer Diagnostics. Cancer Cell. 2015; 28 (5): 666-676.
  3. Vogelstein, Cancer Genetics Pioneer, Awarded Breakthrough Prize in Life Sciences, Release Date: February 20, 2013. http://www.hopkinsmedicine.org/news/media/releases/vogelstein_cancer_genetics_pioneer_awarded_breakthrough_prize_in_life_sciences.

-----

Đăng bài: 03/06/2016

Category: 

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.