Khám phá bí mật tránh ung thư của voi  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Hình 1: Voi Ấn độ ở Vườn quốc Gia Bandipur, Ấn độ (Tác quyền: Yathin S Krishnappa)

Theo hai nghiên cứu độc lập được thực hiện gần đây [1, 2], bộ gen của voi có chứa nhiều bản sao của gen mã hóa cho protein kháng ung thư hơn bộ gen của con người. Điều này dẫn đến tỷ lệ ung thư ở voi luôn thấp hơn 4.8%, trong khi ở người, tỷ lệ này vào khoảng 11% đến 25%.

Kết quả này được xem như một phát hiện khá thú vị cho các nhà khoa học. Thông thường, số lượng đột biến xảy ra trong cơ thể sẽ tỷ lệ thuận với số lượng tế bào. Theo như logic trên thì voi cũng như các loài động vật hữu nhũ to lớn (ví dụ như cá nhà táng) phải có tỉ lệ mắc ung thư rất cao do số lượng tế bào của chúng rất lớn (gấp 100 lần so với số lượng tế bào của con người). Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của voi cũng vào khoảng 70 tuổi, độ tuổi gần như cao hơn hẳn so với độ tuổi trung bình của con người. Do đó, việc các loài động vật to lớn ít bị mắc bệnh ung thư lại càng trở nên một câu hỏi hóc búa cho các nhà khoa học. Vào năm 1975, Peto và cộng sự [3] đã đề xuất ra nghịch lý Peto với hàm ý cho rằng các loài động vật to lớn có những cơ chế bảo vệ cơ thể khỏi ung thư mà các loại động vật nhỏ hơn không có. Tuy nhiên, nghiên cứu của Peto vẫn chưa tìm ra được đâu là lý do mà các động vật to lớn lại hiếm bị mắc bệnh ung thư.

Theo hai nghiên cứu độc lập được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Schiffman [1] và Lynch [2], bộ gen của voi có chứa khoảng 20 bản sao của gen TP53, một loại gen mã hóa cho protein kháng khối u, trong khi bộ gen con người chỉ có chứa 1 bản sao của gen này. Protein TP53 có vai trò trong việc phát hiện các tổn thương của bộ gen và sự biểu hiện vượt mức của các protein có vai trò trong tăng sinh tế bào [4]. Khi phát hiện ra các biểu hiện trên, TP53 sẽ hoạt hóa các con đường tín hiệu bao gồm việc dừng chu trình tế bào, sửa chữa bộ gen, gây cái chết tế bào, hoặc gây lão hóa tế bào [4]. Với những khả năng đó, protein TP53 sẽ hạn chế sự hình thành của các tế bào ung thư trong cơ thể.

Qua vài năm nghiên cứu, hai nhóm tác giả đã tìm thấy trong 20 bản sao của gen TP53 thì chỉ có 1 trong số chúng là gen gốc, số còn lại là các retrogene (retrogene là gen có nguồn gốc từ quá trình phiên mã ngược của gen gốc và được chèn vào bộ gen của tế bào thông qua cơ chế chưa được làm rõ). Với số lượng vượt trội về bản sao gen TP53, các tế bào của voi rất nhạy cảm với các tổn thương bộ gen gây ra bởi bức xạ ion hóa. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ hoạt hóa con đường cái chết tế bào trên các tế bào bị tổn thương bộ gen khá cao, và quan trọng hơn là tỷ lệ này cao hơn so với ở người. Khi chu trình cái chết được hoạt hoá, cơ thể loại bỏ những tế bào mang biến đổi gen, không cho phép chúng kịp biến đổi thành tế bào ung thư. Ngược lại, Schiffman cho biết các tế bào bị tổn thương bộ gen ở người thường có xu hướng hoạt hóa con đường sửa chữa bộ gen thay vì con đường hoạt hoá cái chết tế bào như ở voi [1]. Vì các cơ chế sửa sai này không hoàn toàn tối ưu, nhiều đột biến trong bộ gen được giữ lại và tích tụ dần, tăng cao tỉ lệ tế bào bình thường bị biến đổi thành tế bào ung thư.

Tuy nhiên, việc chứa đựng nhiều bản sao của gen TP53 cũng chỉ là một trong những lý do khiến voi có thể hiếm gặp ung thư. Mel Greaves, một nhà nghiên cứu sinh học ung thư tại Viện Nghiên cứu Ung thư London cho biết, các động vật to lớn thường khá chậm chạp, điều này làm cho cơ chế chuyển hóa và tốc độ phân chia tế bào của chúng cũng chậm chạp. Do đó, các cơ chế bảo vệ tế bào khỏi ung thư, trong đó cơ chế hoạt động của protein TP53 là một ví dụ điển hình, có khá nhiều thời gian để hoàn thành công việc của mình. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh, liệu các tế bào của voi có còn tránh được ung thư khi chúng “hút thuốc” và có chế độ ăn uống không tốt như con người [5].

Kết quả khám phá bí mật tránh ung thư của voi này có giá trị rất lớn để giúp các nhà khoa học áp dụng trên điều trị ung thư ở người. Các khả năng được nhắm đến bao gồm chế tạo ra các loại phân tử có chức năng tương tự như TP53, hoặc chuyển nhiều bản sao của gen TP53 vào các tế bào ung thư để tăng khả năng hoạt động của protein này và kích hoạt con đường cái chết tế bào.

Tác giả: Khuê Nguyễn

Biên tập viên: Mai Trần và Hương Hà

References:

1.              Abegglen, L.M., et al., Potential Mechanisms for Cancer Resistance in Elephants and Comparative Cellular Response to DNA Damage in Humans. JAMA, 2015: p. 1-11.
2.              Sulak, M., et al., TP53 copy number expansion correlates with the evolution of increased body size and an enhanced DNA damage response in elephants. bioRxiv, 2015.
3.              Peto, R., et al., Cancer and ageing in mice and men. Br J Cancer, 1975. 32(4): p. 411-26.
4.              Bieging, K.T., S.S. Mello, and L.D. Attardi, Unravelling mechanisms of p53-mediated tumour suppression. Nat Rev Cancer, 2014. 14(5): p. 359-70.
5.              Callaway, E., How elephants avoid cancer. Nature News, 2015.
Category: 

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.