Nền văn hóa quyết định quan điểm công bằng của trẻ em  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Nguồn: http://www.chichester.ac.uk

Nền văn hóa nơi trẻ em lớn lên có ảnh hưởng quan trọng đến cách nhìn nhận về sự công bằng của trẻ, một nghiên cứu vừa được đăng tải trên Nature đã cho thấy điều đó [1], [2]. Trong số bảy quốc gia được tiến hành nghiên cứu, tất cả trẻ em đều không thích nhận phần ít hơn trẻ khác, nhưng ở một số nước trẻ lại không hài lòng khi phần của mình nhiều hơn.

Những nghiên cứu trước đây với trẻ em phương Tây đã chỉ ra rằng khả năng phân biệt được hai mặt của sự bất công chỉ xuất hiện khi trẻ ít nhất 8 tuổi [8], [9]. Vậy ngoài lứa tuổi, còn điều gì ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ về sự công bằng? 

Để tìm ra câu trả lời, Peter Blake ở đại học Boston và Katherine McAuliffe từ đại học Yale cùng các cộng sự đã tiến hành một trò chơi công bằng với 866 cặp trẻ em từ 4 đến 15 tuổi ở bảy quốc gia là Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Ấn Độ, Senegal và Uganda. Luật chơi rất đơn giản: 2 trẻ cùng giới tính, cùng độ tuổi ngồi đối diện và được chia kẹo Skittles. Đôi khi số lượng kẹo được chia bằng nhau cho cả 2, đôi khi thì không. Một trong hai trẻ sẽ quyết định chấp nhận hay từ chối số kẹo đó. Nếu chấp nhận, kẹo được chia sẽ chuyển về tô kẹo của mỗi trẻ. Nếu từ chối, kẹo của cả hai sẽ rơi vào tô ở giữa và không trẻ nào được nhận kẹo.

Hình 1: Katherine McAuliffe (đồng tác giả của nghiên cứu) quan sát 2 trẻ em đang chơi trò chơi công bằng. (Nguồn: Livescience)

Với bảy nơi thực hiện, tất cả trẻ em đều từ chối nhận kẹo khi kẹo của chúng không nhiều bằng của bạn (bất bình đẳng bất lợi). Nhưng tại Mỹ, Canada và Uganda, trẻ cũng không nhận kẹo khi thấy bạn đối diện được chia kẹo ít hơn mình (bất bình đẳng lợi thế). Khi được hỏi tại sao lại có hành động như vậy, câu trả lời của các em chỉ đơn giản là “Vì như vậy không công bằng”.

“Chúng tôi đã dự đoán sự phản đối khi bị bất lợi sẽ xuất hiện ở trẻ em khắp mọi nơi. Đây là một phản ứng cơ bản của con người,” Katherine trả lời phỏng vấn [3]. Điều này cũng được quan sát thấy ở những động vật linh trưởng khác. Tuy nhiên tại sao lại có sự khác biệt ở Mỹ, Canada và Uganda? “Với kết quả này, bạn sẽ không quá ngạc nhiên khi thấy nó xảy ra ở Mỹ và Canada nhưng với Uganda thì khác”, McAuliffe nói [6]. Tác giả nghĩ rằng xã hội phương Tây chú trọng các quy tắc về công bằng và dễ hiểu khi trẻ em ở đây có thể thấy hai mặt của sự bất công, “bất công không phải là không công bằng với tôi mà mọi sự không công bằng đều là bất công”, Blake nói [7]. Bất bình đẳng lợi thế xuất hiện sớm ở trẻ em tại Mỹ và Canada, hai quốc gia được coi là WEIRD (viết tắt từ: phương Tây, giáo dục tốt, công nghiệp hóa, giàu có, dân chủ), nhóm tác giả cho rằng xuất phát từ hai yếu tố. Cha mẹ ở các nước phương Tây thường khuyến khích trẻ em độc lập, tự chủ. Điều đó dẫn đến việc trẻ sớm hiểu được vị thế xã hội và uy tín trong nhóm bạn cùng lứa. Do đó trẻ từ chối phần hơn để tạo uy tín như là một người bạn tốt. Yếu tố thứ hai xuất phát từ những nghiên cứu trước đây cho thấy mức độ mở rộng giao thương kinh tế của một cộng đồng ảnh hưởng đến cảm nhận về sự công bằng ở người trưởng thành, từ đó đặt ra những chuẩn mực về công bằng mà trẻ em được làm quen từ sớm [4], [5].

Giải thích cho trường hợp của Uganda, McAuliffe cho rằng do ngôi trường ở Uganda được lựa chọn để tiến hành thí nghiệm được dạy bởi khá nhiều giáo viên phương Tây nên trẻ em ở đây có thể chịu ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây. Tuy nhiên cũng có khả năng trẻ em ở Uganda từ chối lợi thế vì những lý do không liên quan đến các chuẩn mực của phương Tây. Trong trường hợp này sẽ cần thêm những nghiên cứu tại nhiều cộng đồng nữa ở Uganda có cùng tiêu chuẩn về bình đẳng và không bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa khác.

Theo như nhóm nghiên cứu, kết quả này không nói lên rằng việc phản đối bất bình đẳng lợi thế không tồn tại ở các nền văn hóa khác, chỉ là có thể xuất hiện muộn hơn khi đến tuổi thiếu niên hay khi đã trưởng thành và tiếp xúc nhiều với nền kinh tế thông thương.

Nghiên cứu này là bước khởi đầu để hiểu được nền tảng cho việc xây dựng ý niệm công bằng cho công dân trong xã hội. Một xã hội văn minh nên có nhận thức đúng đắn về công bằng để đem lại nền dân chủ và bình đẳng cho mỗi người dân.

Tác giả: Lê Việt Trân (ĐH Y Dược Cần Thơ, Việt Nam) 

Tài liệu tham khảo:

1. P. R. Blake, K. McAuliffe, J. Corbit, T. C. Callaghan, O. Barry, A. Bowie, L. Kleutsch, K. L. Kramer, E. Ross, H. Vongsachang, R. Wrangham, F. Warneken (2015), "The ontogeny of fairness in seven societies", Nature, advance online publication
2. Chris Cesare (2015), Cultural differences determine when kids learn to play fair, Nature, http://www.nature.com/news/cultural-differences-determine-when-kids-learn-to-play-fair-1.18816,
3. Ariana Eunjung Cha (2015), 7 country study on fairness: Kids everywhere can’t stand getting less — but in some places they don’t like getting more, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/news/to-your-health/wp/2015/11/19/how-culture-shapes-our-sense-of-fairness-kids-everywhere-cant-stand-getting-less-but-in-some-places-they-dont-like-getting-more/,
4. Joseph Henrich, Richard McElreath, Abigail Barr, Jean Ensminger, Clark Barrett, Alexander Bolyanatz, Juan Camilo Cardenas, Michael Gurven, Edwins Gwako, Natalie Henrich, Carolyn Lesorogol, Frank Marlowe, David Tracer, John Ziker (2006), "Costly Punishment Across Human Societies", Science, 312 (5781), 1767-1770.
5. Joseph Henrich, Jean Ensminger, Richard McElreath, Abigail Barr, Clark Barrett, Alexander Bolyanatz, Juan Camilo Cardenas, Michael Gurven, Edwins Gwako, Natalie Henrich, Carolyn Lesorogol, Frank Marlowe, David Tracer, John Ziker (2010), "Markets, Religion, Community Size, and the Evolution of Fairness and Punishment", Science, 327 (5972), 1480-1484.
6. Peter Reuell (2015), A focus on fairness, HARVARD gazette, http://news.harvard.edu/gazette/story/2015/11/a-focus-on-fairness/,
7. Ed Yong (2015), How Fairness Develops in Kids Around the World, The Atlantic, http://www.theatlantic.com/science/archive/2015/11/how-fairness-develops-in-kids-around-the-world/416520/,
8. P. R. Blake, K. McAuliffe (2011), ""I had so much it didn't seem fair": Eight-year-olds reject two forms of inequity", Cognition, 120 (2), 215-24.
9. E. Fehr, H. Bernhard, B. Rockenbach (2008), "Egalitarianism in young children", Nature, 454 (7208), 1079-83.

Đăng ngày: 01/12/2016 (tháng/ngày/năm)

Category: 

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.