Nguồn omega-3 tiềm năng từ côn trùng  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Hình 1: Dầu cá (nguồn: Livescience).

Từ lâu, viên dầu cá chứa chất acid béo omega-3 đã là vị thuốc không thể thiếu và thông dụng trong tủ thuốc của mỗi gia đình. Nhu cầu về cá ngày càng tăng cao nhưng sản lượng khai thác cá thì ngày càng giảm. Hiện nay, côn trùng đang được nghiên cứu để có thể trở thành một giải pháp đầy hứa hẹn cho nguồn omega-3 mới.

Dầu chiết xuất từ côn trùng có nhiều khả năng trở thành một nguồn acid béo omega-3 thực phẩm mới. Từ lâu, côn trùng đã được sử dụng như là một nguồn protein cho người và gia súc. Trong quá trình chiết xuất protein từ côn trùng, dầu cũng được trích ra nhưng lượng dầu này hiện nay vẫn chưa được sử dụng đến. Daylan Tzompa Sosa - nghiên cứu sinh tại trường Đại học Wageningen (Hà Lan) về đề tài chất béo trong sữa cho rằng: “Đây là một điều đáng tiếc” khi phân tích chất béo chứa trong dầu bị lược bỏ đi trong quá trình chiết xuất protein từ côn trùng. Dầu Sosa sử dụng trong nghiên cứu được chiết xuất từ sâu gạo, ấu trùng ong, dế, gián, châu chấu, ruồi lính. Theo bà “Tất cả các loại dầu đều có mùi khác nhau, một số có mùi dễ chịu, một số thì không. Hầu hết đều chứa lượng lớn acid béo” [7]. Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu về côn trùng tại châu Phi, Womeni và cộng sự cũng xác định được hàm lượng omega-3 và omega-6 cao trong thành phần dầu được tách từ châu chấu, dế, sâu bướm, mối và ấu trùng bọ [14].  
Acid béo omega-3 là nhóm quan trọng trong chất béo không bão hòa, là loại acid béo thiết yếu, cơ thể không thể tự tổng hợp được mà chỉ được cung cấp thông qua thực phẩm. Trong nhóm omega-3 có ba acid béo nổi bật bao gồm:
•    Alpha-linolenic acid (ALA) được tìm thấy nhiều trong dầu thực vật, đậu và các loại hạt. Cơ thể con người chủ yếu sử dụng ALA cho năng lượng. Lượng ALA được chuyển hóa thành EPA và DHA rất ít [10]
•    Eicosapentaenoic acid (EPA) và docosahexaenoic acid (DHA) chủ yếu có nguồn gốc từ động vật như cá, nhuyễn thể, côn trùng. EPA và DHA được dùng trong chuyển hóa của cơ thể với tính chất giảm viêm, bảo vệ thành mạch và tim, hạ triglycerides máu, từ đó có tác dụng ngừa xơ vữa động mạch [10], [12].
Mối liên quan giữa omega-3 và sức khỏe được quan sát lần đầu vào những năm 1970 khi các nhà khoa học nhận thấy cộng đồng người Inuit tại Greenland có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, bệnh viêm khớp và một số bệnh khác rất thấp mặc dù họ có chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterol. Các nhà nghiên cứu khi đó đặt giả thuyết rằng có thể loại chất béo họ ăn (nguồn gốc từ động vật biển) là lời giải đáp cho tình trạng trên. Sau đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh acid béo omega-3 chứa trong cá là chất có tác dụng bảo vệ hệ tim mạch và làm giảm một số bệnh lý khác [13]
Acid béo omega-3 có thể chống loạn nhịp tim, giảm mảng xơ vữa trong thành mạch máu, hạn chế quá trình viêm, hạ triglyceride máu (mỡ máu), tăng HDL cholesterol (cholesterol tốt). Ngoài ra, DHA và EPA được vận chuyển vào từng tế bào, làm tăng tính mềm dẻo và tăng tính dẫn truyền thần kinh, bổ trợ sự chuyển hóa tế bào và biểu hiện gen [2]. Do đó, không khó hiểu khi nhiều nghiên cứu cho thấy omega-3 ngoài tác dụng trên tim mạch còn có tác dụng trên thần kinh, trên da, trên khớp… như EPA giúp giảm trầm cảm, DHA và EPA góp phần làm giảm bệnh tâm thần phân liệt, bệnh vẩy nến và viêm khớp dạng thấp [13], [1], [5], [8]
Omega-3 và omega-6 là hai loại acid béo thiết yếu cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, với chế độ ăn hiện tại, omega-6 đang lấn át omega-3 với tỷ lệ 20:1 đến 50:1 trong khi tỷ lệ này chỉ nên dao động từ 1:1 đến 5:1 [11]. Ngày nay, phần lớn omega-6 có  trong dầu đậu nành, được dùng rất nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh. Động vật cũng không còn được nuôi bằng cỏ giàu omega-3, thay vào đó là thức ăn chăn nuôi, điều này làm thay đổi thành phần acid béo trong lượng thịt chúng ta ăn [13]. Acid béo omega-3 giúp giảm viêm, ngược lại omega-6 lại góp phần vào quá trình gây viêm. Do đó, việc giữ tỷ lệ từ 1:1 đến 5:1 giữa omega-6 và omega-3 trong khẩu phần ăn là một điều quan trọng [6]
Hàng loạt nghiên cứu chứng minh rằng omega-3 có lợi cho sức khỏe con người nên viên dầu cá trở nên bán chạy thứ ba trên toàn nước Mỹ, chỉ sau viên đa sinh tố (multivitamins) và canxi. Cùng với nhiều nhu cầu về thịt, thức ăn chăn nuôi và những sản phẩm khác từ cá đã dẫn đến nạn săn bắt cá quá mức, ảnh hưởng đến cân bằng sinh học biển [3], [9], [15]. Hiện nay, các nhà khoa học đang ra sức tìm nguồn omega-3 mới thay thế. Và chăn nuôi côn trùng là sự lựa chọn đầy tiềm năng khi vừa thu được nguồn chất dinh dưỡng, lại tốn ít thức ăn, diện tích chăn nuôi ít và lượng chất thải không nhiều [4], [6].
Bỏ qua bề ngoài không bắt mắt thì nhộng, ấu trùng, dế, châu chấu… là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho con người và trong tương lai dầu omega-3 từ chúng có thể trở thành món không thể thiếu trong đĩa salad của mỗi gia đình. 
Tác giả: Lê Việt Trân (ĐH Y Dược Cần Thơ).
Tài liệu tham khảo
1. G. Márquez Balbás, M. Sánchez Regaña, P. Umbert Millet (2011), 'Study on the use of omega-3 fatty acids as a therapeutic supplement in treatment of psoriasis', Clinical, Cosmetic and Investigational Dermatology, 4, 73-77.
2. Joanne Bradbury (2011), 'Docosahexaenoic Acid (DHA): An Ancient Nutrient for the Modern Human Brain', Nutrients, 3 (5), 529-554.
3. Eric J Brunner, Peter J S Jones, Sharon Friel, Mel Bartley (2009), 'Fish, human health and marine ecosystem health: policies in collision', International Journal of Epidemiology, 38 (1), 93-100.
4. Philip Bump, Why You May Soon Be Eating More Insects, The Wire, http://www.thewire.com/global/2013/05/why-you-may-soon-be-eating-more-insects/65168/, May 13, 2013. 
5. Philip C. Calder (2013), 'Omega‐3 polyunsaturated fatty acids and inflammatory processes: nutrition or pharmacology?', British Journal of Clinical Pharmacology, 75 (3), 645-662.
6. University of Maryland Medical Center Omega-3 fatty acids, University of Maryland Medical Center, http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/omega3-fatty-acids.
7. Wageningen University and Research Centre, Insects are a sustainable source of omega-3, https://www.sciencedaily.com/releases/2016/01/160111122520.htm, January 11, 2016.
8. Karin Engström, Ann-Sofie Saldeen, Baichun Yang, Jawahar L. Mehta, Tom Saldeen (2009), 'Effect of fish oils containing different amounts of EPA, DHA, and antioxidants on plasma and brain fatty acids and brain nitric oxide synthase activity in rats', Upsala Journal of Medical Sciences, 114 (4), 206-213.
9. FAO (2014), The State of World Fisheries and Aquaculture, FAO.
10. Harvard T.H.Chan School of Public Health, Omega-3 Fatty Acids: An Essential Contribution, http://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/omega-3-fats/.
11. Artemis P. Simopoulos (2008), 'The Importance of the Omega-6/Omega-3 Fatty Acid Ratio in Cardiovascular Disease and Other Chronic Diseases', Experimental Biology and Medicine, 233 (6), 674-688.
12. Neil J. Stone (1996), 'Fish Consumption, Fish Oil, Lipids, and Coronary Heart Disease', Circulation, 94 (9), 2337-2340.
13. Katherine Tallmadge Understanding the Power of Omega-3s (Op-Ed), http://www.livescience.com/38477-omega3-superstars.html, July 26, 2013. 
14. Hilaire Macaire Womeni, Michel Linder, Bernard Tiencheu, Félicité Tchouanguep Mbiapo, Pierre Villeneuve, Jacques Fanni, Michel Parmentier (2009), 'Oils of insects and larvae consumed in Africa: potential sources of polyunsaturated fatty acids', OCL, 16 (4-5-6), 230-235.
15. WWF Overfishing – the plundering of our oceans, WWF, http://www.wwf.org.au/our_work/saving_the_natural_world/oceans_and_marine/marine_threats/overfishing/

 

-----

Bài đăng 04/23/2016.

 

Category: 

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.