Khả năng kháng ung thư của Curcumin và Graviola  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

 Liem Minh Phan

Trung tâm Ung thư MD Anderson, thành phố Houston, bang Texas, Hoa Kỳ, liemphan@mdanderson.org
Biên tập viên: Trần Ngọc Ánh Mai, Đại học Quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh.

Abstract

Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 110.000 ca bệnh ung thư mới được phát hiện ở nước ta (1). Điều đáng lo ngại là số lượng bệnh nhân ung thư đang gia tăng nhanh và tỉ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam thuộc hàng cao nhất trên thế giới (2). Vì vậy việc tầm soát và chữa trị ung thư tại Việt Nam cần nhiều bước tiến nhanh để chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Bài viết này sẽ đề cập đến khả năng kháng ung thư của một số hoạt chất thiên nhiên được chiết xuất từ nghệ và cây mãng cầu xiêm. Những thông tin được giới thiệu trong bài viết được trích dẫn từ các nghiên cứu khoa học và y học của nhiều viện nghiên cứu và bệnh viện ung thư trên thế giới. Nếu quí độc giả quan tâm đến các nghiên cứu này, xin vui lòng đọc các tài liệu gốc bằng tiếng Anh với trích dẫn ở cuối bài viết. Bài viết chỉ nhằm cung cấp các thông tin khoa học và y học liên quan đến tác dụng của curcumin và graviola đối với ung thư. Việc tham khảo ý kiến chuyên môn của các bác sĩ, dược sĩ, và chuyên gia y tế trước khi sử dụng các loại thuốc, thuốc bổ, vitamin,... là rất cần thiết.

Keywords: PI3K; Akt; mTOR; acute myeloid leukemia

 

1. Hoạt tính kháng ung thư của curcumin

CCurcumin là một hoạt chất quan trọng trong củ nghệ. Khả năng kháng ung thư của curcumin được phát hiện và kiểm chứng bởi hơn 2200 công trình nghiên cứu khoa học và y học trên thế giới. Các nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng cho thấy Ấn Độ là nước có tỉ lệ ung thư đường tiêu hoá thấp nhất trên toàn cầu (3). Một trong những nguyên nhân chính là do trong khẩu phần ăn của người Ấn Độ có rất nhiều cà ri, với thành phần chủ yếu là nghệ và các loại gia vị. Hàm lượng curcumin trong cà ri khá cao và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa, ức chế, tiêu diệt tế bào ung thư (3-9).

Hình 1: Công thức hoá học của curcumin. Nguồn: Wikipedia

Các nghiên cứu khoa học cho thấy curcumin có tác dụng bất hoạt phân tử NF-κB và các con đường truyền tín hiệu liên quan đến phân tử này (3-10). NF-κB đóng vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn, tăng trưởng, phân chia, và di căn của rất nhiều loại tế bào ung thư. Vì vậy khi phân tử NF-κB bị ức chế, tế bào ung thư sẽ tự chết (tự sát, apoptosis), giảm hoặc mất khả năng tăng trưởng và di căn (5, 6, 8, 9).

HHơn nữa, curcumin còn có tác dụng kích hoạt các protein kháng ung thư sẵn có trong tế bào như p53, p16, Bax... qua đó tiêu diệt, ức chế sự tăng trưởng và sinh tồn của tế bào ung thư. Curcumin còn có khả năng kìm hãm các gien mã hoá các protein gây ung thư như Bcl-2, Bcl-XL, MMP9, VEGF, cyclin D1, cyclin E, c-jun, c-fos, c-myc, NIK, MAPKs, ERK, ELK, PI3K, Akt, CDK ... và làm suy giảm khả năng sống sót, di căn và phát triển của tế bào ung thư cũng như ức chế quá trình tạo mạch máu trong khối u (4-10). Vì vậy, curcumin tấn công tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả bằng nhiều cách khác nhau mà không làm ảnh hưởng nhiều đến các tế bào bình thường (4-10).

Curcumin còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư (9, 11). Quan trọng hơn, curcumin còn vô hiệu hoá hoặc giảm khả năng kháng thuốc của khối u bằng cách ức chế hệ thống cytochromne P450 và enzyme glutathione-S-transferase của tế bào ung thư (7, 8, 12-14).

Hình 2: Curcumin, một thành phần quan trọng của nghệ. Nguồn: Wikipedia.

Ngoài tác dụng kháng ung thư, curcumin còn có khả năng chống ôxi hoá, kháng viêm, kháng khuẩn và chống lão hoá (4, 6, 10, 15). Việc sử dụng curcumin đúng liều lượng và đúng cách hầu như không có tác dụng phụ hoặc độc tính nào đáng kể đối với các tế bào bình thường (3, 4, 6, 7, 9-11, 15).

Vì vậy, hiện nay có rất nhiều công trình nghiên cứu y học và thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành tại nhiều viện nghiên cứu và trung tâm y khoa trên thế giới để nâng cao hiệu quả của curcumin cũng như khai thác khả năng kháng ung thư của hoạt chất này trong việc điều trị và phòng ngừa căn bệnh ung thư.

 

Hình 3: Khả năng ức chế và tiêu diệt tế bào ung thư của curcumin. 

Curcumin có tác dụng bất hoạt phân tử NF-κB và các con đường truyền tín hiệu liên quan đến phân tử này. NF-κB đóng vai trò cực kì quan trọng đối với sự sinh tồn, tăng trưởng, phân chia, kháng thuốc và di căn của rất nhiều loại tế bào ung thư. Vì vậy khi phân tử NF-κB bị ức chế hoàn toàn, tế bào ung thư sẽ tự chết (tự sát, apoptosis), giảm hoặc mất các khả năng phân chia, kháng thuốc, di căn. Curcumin cũng bất hoạt và kìm hãm các gien gây ung thư khác. Quan trọng hơn, curcumin còn kích hoạt các gien kháng ung thư sẵn có trong tế bào, qua đó ức chế và tiêu diệt tế bào ung thư.

ưu ý: Tác dụng phụ của curcumin là không đáng kể. Tuy nhiên, các bệnh nhân bị loãng máu, hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc kháng viêm, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc giảm đau cần tránh sử dụng curcumin bởi các nguy cơ tương tác thuốc. Curcumin còn làm tăng hoạt tính của nhiều loại thuốc khác. Do đó, việc dùng curcumin riêng rẽ hoặc cùng với các thuốc khác đều cần có sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia y tế.

2. Hoạt tính kháng ung thư của Graviola

Graviola còn được gọi là mãng cầu xiêm. Lá, thân, trái, hạt của mãng cầu xiêm thường được dùng trong các bài thuốc y học dân gian và các món ăn.

Các nghiên cứu y sinh học gần đây phát hiện graviola có khả năng ức chế quá trình tăng trưởng và phân chia của tế bào ung thư cũng như tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả (16-18). Các hoạt tính kháng ung thư của graviola đã được chứng minh trong nhiều thí nghiệm trên nhiều dòng tế bào ung thư cũng như trên các mô hình động vật mang tế bào ung thư của người (16-18). Trong một nghiên cứu năm 2011, các nhà khoa học tại Đại Học Virginia Tech, Hoa Kỳ, phát hiện graviola có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của dòng tế bào ung thư vú MDA-MB-468 (tế bào ung thư vú di căn ác tính) bằng cách kìm hãm con đường truyền tín hiệu của phân tử EGFR (epidermal growth factor receptor, thụ thể của nhân tố tăng trưởng ngoại bì) (16). Quan trọng hơn, graviola không ảnh hưởng đến tế bào vú bình thường. Điều này chứng tỏ tác dụng đặc hiệu của graviola lên tế bào ung thư (16).

Hình 4: Lá và trái của cây mãng cầu xiêm Annona muricata (graviola). Nguồn: Wikipedia

NNăm 2012, các nhà nghiên cứu tại Đại học Omaha, Hoa Kỳ báo cáo trên tạp chí khoa học Cancer Letters về tác dụng của graviola trong việc ức chế quá trình chuyển hoá năng lượng, phân chia và di căn của tế bào ung thư tuỵ (17). Trong một nghiên cứu gần đây (tháng 7 năm 2013), các nhà nghiên cứu tại Đại Học Nông Nghiệp Tamil Nadu của Ấn Độ phân tích các thành phần hoá học của graviola và phát hiện graviola chứa nhiều hoạt chất acetogenin có khả năng ức chế các quá trình sản xuất năng lượng và tăng trưởng của tế bào ung thư (18). 

Hình 5: Graviola làm suy giảm khả năng sinh tồn, ức chế sự tăng trưởng, kìm hãm quá trình sản xuất năng lượng và ngăn chặn sự di căn của tế bào ung thư.

Graviola còn được sử dụng trong một số bài thuốc dân gian để điều trị các bệnh do nấm, vi khuẩn, virus, và kí sinh trùng.

K

Kết luận: Curcumin và graviola là hai trong số các loại hợp chất thiên nhiên có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư một cách hữu hiệu bằng cách ức chế cùng lúc nhiều quá trình sinh học quan trọng của tế bào ung thư. Các nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm và trên các mô hình động vật cho thấy curcumin và graviola có tác dụng ức chế hiệu quả sự sinh tồn,  tăng trưởng và di căn của khối u. Nhiều thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu chuyên sâu hơn về graviola và curcumin đang được tiến hành trên bệnh nhân.

Lưu ý: Một số nghiên cứu cho thấy graviola, nếu được dùng với liều cao và lâu dài, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Graviola không nên sử dụng chung với thuốc điều trị trầm cảm, cao huyết áp, bệnh tiểu đường. Graviola cũng có thể làm giảm tiểu cầu và khả năng hấp thu các hoạt chất phóng xạ của tế bào. Do đó, các bệnh nhân đang thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh hoặc các qui trình điều trị cần sử dụng các chất đánh dấu phóng xạ, các đồng vị phóng xạ, nên tạm ngưng sử dụng graviola trong thời gian thực hiện các qui trình trên. Việc sử dụng graviola liều cao trong thời gian dài cũng có thể làm ảnh hưởng đến chức năng gan và thận. Do đó, việc theo dõi chức năng gan và thận cần được tiến hành khi thường xuyên dùng graviola liều cao.

Các thông tin trong bài viết này được trích dẫn từ các nghiên cứu khoa học và y học do nhiều trung tâm và bệnh viên ung thư trên thế giới tiến hành. Mục tiêu của bài viết nhằm cung cấp cho quí độc giả các thông tin khoa học và y học về curcumin và graviola. Tuy nhiên, quí độc giả cần cân nhắc và thận trọng khi sử dụng curcumin và graviola. Việc tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ và dược sĩ và các chuyên gia y tế trước khi sử dụng các loại thảo dược, hợp chất thiên nhiên, vitamin, thuốc bổ và các loại thuốc khác là rất cần thiết. 

Về tác giả:
T.S. Phan Minh Liêm nhận bằng Tiến sĩ về Khoa Học Y sinh – chuyên ngành Ung thư của Trường Đại Học Texas – Trung tâm Ung thư MD Anderson, thành phố Houston, bang Texas, Hoa Kỳ. Trung tâm Ung thư MD Anderson được tạp chí US News & Reports xếp hạng là trung tâm ung thư số 1 tại Hoa Kỳ. Mỗi năm, Trung tâm Ung thư MD Anderson chữa trị cho hơn 1,1 triệu lượt bệnh nhân ung thư và thực hiện hơn 11 triệu qui trình khám và điều trị. T.S. Phan Minh Liêm đang nghiên cứu và phát triển các liệu pháp mới để chữa trị và phòng ngừa ung thư tại Trung tâm Ung thư MD Anderson.

 

Tài liệu tham khảo

1. Cancer patients increase quickly in Vietnam. Vietnamnet. http://english.vietnamnet.vn/fms/society/56271/cancer-patients-increase-quickly-in-vietnam.html
2. Anh PT & Duc NB (2002) The situation with cancer control in Vietnam. Jpn J Clin Oncol 32 Suppl:S92-97.
3. Aggarwal B, Prasad S, Sung B, Krishnan S, & Guha S (2013) Prevention and Treatment of Colorectal Cancer by Natural Agents From Mother Nature. Curr Colorectal Cancer Rep 9(1):37-56.
4. Gupta SC, Kismali G, & Aggarwal BB (2013) Curcumin, a component of turmeric: from farm to pharmacy. BioFactors 39(1):2-13.
5. Kuttan G, Kumar KB, Guruvayoorappan C, & Kuttan R (2007) Antitumor, anti-invasion, and antimetastatic effects of curcumin. Advances in experimental medicine and biology 595:173-184.
6. Lin JK (2007) Molecular targets of curcumin. Advances in experimental medicine and biology 595:227-243.
7. Kunnumakkara AB, Anand P, & Aggarwal BB (2008) Curcumin inhibits proliferation, invasion, angiogenesis and metastasis of different cancers through interaction with multiple cell signaling proteins. Cancer letters 269(2):199-225.
8. Shishodia S, Amin HM, Lai R, & Aggarwal BB (2005) Curcumin (diferuloylmethane) inhibits constitutive NF-kappaB activation, induces G1/S arrest, suppresses proliferation, and induces apoptosis in mantle cell lymphoma. Biochemical pharmacology 70(5):700-713.
9. Oyagbemi AA, Saba AB, & Ibraheem AO (2009) Curcumin: from food spice to cancer prevention. Asian Pac J Cancer Prev 10(6):963-967.
10. Hatcher H, Planalp R, Cho J, Torti FM, & Torti SV (2008) Curcumin: from ancient medicine to current clinical trials. Cell Mol Life Sci 65(11):1631-1652.
11. Park W, Amin AR, Chen ZG, & Shin DM (2013) New perspectives of curcumin in cancer prevention. Cancer prevention research 6(5):387-400.
12. Jiang M, et al. (2013) Curcumin induces cell death and restores tamoxifen sensitivity in the antiestrogen-resistant breast cancer cell lines MCF-7/LCC2 and MCF-7/LCC9. Molecules 18(1):701-720.
13. Yallapu MM, Jaggi M, & Chauhan SC (2013) Curcumin nanomedicine: a road to cancer therapeutics. Curr Pharm Des 19(11):1994-2010.
14. Nagaraju GP, et al. (2012) The impact of curcumin on breast cancer. Integr Biol (Camb) 4(9):996-1007.
15. Gupta SC, Patchva S, & Aggarwal BB (2013) Therapeutic roles of curcumin: lessons learned from clinical trials. AAPS J 15(1):195-218.
16. Dai Y, et al. (2011) Selective growth inhibition of human breast cancer cells by graviola fruit extract in vitro and in vivo involving downregulation of EGFR expression. Nutrition and cancer 63(5):795-801.
17. Torres MP, et al. (2012) Graviola: a novel promising natural-derived drug that inhibits tumorigenicity and metastasis of pancreatic cancer cells in vitro and in vivo through altering cell metabolism. Cancer letters 323(1):29-40.
18. Paul J, Gnanam R, Jayadeepa RM, & Arul L (2013) Anti cancer activity on Graviola, an exciting medicinal plant extract vs various cancer cell lines and a detailed computational study on its potent anti-cancerous leads. Curr Top Med Chem 13(14):1666-1673.
--- 
Đăng bài: 03/06/2016, cập nhật 05/03/2016
Category: 

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.