Vũ Duy Thức - Từ Nhà Khoa Học đến Doanh Nhân  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Ở Việt Nam, cái tên Vũ Duy Thức được biết đến với danh hiệu tiến sĩ Việt Nam trẻ nhất đại học Stanford, sau đó là đồng sáng lập Quỹ học bổng Vietseeds, hỗ trợ các em ở vùng sâu vùng xa có điều kiện đến trường. Ở thung lũng Silicon - Hoa Kỳ, anh được biết đến như là “doanh nhân dám vấp ngã” (serial entrepreneur), sáng lập các ứng dụng xã hội Kantago, Tappy và gần đây nhất là OhmniLabs với sản phẩm robot hỗ trợ người cao tuổi. Vietnam Journal of Science (VJS) đã có cơ hội điều khiển robot này và trò chuyện cùng anh Vũ Duy Thức từ xa, lắng nghe anh chia sẻ về niềm đam mê sáng tạo những cái mới - định hướng trực tiếp đến người dùng và kinh nghiệm khởi nghiệp. Đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, kinh doanh và hoạt động xã hội nhưng điều chúng tôi thấy ở anh là một người trẻ thân thiện, khiêm tốn với một mục đích sống rõ ràng và lòng nhiệt huyết không ngừng nghỉ.

Từ Nhà Khoa Học đến Doanh Nhân

1. Được biết năm 2010 anh được vinh danh là tiến sĩ Việt Nam trẻ nhất ĐH Standford. Anh có thể chia sẻ để độc giả VJS hiểu hơn về con đường học tập và nghiên cứu của Anh trên đất Mỹ cũng như cảm xúc của anh khi nhận danh hiệu này được không ạ?

Năm 2001, anh qua Mỹ và theo học ngành khoa học máy tính ở Đại học Carnegie Mellon. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh tiếp tục nghiên cứu và làm luận án tiến sĩ ở trường Stanford. Năm 2010, anh tốt nghiệp tiến sĩ và cũng trong khoảng thời gian này, cùng với 2 người bạn của mình là Giáo sư nghiên cứu và bạn cùng nhóm, anh đã thành lập công ty Kantago.

Về danh hiệu, khi tốt nghiệp anh không quá quan trọng mình có phải là “người Việt đầu tiên” hay “người Việt trẻ nhất” hay không. Anh chỉ nghĩ rằng bản thân mình cũng như rất nhiều bạn nghiên cứu sinh khác, hoàn thành một chặng đường và cảm thấy hứng thú khi bắt đầu một chặng đường mới.

2. Sẽ rất thú vị nếu như anh có thể chia sẻ với độc giả VJS về dự án khởi nghiệp Kantago sau khi tốt nghiệp TS.

Kantago là công ty về lĩnh vực công nghệ. Trong giai đoạn này, Kantago tập trung phát triển sản phẩm về mạng xã hội, cụ thể đó là một ứng dụng (App) trên Facebook. Đối với sản phẩm này, tụi anh tiến hành phân tích các tương tác và mối quan hệ của người dùng (user) ví dụ như sự tương tác của những nhóm người có chung sở thích hay nhóm người cùng học một trường.

Một điều thú vị và may mắn đó là hai tuần sau khi Google Plus được tung ra thì tụi anh cũng tiến hành giới thiệu (launch) sản phẩm của mình. Thời điểm này Google Plus có thế mạnh về PR còn Facbook có thế mạnh về phân biệt các đối tượng người dùng. Google Plus cho phép người dùng thiết lập 1 vòng kết nối bạn bè (circle) và những đối tượng trong circle này dễ dàng chia sẻ thông tin với nhau. Tuy nhiên đây không phải là những circle tự động. Người dùng của Google Plus phải làm thủ công gán từng người vào circle. Đối với sản phẩm của Kantago, tụi anh có thể phân tích những mối tương tác và sự kết nối bạn bè trên mạng xã hội để từ đó đưa ra circle tự động (automatic circle). Chính ưu điểm này mà sản phẩm của Kantago nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông và người dùng. Đến tháng 11/2011, Google mua lại Kantago và anh về làm việc cho Google Plus.

Cuối năm 2014, anh nghỉ việc ở Google và thành lập công ty Tappy - mạng xã hội cung cấp thông tin và địa điểm. Tappy phát triển các Google App để kết nối người tiêu dùng với các doanh nghiệp địa phương. Ví dụ khi các em đi ăn kem, các em có thể kết nối được với chủ quán kem và chủ quán có thể cung cấp cho các em các thông tin về thực đơn, về thành phần dinh dưỡng cũng như các chương trình khuyến mại. Đến 2015, Tappy được Weeby.co ở Silicon Valley mua lại. Giữa 7/2015, anh cùng một số bạn sáng lập OhmniLabs. Đến thời điểm hiện tại thì OhmniLabs đã giới thiệu sản phẩm đầu tiên ra thị trường.

3. Như vậy chỉ sau một năm hoạt động OhmniLabs đã phát triển thành công sản phẩm đầu tiên. OhmniLabs cũng tập trung vào sản phẩm liên quan đến mạng xã hội hay có những định hướng phát triển khác ạ?

OhmniLabs là công ty phát triển robot sử dụng trong gia đình.Với tốc độ phát triển công nghệ hiện nay thì trong vòng 5 đến 10 năm nữa, robot sẽ có mặt ở mọi nơi và nó sẽ góp phần thay đổi rất nhiều cuộc sống của chúng ta. Ở thời điểm hiện tại, việc phát triển một robot còn gặp nhiều khó khăn vì nó đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ kiến thức về công nghệ phần mềm, công nghệ phần cứng đến sự hiểu biết cả về thị trường sản phẩm ứng dụng nữa. Chính vì vậy OhmniLabs mong muốn phát triển một nền tảng tự động mở (open-automatic platform) để các nhà phát triển sản phẩm có thể phát triển robot dễ dàng, có như vậy robot mới được mang đến người dùng nhanh hơn và người sử dụng cũng có cơ hội được tiếp cận với nhiều sản phẩm tốt hơn.             

Hình 1. Anh Vũ Duy Thức chia sẻ về những dự án khởi nghiệp

Ví dụ như Android, Android trở nên phổ biến vì nó là một platform mở kết nối người dùng đến các ứng dụng di động (mobile app). Dựa trên platform này, người dùng có thể dễ dàng phát triển thêm nhiều ứng dụng di động khác nữa. Mười năm về trước, khi khoa học kỹ thuật chưa thực sự phổ biến, để viết và lập trình một ứng dụng thì tốn nhiều thời gian và khá khó khăn. Tuy nhiên, ngày nay chỉ mất khoảng 5 -10 phút, các kỹ thuật viên có thể phát triển một ứng dụng có thể sử dụng được. Anh chia sẻ như vậy để các em thấy được sự phát triển và phổ biến của khoa học công nghệ. Đối với OhmniLabs, xét ở tầm nhìn dài hạn, anh định hướng phát triển OhmniLabs trở thành một “Androi”, còn trong giai đoạn ngắn hạn thì anh muốn phát triển một ứng dụng, một sản phẩm cụ thể để người dùng có thể tiếp cận sử dụng được.

Sản phẩm hiện tại của OhmniLabs là robot chăm sóc người cao tuổi. Dân số già là vấn đề nan giải trong tương lại đặc biệt ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan. Đến một thời điểm nhất định, khi các quốc gia này không đủ nhân lực để chăm sóc người lớn tuổi thì robot sẽ là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề này. Hiện tại, sản phẩm của OhmniLabs hướng đến khách hàng mục tiêu là người cao tuổi, trong thời gian tới OhmniLabs sẽ tiếp tục phát triển platform này để phù hợp với nhiều đối tượng người dùng khác trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục.

4. Anh có thể chia sẻ thêm những thách thức nào OhmniLabs gặp phải khi phát triển các sản phẩm công nghệ?

Thách thức lớn nhất của OhmniLabs là làm sao tìm được đúng thị trường tiêu thụ. Mặc dù robot đã bắt đầu phổ biến rồi, nó vẫn còn quá mới và cũng không nhiều người đón nhận một cách nồng nhiệt bởi vì người sử dụng vẫn có sự e dè với robot, đặc biệt là những người lớn tuổi. Như các em biết, người lớn tuổi không thích dùng công nghệ vì họ không hiểu và họ không biết phải làm sao nếu robot không hoạt động. Định hướng của OhmniLabs là phát triển robot cho người già, tuy nhiên người già không cần điều khiển robot này bởi người điều khiển sẽ là những người trẻ tuổi ví dụ như con cháu trong gia đình hay người giúp việc.

5. Vừa là người sáng lập và vừa trực tiếp điều hành OhmniLabs, như vậy trong quá trình học tập và nghiên cứu anh đã trau dồi những kỹ năng về lãnh đạo và kinh doanh như thế nào?  

Trong quá trình nghiên cứu, em không được đào tạo bài bản về kỹ năng về lãnh đạo và kinh doanh. Trước khi lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh thì anh phải tự trang bị cho mình những kỹ năng này. Tuy nhiên, một số tố chất của người nghiên cứu có thể áp dụng vào lĩnh vực kinh doanh đó là sự kiên trì và tính nhẫn nại. Anh thấy nghiên cứu và kinh doanh là hai lĩnh vực đòi hỏi chúng ta những tố chất khác biệt, tuy nhiên ở một số khía cạnh chúng ta vẫn có thể tìm thấy những điểm chung và gần gũi.

6. Anh có nghĩ rằng mình có tố chất của một doanh nhân không ạ?

(Cười) Anh nghĩ là mình vẫn chưa có đủ tố chất của một doanh nhân. Về bản chất thì anh vẫn là một nhà nghiên cứu hơn vì thời gian anh dành cho việc nghiên cứu kéo dài hơn thời gian anh dành cho việc kinh doanh. Việc kinh doanh anh chỉ mới bắt đầu thời gian gần đây nên anh vẫn còn phải mày mò và học hỏi nhiều lắm (cười).

7. Mọi người vẫn bảo “thương trường như chiến trường”, là một nhà nghiên cứu lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh thì những khó khăn, mâu thuẫn và khác biệt nào anh phải cân bằng và dung hoà?

Trong thời gian làm nghiên cứu anh đã có định hướng riêng cho mình đó là những gì anh học phải được ứng dụng gián tiếp hoặc trực tiếp vào thực tế để mang tới lợi ích cho người dùng. Chính vì vậy khi chuyển từ hoạt động nghiên cứu sang kinh doanh, anh không thấy bỡ ngỡ nhiều, tuy nhiên khó khăn thì anh gặp nhiều lắm (cười), chắc phải dành vài buổi mới trò chuyện hết được (cười).

Đối với bản thân anh, những mâu thuẫn và khác biệt về “chiều sâu/chiều rộng”, “dài hạn/ngắn hạn” và “mở/đóng” khi một nhà nghiên cứu khi lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh cần phải biết cách dung hoà. Đối với yếu tố “chiều sâu/chiều rộng”, thực tế khi làm nghiên cứu, nhà khoa học cần phải đi vào “chiều sâu”, tập trung giải quyết bài toán hẹp và đưa ra kết quả cho bài toán đó. Tuy nhiên ở vị trí là một doanh nhân thì người làm kinh doanh cần phải đi theo “chiều rộng”, cần nắm bắt thị trường và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng. Ở góc độ “dài hạn/ngắn hạn”, là một nhà khoa học, em có thể mất vài năm (hoặc lâu hơn) để hoàn thành một công trình nghiên cứu, tuy nhiên trong kinh doanh vài năm là quá chậm. Trong kinh doanh, khi em giải quyết những bài toán lớn, sẽ có những toán nhỏ khác phát sinh thêm và việc em giải quyết những bài toán nhỏ ấy nhanh hay chậm sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của em. Thêm nữa, trong nghiên cứu, khi em có kết quả nghiên cứu mới, em sẽ viết những bài báo khoa học để chia sẻ với bạn bè (đây là “mở”), tuy nhiên trong kinh doanh em không thể chia sẻ tất cả mọi thứ cho bạn bè hay đồng nghiệp được (cười). Chính vì vậy em cần biết được những gì mình nên chia sẻ, những gì mình cần phải giữ bí mật (đây là yếu tố “đóng”).

8. Anh có thể chia sẻ một ví dụ cụ thể về sai lầm trong kinh doanh anh mắc phải và bài học kinh nghiệm anh đã rút ra được không ạ?

Khi anh và các cộng sự phát triển sản phẩm cho Kantago, bọn anh đã mất 6 tháng mới tìm ra được sản phẩm phù hợp thị hiếu người dùng. Bài học kinh nghiệm mà anh đã rút ra đó là: bản thân mình cần phải có những quyết định dứt khoát về sản phẩm, tránh sa đà vào những cái đang làm, tránh tình trạng chờ đợi sản phẩm hoàn chỉnh rồi mới đưa đến tay người tiêu dùng. Thực tế, sự chờ đợi này có thể đưa đến rủi ro đó là bản thân mình có những định hướng sai lầm về sản phẩm. Sản phẩm của mình mất 6 tháng để hoàn chỉnh tuy nhiên không ai muốn sử dụng nó, thay vào đó chỉ cần 2-3 tháng mình đã có thể giới thiệu phiên bản dùng thử cho người dùng. Mặc dù phiên bản dùng thử có thể mắc nhiều lỗi sai nhưng tối thiểu mình có thể biết được người dùng có nhu cầu sử dụng sản phẩm hay không hoặc phản ứng của họ về sản phẩm như thế nào,…,  từ đó mình có kế hoạch cải tiến nó tốt hơn.

9. Được biết anh có kế hoạch xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm và chuyển giao công nghệ về Việt Nam. Tụi em rất muốn lắng nghe những chia sẻ của anh về kế hoạch này.

Với anh, việc xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm và chuyển giao công nghệ về Việt Nam là một kế hoạch dài hạn, không thể thực hiện một sớm một chiều ngay lập tức được. Anh nghĩ đến đến kế hoạch này như một mô hình kiềng ba chân với ba thành tố (1) nhóm sinh viên nghiên cứu đến từ trường đại học, (2) các công ty khởi nghiệp và (3) các quỹ đầu tư mạo hiểm. Kiềng ba chân có nghĩa rằng cần có sự tương tác chặt chẽ giữa ba thành tố với nhau. Anh mong muốn chúng ta có thể tạo ra một platform để kết nối ba thành tố, cụ thể các công ty khởi nghiệp có thể ứng dụng nghiên cứu của sinh viên vào hoạt động kinh doanh, các bạn sinh viên có cơ hội làm việc tại các công ty khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ tài chính cho dự án khởi nghiệp và hỗ trợ nghiên cứu của sinh viên.

Hiện tại anh cũng đang đầu tư vào một số công ty khởi nghiệp ở Việt Nam, sắp tới anh cũng có kế hoạch mở những văn phòng phát triển sản phẩm và chuyển giao công nghệ từ Mỹ về Việt Nam. Người làm kinh doanh có thể sử dụng platform của OhmniLabs để phát triển sản phẩm của họ. OhmniLabs sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, về vốn và đầu ra cho sản phẩm (nếu được). Anh hi vọng OhmniLabs sẽ mang lại nhiều điều mới mẻ cho thị trường và người làm robotics ở Việt Nam.

Khởi nghiệp – “cần có sự chuẩn bị, đừng chạy theo phong trào”

10. Là một người trẻ khởi nghiệp thành công trên đất Mỹ. So sánh giữa Silicon Valley và Đông Nam Á (ĐNA), theo quan điểm của anh ĐNA có phải là một thị trường tiềm năng cho các công ty khởi nghiệp hay không?

ĐNA là một thị trường đầy tiềm năng cho việc kinh doanh và khởi nghiệp. Hiện tại có rất nhiều quỹ đầu tư tập trung vào khu vực này. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của khu vực ĐNA đó là thị trường bị phân khúc mạnh bởi mỗi quốc gia trong khu vực có một nền văn hoá khác nhau dẫn đến thị hiếu người tiêu dùng cũng khác nhau. Điều này đòi hỏi người làm kinh doanh phải có đầu óc nhạy bén, chịu khó tìm hiểu thị trường và tìm hiểu thị hiếu khách hàng thì mới có thể thành công. Việc hợp tác với người bản xứ từ khâu phát triển sản phẩm là điều rất nên làm.

11. Theo anh, doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường trước rồi mới phát triển sản phẩm hay ngược lại cần có ý tưởng về sản phẩm trước rồi mới tiến hành tìm hiểu thị trường?

Theo anh người làm kinh doanh cần lưu tâm cả hai vấn đề này. Việc tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng rất quan trọng bởi nó giúp chúng ta xác định thị trường cần gì, muốn gì, và làm sao chúng ta đáp ứng được nhu cầu đó. Tuy nhiên, chín người mười ý, chúng ta không thể đưa ra từng sản phẩm thoả mãn nhu cầu của tất cả khách hàng, chính vì vậy, doanh nghiệp cần lựa chọn một thị hiếu chung nhất và tìm cách đáp ứng nó. Song song với việc tìm hiểu thị trường, doanh nghiệp cần phải lưu tâm đến thế mạnh của họ là gì, có những ý tưởng nào về sản phẩm... Thành công của một doanh nhân là làm sao kết hợp được hai vấn đề này với nhau.

12. Có thể nói “khởi nghiệp” như một xu hướng, một trào lưu ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án khởi nghiệp đều thành công. Độc giả VJS mong muốn lắng nghe anh chia sẻ thêm kinh nghiệm của bản thân khi thực hiện các dự án khởi nghiệp công nghệ.

Như anh đã chia sẻ, đối với các sản phẩm về công nghệ, thứ nhất, người làm kinh doanh phải nắm bắt được xu hướng về công nghệ và nên có chiến lược đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng sớm hơn các đối thủ cạnh tranh khác. Có thể sản phẩm này chưa phải là phiên bản hoàn thiện nhất, tuy nhiên dựa vào đó em có thể biết được khách hàng của mình có đón nhận chúng hay không, từ đó mới dành nhiều nỗ lực hơn nữa để phát triển và hoàn thiện sản phẩm.

Thứ hai, trong môi trường khởi nghiệp sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh mà mình không lường trước được, vậy nên mình phải có tư tưởng mở (open mind) và biết thích nghi với hoàn cảnh. Bên cạnh đó, mình cũng cần phải có sự kiên trì nhẫn nại. Biết khi nào nên từ bỏ, biết khi nào nên kiên trì.

Thứ ba, khi khởi nghiệp cần phải có sự chuẩn bị kỹ cho việc gọi vốn. Khi thành lập OhmniLabs, ngoài nguồn vốn anh có được từ việc bán công ty trước của mình, anh cũng tiến hành gọi vốn từ các quỹ đầu tư. Để kêu gọi sự đầu tư thành công, mình cần biết được rằng các nhà đầu tư họ quan tâm điều gì? Theo kinh nghiệm của anh, các nhà đầu tư họ quan tâm đến 3 rủi ro:

Đầu tiên là rủi ro về thị trường (market risk): làm sao để sản phẩm đưa ra được người dùng chấp nhận và mình bán được sản phẩm.

Thứ hai là rủi ro về công nghệ (technical risk): ví dụ em phát triển sản phẩm về robot hay xe tự động lái, thì rủi ro đó là em có viết được chương trình tự động để xe chạy được hay không?

Thứ ba là rủi ro về quản trị (executive risk) bao gồm việc điều hành nhân viên, quan hệ công chúng, tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ với đối tác. Ba rủi ro này  khi gọi vốn người khởi nghiệp cần phải suy nghĩ và biết cách giải quyết, làm sao để giảm thiểu những rủi ro này xuống càng thấp càng tốt. Nếu như những giải pháp mà mình đưa ra có thể trấn an được nhà đầu tư và thuyết phục họ thấy rằng đây không còn là rủi ro nữa, sản phẩm mình phát triển là một sản phẩm có tiềm năng, đội ngũ nhân sự của mình chuyên nghiệp với nhiều chuyên gia về phần mềm phần cứng, mình có kinh nghiệm xây dựng công ty từ trước,… thì việc gọi vốn của em có khả  năng thành công cao.

Tri Ân Quê Nhà

13. Bên cạnh thành công trong việc nghiên cứu, kinh doanh ở nước ngoài, Anh còn có 1 tấm lòng tri ân với quê hương thể hiện qua việc thành lập và vận hành quỹ khuyến học Vietseeds. Anh có thể cho biết ý tưởng nào thôi thúc anh thành lập Vietseeds và những thành tựu mà Vietseeds đã đạt được?

Ý tưởng thành lập Vietseeds bắt nguồn từ việc anh muốn đền đáp cho cộng đồng. Anh thấy mình rất may mắn bởi lẽ trên con đường học tập có rất nhiều người đã giúp đỡ anh, tạo điều kiện để anh học tập và theo đuổi đam mê, theo đuổi công việc mình muốn làm. Anh muốn đền đáp lại cho cộng đồng người Việt và tạo điều kiện tương tự cho các em sinh viên nghèo ở Việt Nam không có điều kiện đến trường. Khi anh nói chuyện với người bạn của mình đó là chị Vu Van – đồng sáng lập Vietseed với anh – người cũng có ý tưởng tương tự và tụi anh cùng nhau thành lập Vietseeds. Hiện tại anh và Vu Van đang điều hành Vietseeds. Tụi anh có một team ở Việt Nam và các bạn đang điều hành quỹ rất tốt. Team bao gồm các bạn nhân sự chính và cả các tình nguyện viên khác nữa. Anh tin rằng mô hình phi lợi nhuận nào cũng cần phải có những bạn giữ vai trò là nhân sự chính bởi lẽ nếu chỉ dựa vào tình nguyện viên không thì quỹ khó có thể ổn định lâu dài. Từ tình nguyện viên, mình có thể đào tạo các bạn để các bạn trở thành nhân sự chính thì rất tốt. 

Tính đến thời điểm hiện tại Vietseeds đã hoạt động được 5 năm. Vietseeds đã hỗ trợ tiền học và một phần tiền ăn ở sinh hoạt cho hơn 200 em học sinh. Thành tựu lớn nhất mà Vietseeds đã đạt được đó là kết quả học tập của các em rất tốt. Phần lớn các em nhận học bổng của Vietseeds là những em học sinh khá giỏi. Có nhiều em kết quả học tập đứng đầu khoa, nhiều bạn đã xin được học bổng đi du học nước ngoài và gặt hái một số phần thưởng trong nước và quốc tế khác. Bên cạnh việc trao học bổng hỗ trợ tài chính cho các em, Vietseeds còn tổ chức các khoá kỹ năng mềm, có giáo viên hướng dẫn các bạn để giúp các bạn nâng cao kỹ năng của mình.

14. Anh có thể chia sẻ thêm bằng cách nào các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể biết và tiếp cận quỹ Vietseeds?

Tụi anh có hai nguồn để tiếp cận các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thứ nhất, các bạn sinh viên hiện tại của Vietseeds - các bạn đến từ vùng sâu vùng xa sẽ trở thành đại sứ, giúp kết nối Vietseeds với các em học sinh cấp ba ở địa phương mình. Thứ hai, tụi anh cũng có các tình nguyện viên tổ chức các chuyến đi đến vùng sâu vùng xa, sau đó liên hệ với các trường học, đưa thông tin về quỹ Vietseeds đến các trường này.

15. Một ngày điển hình của anh là gì và làm sao anh cân bằng được cuộc sống cá nhân - công việc của mình?

Một ngày của anh bắt đầu lúc 7- 8 a.m và kết thúc lúc 11- 12 p.m. Trước khi bắt đầu một ngày mới anh dành một tiếng đồng hồ để thiền. Sau đó, anh giải quyết công việc qua email ở nhà trước (để tránh bị kẹt xe buổi sáng). Khoảng 10-11 a.m, anh đến văn phòng OhmniLabs và tiếp tục làm việc cho đến chiều tối. Buổi tối anh về nhà nghỉ ngơi nhưng sau đó lại tiếp tục với công việc (cười). Đôi lúc anh cũng đi tập gym và chơi thể thao để nâng cao thể lực và sức khoẻ.

Anh không nghĩ là mình có thể cân bằng được cuộc sống của mình (cười). Đối với bản thân anh, để hài hoà và cân bằng cuộc sống của chính mình thì anh thường: Thứ nhất, tuỳ thời điểm và tuỳ vào mức độ quan trọng của công việc mà anh sẽ có những ưu tiên khác nhau, việc nào nên làm trước, việc nào làm sau. Ví dụ vào thời điểm gây quỹ và tuyển sinh cho Vietseeds, anh dành nhiều thời gian cho Vietseeds hơn. Sau mùa tuyển sinh, anh sẽ gác các công việc đó lại và chuyển quyền điều hành cho các bạn khác. Thứ hai, anh phân bố quỹ thời gian của mình cho các công việc khác nhau và xác định các timebox rõ ràng, tránh tình trạng sa đà quá mức vào một công việc nào đó gây mất thời gian và ảnh hưởng đến các công việc khác. Thứ ba, anh luôn cố gắng tìm cách kiểm soát áp lực và cảm xúc của mình. Nói về cảm xúc, đôi khi anh phải rèn luyện cảm xúc của mình như tập thể dục vậy (cười). Khi em gặp một vấn đề nào đó, em phải nhận thức được đâu là giới hạn kiểm soát cảm xúc của bản thân để từ đó có những điều chỉnh về mặt cảm xúc và hành vi phù hợp hoàn cảnh.

Hoa Phan - Phương Linh