Văn Đinh Hồng Vũ: Hành trình từ Stanford tới giáo dục và ứng dụng trí tuệ nhân tạo  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Theo học MBA tại Đại học Stanford, nhưng những trăn trở về nền giáo dục nước nhà đã thôi thúc Văn Đinh Hồng Vũ học thêm tấm bằng Thạc sĩ Giáo dục. Cho ra đời Quỹ học bổng Vietseeds – nơi chắp cánh cho bao trẻ em nghèo được cắp sách tới trường, sau đó là Elsa - ứng dụng dạy phát âm tiếng Anh sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) được báo Forbes ca ngợi, Văn Đinh Hồng Vũ đang từng bước hiện thực hóa ước mơ mang tới một cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, để ai cũng có thể phát huy toàn bộ tiềm năng của mình.  

VJS rất hân hạnh được giới thiệu tới độc giả chân dung người phụ nữ tài năng này.

1. VJS: Trước tiên, VJS xin được chúc mừng chị vì ứng dụng học tiếng Anh Elsa mới giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp về công nghệ giáo dục SXSWedu tại Mỹ. Chị có thể chia sẻ cho độc giả VJS về quá trình thai nghén sản phẩm Elsa?

Vào tháng 4/2015, chị bắt đầu nghĩ ra ý tưởng. Ban đầu, chị chỉ nghĩ mình muốn giải quyết vấn đề và khi đã tạm thời định hình được một giải pháp, chị tự hỏi mình sẽ cần làm gì trước khi bắt tay startup. Từ đó, bọn chị đã tiến hành nghiên cứu trong 3 tháng, cố gắng trả lời 3 câu hỏi:

  • Đầu tiên, khó khăn thực sự của người học tiếng Anh là gì? Liệu mình có thể đưa ra một giải pháp sử dụng công nghệ hay không?
  • Thứ hai là khi lựa chọn giải pháp sử dụng công nghệ mới và chưa từng được dùng trước đó thì liệu có khả thi hay không? Việc thử nghiệm rất quan trọng vì có thể công nghệ vẫn chưa sẵn sàng hoặc chưa đúng thời điểm.
  • Cuối cùng là khi đã có giải pháp khả thi thì liệu có đủ số người thực sự cần giải pháp này hay không?

Sau 3 tháng, chị đã có được đánh giá cơ bản và tới tháng 6/2015, chị chính thức thành lập công ty và bắt đầu hành trình với Elsa.

2. VJS: Chị có thể làm rõ hơn, bằng cách nào mà chị tìm ra vấn đề người học tiếng Anh thường mắc phải?

Chị thu thập thông tin bằng cách thực hiện phỏng vấn và khảo sát. Việc phỏng vấn bắt đầu từ những người xung quanh như người thân, bè bạn sau đó mở rộng ra.

Sau đó chị tiến hành khảo sát trên nhiều người. Cách thiết kế bảng câu hỏi rất gợi mở với những câu hỏi chung chung để nắm được thông tin toàn cảnh như “Bạn có dùng tiếng Anh không, bạn có gặp khó khăn gì khi sử dụng tiếng Anh, bạn giải quyết khó khăn đó như thế nào, bạn đang học tiếng Anh bằng phương thức nào?”.

Kết quả khảo sát cho thấy vấn đề khó khăn nhất mà mọi người gặp phải chính là kỹ năng nói tiếng Anh.

Chị Văn Đinh Hồng Vũ tại cuộc thi khởi nghiệp về giáo dục SXSWedu 

3. VJS: Theo em được biết, ngành học chính của chị là về kinh tế, trong khi việc xây dựng Elsa cần nhân lực thuộc nhiều ngành khác nhau như Khoa học máy tính, công nghệ... Bằng cách nào mà chị có thể xây dựng đội ngũ thành viên chủ chốt?

Chị nghĩ khi đã tìm ra vấn đề lớn, một thử thách để vượt qua thì một công ty được thành lập với mục tiêu bán đam mê, ước mơ và tầm nhìn của mình. Thời gian đầu bọn chị gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nguồn lực về tài chính, nhân sự. Vì không có nền tảng công nghệ nên chị cần tìm kiếm một người đồng sáng lập đảm nhiệm vị trí CTO.

Chị đã phải giành ra 6 tháng mới tìm được một người có cùng đam mê cũng như kiến thức trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Quả thực không dễ dàng chút nào. Khi đó chị tới Đức tham gia hội nghị những chuyên gia trong lĩnh vực này và chị mới tìm được 1 trong số 3000 người ở đó.

4. VJS: Trong quá trình phát triển sản phẩm, chị có gặp mâu thuẫn giữa nhân sự thuộc các lĩnh vực khác nhau hay không và làm sao mà chị có thể giải quyết bất đồng ý kiến giữa mọi người?

Chị nghĩ những mâu thuẫn như vậy luôn tồn tại. Người làm khoa học và người làm kinh tế có những cách nhìn nhận khác nhau. Nhà khoa học cần đầu tư nhiều thời gian để đạt được kết quả, nhưng trong thế giới startup, ta cần nhanh chóng đưa ra giải pháp. Khi xây dựng sản phẩm cũng cần phải có một mức độ chắc chắn nhất định để bắt tay vào việc. Trong quá trình làm việc, chị đã học cách hiểu được sự không chắc chắn của giải pháp, thử nghiệm thật nhanh về tính khả thi cũng như thời gian hoàn thiện và đưa ra quyết định.

5. VJS: Ý tưởng thành lập Elsa ra đời từ tháng 4/2015, tức là đến nay đã được 2 năm. Chị có thể tóm gọn các bước phát triển của Elsa từ ngày thành lập?

Từ tháng 4 tới tháng 6/2015, chị xây dựng một nguyên mẫu (prototype) để thử nghiệm. Từ tháng 6 tới tháng 11, ứng dụng Elsa đầu tiên trên Android được xây dựng. Đầu tháng 11, phiên bản Elsa ra đời để thử nghiệm với người dùng: từ trải nghiệm người dùng cho tới nội dung bài học và thiết kế sản phẩm, từ đó chị tiếp tục xây dựng ứng dụng trên Android.

Từ tháng 1 tới tháng 3/2016, chị bắt đầu xây dựng Elsa trên iOS. Khi tham gia cuộc thi SXSWEdu vào 3/2016 thì chị cũng chính thức đưa ra phiên bản đầu tiên của Elsa 1.0 trên iOS. Từ đó, chị nhận được phản hồi về sản phẩm và dành gần nửa cuối năm 2016 để hoàn thiện phiên bản Elsa 1.0. Tới tháng 1/2017 thì Elsa 2.0 trên Android ra đời. Elsa 2.0 đã có mặt trên điện thoại iOS vào 14 tháng 2 năm 2017.

6. VJS: Trong phiên bản 1.0, Elsa gồm có 4 chủ đề bài học. Vậy phiên bản 2.0 có những gì khác so với phiên bản trước?

Trong bản 1.0, Elsa cung cấp hơn 40 bài thuộc 4 chủ đề. Tới bản 2.0, số lượng bài học đã tăng lên rất nhiều với hơn 400 bài thuộc 12 chủ đề. Elsa 2.0 cũng mang đến thiết kế hoàn toàn khác, đưa người dùng vào hành trình khám phá.

Chị nghĩ học tiếng Anh cũng như một quá trình khám phá bản thân, khám phá thế giới. Người học sẽ đi vào vũ trụ với nhiều hành tinh và mỗi hành tinh là một kỹ năng. Đầu tiên người học có thể chọn làm bài đánh giá để biết mình cần cải thiện điều gì. Hành trình học tập sẽ được cá nhân hóa cho từng người vì kỹ năng và khó khăn mỗi người gặp phải là khác nhau.

Phiên bản mới cũng có tính năng tiến trình học tập, cho phép người học tìm từ đã học trước đó để ôn lại. Ngoài ra, Elsa phiên bản 1.0 được cung cấp miễn phí, nhưng tới phiên bản 2 sẽ xuất hiện nhiều lựa chọn phiên bản Pro. Người dùng có thể trải nghiệm Elsa 7 ngày miễn phí, sau đó trả một khoản phí nhỏ để tiếp tục mở khóa các bài học khác, mức phí khoảng 50,000VND/tháng. Những bài học trong Elsa 1.0 sẽ luôn được cung cấp miễn phí. 

Ứng dụng dạy phát âm Elsa là công cụ hữu ích cho người học tiếng Anh

7. VJS: Như chị nói, thời gian đu Elsa được cung cấp miễn phí cho người dùng. Vậy thì chị trả lương cho các thành viên cũng như duy trì bộ máy hoạt động như thế nào?

Nửa năm đầu từ 4-9/2015, chị lấy tiền cá nhân, tiền tiết kiệm để trả lương nhân viên, bản thân chị làm không lương. Sau đó chị bắt đầu gọi vốn đầu tư. Vòng đầu tiên, chị gọi vốn từ bạn bè, người thân. Tới vòng tiếp theo thì chị mở rộng sang các nhà đầu tư, từ đó có thể trả lương cho chính mình và các thành viên khác.

8. VJS: Từ ngày thành lập tới giờ, Elsa có bao nhiêu thành viên? Và vào thời điểm hiện tại, chị đã có kế hoạch tương lai gì cho Elsa?

Lúc đầu thành lập, Elsa chỉ gồm 3 người và 1 bạn contractor. Hiện tại Elsa đã có 7 người. Trong tương lai, chị sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, bổ sung tính năng mới vào mùa hè này cũng như tuyển người để mở rộng nhân sự tại Việt Nam với hai vị trí là Marketing và Phát triển kinh doanh.

Việt Nam là thị trường đầu tiên chị thử nghiệm và cũng là thị trường mà chị muốn tập trung. Ngoài ra, Elsa cũng sẽ tuyển thêm người để mở rộng và phát triển những thị trường tại các quốc gia khác. Sau 2 năm đầu ra mắt và xem liệu sản phẩm có được thị trường ưa thích hay không, Elsa sẽ tập trung phát triển sản phẩm. Vì thế 2017 sẽ là năm phát triển và tăng trưởng của Elsa, làm sao để đưa sản phẩm tới nhiều người hơn.

9. VJS: Elsa có phải ứng dụng duy nhất trên thị trường hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ không?

Đây không phải lĩnh vực mới, ứng dụng hỗ trợ học tiếng Anh trên thị trường rất nhiều. Tuy vậy, các ứng dụng này chủ yếu tập trung vào kỹ năng đọc, viết hay bổ sung từ vựng, ngữ pháp. Cũng có ứng dụng dạy nói và phát triển kỹ năng hội thoại nhưng làm sao để học nói cho đúng thì rất ít ứng dụng cung cấp.

Các ứng dụng dạy nói đa phần cho người dùng nghe YouTube hay Audio rồi tập theo nhưng điều đó chưa chắc giúp bạn nhận diện được sự khác biệt trong cách phát âm. Cần một người thầy nói cho bạn biết sai ở đâu, sửa ra sao thì từ đó việc thực hành thường xuyên mới giúp bạn nói tiếng Anh giỏi hơn.

10. VJS: Theo em được biết, Elsa sử dụng công nghệ AI, vậy chị đã khai thác và vận dụng sử dụng AI ra sao để phát triển sản phẩm?

Core Engine của Elsa hoàn toàn là AI, sử dụng kỹ thuật nhận diện giọng nói. Nghe càng nhiều thì máy càng dễ nhận ra lỗi sai. Đương nhiên Elsa cũng có khi nghe không chính xác, có thể do nhiều âm thanh nhiễu, hoặc với các âm không phổ biến thì có khả năng máy khó nhận diện. Chị vẫn sử dụng Machine Learning để dạy máy nhận diện chính xác hơn. Bên cạnh đó, càng nhiều người sử dụng và tập luyện thì Elsa cũng nhận diện tốt hơn.

11. VJS: Từ khi bắt đầu xây dựng Elsa cho tới khi kêu gọi vốn, phát triển sản phẩm thì chị gặp những khó khăn gì?

Đối với chị, khó khăn lớn nhất là về công nghệ. Chị không chỉ xây dựng một ứng dụng đơn giản với một kỹ sư bình thường. Elsa cần người có những kỹ năng liên quan tới AI, Machine Learning và nhận diện giọng nói.

Khó khăn thứ 2 là việc giới thiệu công nghệ mới. Không cần biết việc xây dựng khó khăn bao nhiêu, chỉ cần ứng dụng chấm sai là người dùng sẽ không muốn học nữa. Vì vậy làm sao để Elsa xây dựng lòng tin ngay từ bước đầu thực sự là một thử thách. Tuy vậy thì xây dựng điều gì đó mới luôn là thử thách, không có sự chắc chắn nhưng cũng vô cùng thú vị khi là người đi đầu. 

 

Elsa vượt qua 1200 đối thủ để giành giải nhất tại SXSWedu

12. VJS: Mọi người hay nói rằng người làm startup không phải với mục tiêu kiếm nhiều tiền mà muốn thay đổi thế giới, làm cuộc sống tốt đẹp hơn, dù chưa biết có nhận được gì sau những công sức mình bỏ ra hay không. Còn đối với chị thì động lực lớn nhất khi xây dựng Elsa là gì?

Kiếm tiền có rất nhiều cách, nhưng startup là cách tệ nhất. Đa phần mọi người đều không đến với startup vì làm giàu, tuy có những câu chuyện thành công nhưng con số đó rất ít. Mỗi người đến với startup đều có 1 giấc mơ của mình. Chị quan tâm tới giáo dục và muốn làm sao con người có thể phát triển toàn bộ tiềm năng của họ.

Dựa trên trải nghiệm cá nhân, chị thấy nhiều người gặp trở ngại vì không thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Họ bỏ lỡ nhiều cơ hội chỉ vì không thể sử dụng tiếng Anh tốt và như thế rất không công bằng. Ở Việt Nam, nhiều khi nhà tuyển dụng không quan tâm bạn thông minh hay không và người có tiếng Anh tốt hơn sẽ là người có được cơ hội. Chị tin rằng mọi người đều nên có cơ hội ngang nhau và chị hy vọng Elsa sẽ giúp các bạn đến gần hơn với những cơ hội ấy.

13. VJS: Trở lại điểm khởi đầu một chút, được biết là trong quãng thời gian học MBA tại Stanford, chị bắt đầu nhen nhóm những ý tưởng làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Chị có thể chia sẻ thêm được không ạ?

Chị theo học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh nhưng khi đến Stanford, chị phát hiện ra mình cũng rất yêu thích giáo dục. Khi học ở Standford chị mới nhận thấy một nền giáo dục tốt sẽ tạo ra khác biệt lớn thế nào cho một con người. Nhìn các bạn được thụ hưởng một môi trường tốt như vậy, chị mới vỡ ra rằng họ giỏi hơn vì họ được giáo dục thực sự tốt, ngay từ những thứ nhỏ nhất.

Đó là lúc chị bắt đầu nghĩ phải chăng mình làm được một cái gì đó cho giáo dục Việt Nam. Chị cũng là người sống từ nhỏ tới lớn và học trong nền giáo dục ở Việt Nam, chị cũng cảm thấy trăn trở là tại sao mình lại không có những cơ hội như vậy.

Cho nên chị bắt đầu học thêm một bằng thứ 2 tại Stanford về Thạc sĩ giáo dục. Chị học 2 năm và 2 bằng cùng một lúc.

14. VJS: Chị sắp xếp lịch học như thế nào khi học song song 2 bằng như vậy?

Khi học như thế, chị phải xếp các học phần vào một cuốn lịch, cân nhắc giờ giấc lên lớp, các lớp chỉ có kỳ này mà không có ở kỳ sau… Có những ngày chị học từ 8 giờ sáng tới 9 giờ tối. Có ngày nhẹ nhàng hơn nhưng thường thì chị lấy số lớp gấp rưỡi các bạn.

Nghe thì vất vả nhưng nếu các bạn thích thì cũng làm được thôi. Quan trọng là các bạn muốn làm và sau đó chỉ cần học cách sắp xếp thời gian biểu của mình cho tốt. Làm thế nào để mình vẫn cân bằng mọi thứ trong cuộc sống. Ai cũng cần ăn uống, nghỉ ngơi, gặp bạn bè… Nhưng đương nhiên là các bạn sẽ phải hi sinh một chút.

15. VJS: Khi chị học ở Mỹ, chị thấy môi trường giáo dục ở đây đem lại những khác biệt gì so với các môi trường khác. Nếu các bạn sinh viên muốn thành công trong môi trường học tập ở Mỹ thì cần rèn luyện và tích lũy những kỹ năng gì?

Thứ nhất là khả năng suy nghĩ độc lập. Quan trọng là các bạn phải nói lên được ý kiến và ý tưởng của mình. Các bạn càng có khả năng suy nghĩ độc lập, để đưa ra được ý tưởng của chính mình, các bạn sẽ càng học hỏi được nhiều.

Ở đây không có câu trả lời đúng hay sai bởi nếu vậy tức là vấn đề đó đã có câu trả lời và bạn không phải là người đầu tiên nghĩ ra. Để là một người nổi trội hơn mọi người, bạn phải là người đầu tiên đưa ra những ý tưởng để giải quyết vấn đề.

Cho nên, khả năng suy nghĩ độc lập rất quan trọng. Các bạn nên nhớ rằng câu trả lời là do các bạn đưa ra chứ không phải thầy giáo. Ở Việt Nam thì câu trả lời của bạn luôn phải phù hợp với giáo viên và cả lớp. Khi thầy giáo nói “Đúng” thì điều đó là đúng, không có nhiều cơ hội cho bạn tranh luận về điều đó nữa. Điều này cũng có thể đúng, trong trường hợp thầy giáo đưa ra cho bạn một vấn đề ông ấy từng giải quyết rồi.

Thứ hai, môi trường giáo dục Mỹ kích thích sự sáng tạo. Bởi không hề có một câu trả lời mặc định nào, các bạn được tự do suy nghĩ. Dù câu trả lời có thể đúng hay sai thì quá trình suy nghĩ cùng rèn luyện và kích thích khả năng sáng tạo của các bạn mà bạn chưa từng nghĩ mình có.

Cuối cùng là về kỹ năng mềm. Chị nghĩ rằng ở Mỹ các bạn cũng sẽ được rèn luyện rất nhiều. Chẳng hạn như lấy một ví dụ về thái độ tự giác. Trong một kỳ thì hay một bài kiểm tra ở lớp, nhiều khi không có người giám thị. Các bạn được tự do làm mọi thứ, chỉ có quy định không được sử dụng tài liệu, nghĩa là mọi người không sử dụng tài liệu. Không sử dụng điện thoại, mọi người cũng sẽ tự giác không sử dụng điện thoại.

Chỉ một điều nhỏ bé như vậy nhưng lại rất quan trọng trong việc rèn luyện thái độ. Khi ra trường, đối mặt với cuộc sống và đời thực, sẽ không có ai giám sát các bạn mỗi ngày. Bởi vậy, thái độ tự giác của các bạn với công việc có vai trò rất quan trọng. Các bạn rèn luyện điều này càng sớm thì càng có lợi cho công việc và cuộc sống.

Chị thấy nhiều người trẻ Việt Nam ít có tinh thần tự giác. Họ luôn cần phải có cấp trên giám sát và giao việc. Cấp trên lại là người nói rằng việc này đúng việc này sai và có làm hay không. Các bạn sẽ không còn chịu trách nhiệm cho chính việc mình làm nữa. Thái độ tự giác và trách nhiệm là hai thứ mà người Việt trẻ thiếu, bởi môi trường giáo dục không rèn luyện sớm những đức tính này cho các bạn.

16. VJS: Trong những năm còn học ở Stanford, bên cạnh công việc với Elsa, chị cũng thành lập một quỹ học bổng mang tên Vietseeds. Chị có thể chia sẻ ý tưởng và quá trình xây dựng Vietseeds được không ạ?

Chị thành lập Vietseeds từ năm cuối tại Stanford. Đó là khoảng thời gian chị có lớp học về quản lý tổ chức phi lợi nhuận. Cùng thời điểm đó, chị cũng đã ấp ủ ý muốn thành lập một dự án phi lợi nhuận về giáo dục.

Trước đó, chị từng tham gia nhiều dự án, nhưng chưa bao giờ thực sự tự mình xây dựng một tổ chức. Cho nên, chị lấy lớp quản lý cũng để thầy giúp mình hiểu về các bước lên kế hoạch xây dựng một tổ chức. Hết kỳ cuối ở Stanford là đến mùa hè. Thay vì đi làm ngay, chị nghỉ 5 tháng để thành lập Vietseeds.

Vietseeds bắt đầu từ một ý tưởng rằng chị tin mọi người đều nên có một cơ hội bình đẳng để phát huy tối đa tiềm năng của mình. Chẳng hạn như mỗi kỳ tuyển sinh đại học, báo chí lại có bài nói về những bạn học sinh đỗ đại học nhưng gia đình quá khó khăn nên không có cơ hội để theo đuổi ước mơ.

Ở Việt Nam hồi xưa, chi phí học đại học chỉ 4 triệu, tương đương 200 USD/năm. Chị nghĩ với số tiền nhỏ như vậy mà để phí cả một ước mơ lớn thì thật là uổng. Trong khi trên thế giới, có rất nhiều người có dư 200 USD để giúp đỡ người khác, chỉ có điều họ chưa biết cách sử dụng số tiền đó. Thế nên, chị lập ra Vietseeds để giải quyết vấn đề này.

Các em đã có tiềm năng sẵn và Vietseeds chỉ thêm vào một chút xíu cơ hội. Như vậy thì đủ cho các em thay đổi cuộc đời, không những của chính mình mà còn cả gia đình và thế hệ sau. Chỉ 200 USD nhưng được sử dụng như vậy sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn.

Năm đầu chị thử một mô hình với 10 em sinh viên. Bởi chị chỉ muốn thử nghiệm xem mô hình này có phù hợp hay không. 5 tháng ở nhà chị chọn 10 em đậu đại học nhưng không có tiền, sau đó chị kiếm 10 nhà tài trợ và kết nối hai nhóm lại với nhau.

Đó là khởi đầu của Vietseeds. Tháng 10 năm ấy, 10 em sinh viên đầu tiên bắt đầu vào kỳ học thì tháng 11 chị mới bắt đầu đi làm. Bây giờ thì Vietseeds đã trải qua 6 năm, con số sinh viên được nhận học bổng mỗi năm đã lên đến 200 em.

Mối quan tâm tới giáo dục thúc đẩy Văn Vũ xây dựng nên Elsa và Vietseeds

17. VJS: Tới thời điểm hiện tại, chị vẫn song song quản lý cả 2 dự án?

Trước đây chị được 2 chị bạn ở Việt Nam hỗ trợ hoạt động, còn chị làm chính ở bên Mỹ. Sau do công việc nhiều quá, chị có nhờ anh Vũ Duy Thức làm người đồng sáng lập (co-founder) cho Vietseeds cùng chị từ năm 2012. Nhóm ở Việt Nam cũng dần dần xây dựng, điều hành hoạt động ở Việt Nam, tổ chức các buổi tư vấn... còn chị quản lý từ xa, lên kế hoạch từng năm, xin tài trợ hoặc xử lý các trường hợp khó mà những thành viên khác chưa giải quyết được.

18. VJS: Là một người phụ nữ thành công trong cả học tập, giáo dục và kinh doanh. Chị có lời khuyên nào cho các bạn nữ trên con đường theo đuổi đam mê không ạ?

Chị nghĩ rằng các bạn nữ nên tự thách thức mình thêm một chút, dám mơ lớn một chút. Là phụ nữ thường có nhiều trách nhiệm về gia đình, đến một lúc nào đó các bạn nghĩ rằng dừng tại đây là đủ rồi. Dĩ nhiên đó là quyết định của mỗi người, nhưng tại sao các bạn không dám đưa ra ước mơ của mình và theo đuổi ước mơ ấy, thay vì để mọi người khác đặt ước mơ lên vai bạn.

Chị thấy các bạn nữ ở Việt Nam, mặc dù có rất nhiều tiềm năng, nhưng do áp lực của gia đình, xã hội mà nhiều khi theo đuổi một ước mơ mà không phải của mình.

Điều thứ hai nữa là bạn phải biết ước mơ của mình là gì. Nhiều khi các bạn không biết, nên chỉ sống theo một con đường mà xã hội đã đặt ra, nhiều lúc cũng quên không dành thời gian cho bản thân để tìm hiểu đó có phải điều mà mình thực sự mơ ước không. 

Chân dung người phụ nữ tài năng Văn Đinh Hồng Vũ

Thứ ba, một khi bạn đã có ước mơ rồi thì nên chia sẻ nó với người khác. Đó là một cách để tự mình nhắc nhở mình, và người khác cũng nhắc bạn nhớ và theo đuổi ước mơ ấy.

Ngày xưa chị muốn đi học MBA, gặp ai chị cũng nói rằng 2 năm tới chị sẽ phải đi học. Chị nói với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp rồi cả sếp. Đó không phải ước mơ dễ dàng gì nhưng khi mình nói với người khác thì họ sẽ giúp đỡ mình nhiều. Hồi đó, thỉnh thoảng bạn chị lại nhắc “Kế hoạch đi học làm sao rồi?”. Chị mới sực nhớ lại là nhiều thứ mình chưa hoàn thành hết. Cũng phải có người nhắc nhở nếu không để một mình mình sẽ bị cuốn theo nhiều điều khác.

Tiềm năng thì ai cũng có, chỉ là các bạn có muốn hiện thực hóa tiềm năng của mình hay không thôi.

VJS chân thành cảm ơn chị!

 

Thực hiện:

Mai Lâm, Virginia Polytechnic Institute and State University.

Thúy Nguyễn , Vietnam Journal of Science.

Thanh Long, Vietnam Journal of Science.