WORKSHOP CÔNG BỐ KHOA HỌC TRÊN TẠP CHÍ QUỐC TẾ  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Như nhiều người tham dự đã nhận xét rằng buổi hội thảo rất thú vị và hữu ích, vì vậy, để giúp cho những bạn không có điều kiện tham dự có thể nắm được nội dung chính của cuộc workshop, chúng tôi xin tường thuật lại những nội dung cơ bản và rất cần thiết cho một người nghiên cứu. Đầu tiên chúng tôi sẽ thuật lại phần trình bày của hai diễn giả, sau đó là phần thảo luận nhóm, cuối cùng là kết quả khảo sát về sự đánh giá của người tham dự đối workshop của chúng tôi. Những ý kiến đóng góp của các bạn là động lực để chúng tôi không ngừng nỗ lực để phục vụ cho khoa học nước nhà.

 

Phần trình bày của GS Trương Nguyện Thành về chiến lược phát triển khoa học cá nhân và quy trình công bố bài báo khoa học

Phần trình bày của GS Trương Nguyện Thành gồm có hai phần: Chiến lược phát triển khoa học cá nhân và Quy trình công bố bài báo khoa học. Phần chiến lược phát triển khoa học cá nhân là phần thuộc về nhà nghiên cứu. Để bắt đầu cho sự nghiệp khoa học, nhà nghiên cứu phải tự đánh giá về thị trường lao động của mình, hiện trạng và viễn cảnh khoa học của ngành học của mình để từ đó chọn hướng đi và đề tài nghiên cứu cho phù hợp với xu thế. Vì vậy, GS. Thành khuyên chúng ta nên tự đánh giá bản thân mình theo khung phân tích SWOT (ưu điểm, nhược điểm, cơ hội và thách thức). Việc đánh giá này giúp cho nhà nghiên cứu nhìn rõ hơn về nội lực của bản thân và những điều kiện xã hội bên ngoài. Chúng ta càng phân tích và đánh giá một cách rõ ràng, cụ thể, chúng ta càng xác quyết với bản thân về hướng đi trong nghiên cứu. Tuy nhiên, việc đánh giá này không phải cố định mà phải điều chỉnh khi có sự thay đổi của hoàn cảnh cá nhân và môi trường xã hội.

Trong quá trình nghiên cứu, GS Thành nhắc chúng ta phải lưu tâm đến những kết quả nghiên cứu mới, những nghiên cứu của đối thủ - có nghĩa là một nhóm nghiên cứu khác cùng nghiên cứu một vấn đề giống như chúng ta - và so sánh kết quả nghiên cứu của chúng ta với kết quả nghiên cứu của họ để điều chỉnh mục tiêu và lộ trình sao cho phù hợp.

Sau khi có kết quả nghiên cứu, nhà nghiên cứu phải nghĩ đến tiềm năng ứng dụng, đến tài sản trí tuệ (bằng sáng chế, bản quyền), có thể tổ chức họp báo hay tham gia các hội nghị khoa học chứ không chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất là công bố kết quả nghiên cứu bằng bài tạp chí. GS. Thành nhắc chúng ta rằng phải luôn nghĩ đến thương hiệu của cá nhân và của nhóm nghiên cứu và luôn đưa công trình nghiên cứu lên mức cao nhất có thể. Khi công bố kết quả nghiên cứu bằng bài tạp chí, chúng ta không nên công bố toàn bộ kết quả trong một bài nghiên cứu mà phải chia thành nhiều bài báo mà mỗi bài báo là một kết quả nghiên cứu. Khi làm nghiên cứu thì mục tiêu quan trọng là tạo thương hiệu cho chính bản thân và cho nhóm nghiên cứu của chúng ta. Khi có thương hiệu, chúng ta sẽ có khả năng xin kinh phí cho những đề tài khác trong tương lai. Đó là những kinh nghiệm hết sức quý báu.

Trong phần Quy trình công bố bài báo quốc tế, GS. Thành cho rằng khâu quan trọng nhất là khâu xét duyệt, qua khỏi khâu này thì bài nghiên cứu có khả năng được đăng rất cao. Đứng ở góc độ của một người bình duyệt có kinh nghiệm, GS. Thành chia sẻ rằng nhà nghiên cứu cần có những kịch bản nhằm đáp ứng nhu cầu của người bình duyệt. Thông thường tiêu chí đánh giá của một người bình duyệt là giá trị đóng góp, tính sáng tạo, chất lượng của quy trình nghiên cứu, phân tích và trình bày kết quả và cuối cùng là tầm ảnh hưởng của bài báo. Ở góc độ tạp chí, người tổng biên tập sẽ xem bài viết của chúng ta có phù hợp với thị hiếu của độc giả tạp chí hay không.

 

(Quy trình bình duyệt của GS.TS. Trương Nguyện Thành)

Để vượt qua khâu xét duyệt này, GS. Thành chia sẻ rằng nhà nghiên cứu nên xây dựng kết quả nghiên cứu của mình như một kịch bản khoa học mà cốt truyện của nó phải làm sao thu hút, lôi cuốn, gây chú ý cho những người xét duyệt. Giáo sư chia sẻ “không phải bài báo có nhiều thông tin là bài  báo tốt nhất. Người bình duyệt đánh giá vào kịch bản chứ không phải lượng thông tin”. Đây là điều rất quan trọng mà nhà nghiên cứu Việt Nam phải hết sức chú ý vì bấy lâu nay chúng ta chỉ thích thú với những gì chúng ta quan tâm chứ không chú ý đến nhu cầu của người đọc. Vì vậy, khi chấp bút bạn phải tự mình trả lời bốn câu hỏi sau: (1) Bạn muốn bài báo này đạt được điều gì? (2) Câu chuyện mà bạn muốn viết là gì? (3) Tại sao người khác phải quan tâm đến nó? (4) Người quan tâm đó là ai?. Chừng nào chưa trả lời xong những câu hỏi đó bạn đừng bắt đầu viết nhé. Ba phần quan trọng gây chú ý đến người bình duyệt là tóm tắt, giới thiệu và kết luận. Vì vậy, chúng ta phải viết các phần này sao cho thật hấp dẫn người đọc.

Cuối cùng, GS. Thành cung cấp cho chúng ta một địa chỉ rất hữu ích cho hầu hết nhà nghiên cứu là iVAnet.org (International Vietnamese Academics Network) mà Giáo sư là người sáng lập để hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu khi viết bài báo khoa học.

 

 

Phần trình bày của PGS.TS Lê Thị Lý về các kỹ năng viết bài và công bố khoa học

Vào buổi chiều, PGS Lê Thị Lý trình bày về các kỹ năng viết bài và công bố khoa học. Khác với GS. Thành, PGS. Lý đứng ở góc độ của một nhà nghiên cứu Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm với người tham dự. Bài trình bày chia làm ba phần: phần đầu nói về cách chuẩn bị và trình bày dữ liệu, phần tiếp theo hướng dẫn cách viết một bài báo khoa học và một số thủ tục cần thiết cho nhà nghiên cứu trong quy trình công bố bài báo khoa học.

Phần trình bày của PGS. Lý đi vào chi tiết trong một bài báo để sao cho một bài báo khoa học có thể hoàn thiện và chỉnh chu về cả nội dung lẫn hình thức. Vì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ bản xứ nên việc sử dụng ngôn ngữ khoa học bằng tiếng Anh để viết bài báo khoa học là thách thức đối với nhà nghiên cứu. Vì vậy, PGS. Lý hướng dẫn rất cụ thể về cách sử dụng văn phong, ngữ pháp, mẫu câu, từ vựng tiếng Anh trong một bài báo khoa học. Đây là những kiến thức hết sức thiết thực và bổ ích cho một nhà nghiên cứu Việt Nam.

Sau khi hoàn thành bài báo, nhà nghiên cứu bắt đầu suy nghĩ đến việc sẽ đăng bài báo của mình ở đâu. Dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng muốn công bố bài báo của mình trên một tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao. Nhưng việc công bố ở đâu, trước hết, về phía bản thân, chúng ta phải biết lĩnh vực và phạm vi nghiên cứu của bài báo của mình, khả năng tài chính (phí thủ tục cho tạp chí), sau đó chọn ra vài tạp chí phù hợp, xem xét tầm ảnh hưởng và phạm vi nghiên cứu của từng tạp chí đó để tìm một tạp chí phù hợp. Ngoài ra, trong tài liệu, PGS. Lý có cung cấp cho chúng ta những Cover letter mẫu, Response to Editor and Reviewers mẫu để tham khảo.

Trong quá trình trình bày, PGS. Lý chia sẻ con đường nghiên cứu là một con đường lâu dài, cần nhiều tâm sức của nhà nghiên cứu. Khi chúng ta muốn trở thành một nhà nghiên cứu, tạo thương hiệu cho mình, chúng ta phải đọc rất nhiều, nhất là những tạp chí có liên quan đến hướng nghiên cứu cá nhân để cập nhật thông tin, theo dõi xu hướng và quen với “gu” của tạp chí đó. Ngoài ra, chúng ta nên chủ động tìm cơ hội để được làm việc với các giáo sư giỏi nhằm học hỏi những “kiến thức mềm”, những kiến thức các bạn chỉ có thể có được khi làm chung trong nhóm nghiên cứu.

Phần thảo luận

            Phần thảo luận diễn ra trong 60 phút cuối workshop.  Các học viên tham dự workshop được chia thành bốn nhóm dựa theo chuyên ngành.  Mỗi nhóm được hướng dẫn bởi các Phó giáo sư, các Tiến sĩ dày dạn kinh nghiệm, bao gồm

Nhóm Khoa học sự sống (Sinh học, Hóa học, Y học, khoa học sức khỏe): PSG.TS. Nguyễn Thị Huệ - Khoa Sinh học-CNSH – ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia TPHCM và TS.Trần Minh Tuấn – Khoa Bệnh cây - University of Wisconsin-Madison

Nhóm Môi trường:  TS. Phạm Thị Hoa – Khoa CNSH – ĐH Quốc Tế-ĐH Quốc gia TPHCM

Nhóm Kỹ thuật: PGS.TS. Lê Văn Cảnh – Bộ môn Kỹ thuật Xây dựng – ĐH Quốc Tế-ĐH Quốc gia TPHCM

Nhóm Khoa học Xã hội (Kinh tế, Tài chính, Giáo dục): TS. Mai Ngọc Khương – Khoa Quản trị Kinh doanh – ĐH Quốc Tế-ĐH Quốc gia TPHCM và TS. Trần Hạnh Minh Phương – ĐH Thủ Dầu Một

Các cuộc thảo luận chủ yếu xoay quanh hai vấn đề chính: (i) làm gì khi kết quả thí nghiệm không như mong đợi? (ii) làm thế nào để tiếp cận với các nguồn tài trợ trong và ngoài nước? (iii) Tiếp cận các tài liệu nghiên cứu, các thông tin về các workshop và hệ thống các tạp chí như thế nào?.

Nhóm Khoa học Sự sống là nhóm thảo luận đông nhất, với các học viên đến từ rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước. Trong vấn đề đầu tiên là chúng ta sẽ làm gì khi kết quả thí nghiệm không đúng với giả thuyết ban đầu. Các ý kiến trao đổi như sau: trước tiên cần xem xét lại quy trình và thao tác thí nghiệm, nếu được cần lặp lại thí nghiệm. Sau khi đã xem xét và lặp lại mà vẫn ra kết quả như cũ, cần chuyển hướng suy nghĩ, nhìn nhận lại giả thuyết ban đầu. Ở vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thị Huệ có chia sẻ về kinh nghiệm khi nghiên cứu về tần số của một số đột biến gây bệnh thương hàn ở Việt Nam do nhóm nghiên cứu của cô thực hiện. Mặc dù, ban đầu giả thuyết các tần số này tương tự Trung Quốc, nhưng kết quả lại có những đột biến có tần số rất thấp hoặc không xuất hiện ở quần thể Việt Nam. Nhưng PGS. Huệ không  coi đây là một thất bại, mà có thể đây là một phát hiện mới, đặc trưng cho người Việt Nam, và có thể làm cơ sở để chẩn đoán riêng cho người Việt Nam. Một nghiên cứu khác tìm kiếm các yếu tố di truyền nhạy hay kháng với thương hàn ở người VN nhằm cung cấp thông tin cho việc phát triển vaccine. Nghiên cứu này kéo dài 11 năm và kết quả này đã được đăng trên tạp chí Nature Genetics. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam không còn tiếp tục hướng nghiên cứu sử dụng thông tin về các đột biến này để phát triển vaccine nữa vì dịch thương hàn hầu như đã bị dập tắt; nhưng các nghiên cứu này vẫn được tiến hành để cung cấp thông tin cho việc phát triển vaccine đặc trưng cho từng nước khác nhau. Vì vậy, PGS. Huệ cho rằng một người nghiên cứu chuyên nghiệp cần có tâm lý sẵn sàng cho những hướng rẽ khác nhau. Nếu chẳng may rơi vào tình trạng đó, người nghiên cứu hãy nhìn nhận việc chuyển hướng là để có thêm một bài học mới.

Hai là vấn đề xin kinh phí nghiên cứu. Một ý kiến cho rằng nên hợp tác với các nhóm nghiên cứu ở Nhật hoặc các nước phát triển, vì Việt Nam được lợi thế về lượng mẫu và nhân lực. PGS. Huệ chia sẻ thêm rằng để xin kinh phí tài trợ nghiên cứu điều quan trọng nhất để quyết định đề tài có được tài trợ kinh phí nằm ở tính ứng dụng thực tiễn của đề tài. Vì vậy, trong phần thuyết minh đề cương để xin kinh phí nghiên cứu cần ghi thêm phần chỉ ra rõ những ứng dụng thực tế sau một hai nghiên cứu tiếp theo trong tương lai. TS. Tuấn chia sẻ rằng chúng ta nên tìm những nhóm có hướng nghiên cứu tương đồng (có P.I uy tín) rồi đề nghị hợp tác và sẵn sàng viết đề cương gửi cho nhóm nghiên cứu đó để xin tài trợ nghiên cứu, đồng thời nêu rõ những gì nhóm mình có thể làm được. Nếu được chấp nhận, chúng ta sẽ tận dụng được uy tín của nhóm nghiên cứu đó, đồng thời do nghiên cứu được thực hiện và đánh giá ở nhiều lab khác nhau nên kết quả nghiên cứu bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau và toàn vẹn hơn.

Nhóm Môi trường cũng thảo luận rất sôi nổi về các vấn đề trên dưới một cách tiếp cận khác. Nhóm được chia thành vài nhóm nhỏ để tất cả các học viên đều có thể chia sẽ kinh nghiệm với nhau. Những ý kiến đóng góp được các thành viên nêu ra có sự đa dạng và cũng có những tương đồng nên rất bổ ích và cũng gần gũi, không quá khó thực hiện đối với từng người trong nhóm.

Với nhóm kỹ thuật, nội dung thảo luận rộng hơn, bao gồm thêm các vấn đề như chiến lược đăng bài ở các tạp chí chuyên ngành ISI, làm gì khi bài báo bị từ chối, nghiên cứu sinh có nên chủ động đăng bài trên các tạp chí hay để thầy hướng dẫn chỉ đạo việc nộp bài, cách viết proposal xin fund của quỹ Nafosted, đối với ngành Computer Science thì sức nặng của bài báo tham dự conference so với bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành như thế nào v.v. Rất nhiều khía cạnh thú vị khác liên quan đến nghiên cứu và xuất bản đặc trưng cho chuyên ngành Kỹ thuật đã được đưa ra phân tích, tạo nhiều hứng thú cho người tham gia.

Nhóm Khoa học Xã hội thảo luận về những vấn đề như cấu trúc của một bài báo khoa học trong các ngành khoa học xã hội, các phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội hiện nay, những người mới bước chân vào nghiên cứu nên bắt đầu từ đâu và cách tìm kiếm tài liệu và những tạp chí dành cho khoa học xã hội. Một số thông tin được cung cấp trong buổi thảo luận gồm có: về vấn đề tài liệu, để tham khảo kết quả nghiên cứu của các luận án, các bạn có thể tìm ở https://oatd.org/. Trang web này chứa toàn bộ các luận án với công cụ dò tìm như google, để tìm kiếm bạn có thể gõ vào các từ khóa. Thông tin về các hội thảo trên toàn thế giới, các bạn có thể tìm ở http://www.conferencealerts.com/. Về hệ thống các tạp chí có uy tín, các bạn có thể tìm ở https://scholarlyoa.com/ hay https://doaj.org/. . Đối với các ngành khoa học xã hội, các bạn có thể tìm tại http://ip-science.thomsonreuters.com/cgi-bin/jrnlst/jloptions.cgi?PC=SS hay http://www.scimagojr.com/journalrank.php?area=3300

Nhìn chung buổi thảo luận được các học viên đánh giá cao. Thời gian 60 phút thảo luận khá ít ỏi khi còn rất nhiều ý kiến chưa được bàn luận xong. Tuy nhiên, nó cũng đủ để tạo được những cầu nối giữa các cá nhân từ các đơn vị khác nhau, khi họ tìm được ý tưởng, hướng nghiên cứu chung và bắt đầu tạo mối liên lạc với nhau.  Phần lớn các học viên cho rằng cần có thêm thời gian cho phần thảo luận. VJS ghi nhận đóng góp này và sẽ điều chỉnh chương trình cho hợp lý hơn cho các workshop lần sau.

Kết quả Survey

            Khi kết thúc buổi làm việc, chúng tôi có phát cho người tham dự một bản khảo sát về workshop. Chúng tôi thu về được 85 phiếu đánh giá. Dựa trên ý kiến của các bạn cho câu hỏi: nếu VJS tiếp tục tổ chức các khóa học, bạn hy vọng sẽ bao gồm những nội dung gì?, chúng tôi có kết quả như sau:

 

Kết quả trên cho thấy nhu cầu của các bạn về kỹ năng nghiên cứu rất lớn. Ở phần ý kiến này, VJS xin gợi ý cho các bạn đọc thêm một vài kỹ năng đã được viết tại chuyên mục Career của Vietnam Journal of Science http://www.vjsonline.org/career. Chúng tôi sẽ viết về các kỹ năng mà các bạn đề xuất trong thời gian tới.

Các ý kiến về việc tăng thời gian cho workshop để tăng thời gian thực hành, thảo luận cũng như việc tổ chức các workshop cho từng chuyên ngành và hướng dẫn sử dụng thành thạo các phần mềm về xử lý dữ liệu như phần mềm thống kê SPSS hay R, phần mềm xử lý định tính và làm tài liệu tham khảo như Nvivo, Endnote, Mendeley đã được chúng tôi ghi nhận và sẽ sắp xếp trong thời gian tới. Một số ý kiến cho rằng chúng tôi nên tổ chức ở các trường đại học. Đây là một ý kiến rất hay, chúng tôi sẽ đưa các workshop này về các trường đại học để tăng cường sự kết nối giữa giảng dạy, nghiên cứu và công bố khoa học trên tạp chí trong tương lai.

Kinh nghiệm cho các workshop tiếp theo

Về khâu tổ chức, chúng tôi sẽ chú ý hơn về tài liệu cho workshop, khâu kỹ thuật cũng như khâu phục vụ. Dựa trên nhu cầu của các bạn, trong thời gian tới, VJS sẽ tiếp tục mở những buổi workshop để phục vụ các bạn. Trong những lần tổ chức tiếp theo, chúng tôi sẽ thu thập kỳ vọng của các bạn về buổi workshop và gửi đến diễn giả trước khi workshop diễn ra để đáp ứng sát sao nhu cầu của các bạn. Xin chân thành cám ơn sự nhiệt tình và ủng hộ của các bạn.

 

Tác giả : Vũ Thị Thu Thanh, Trần Ngọc Ánh Mai, Đặng Thị Lan Anh, Phạm Vân Kim Ngọc, Trang Nguyen, Trần Hạnh Minh Phương