Hạt vi nhựa và sự ảnh hưởng lên môi trường  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Tác giả: Vương Ngọc Thảo Uyên

Vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm [2]. Nguồn gốc của vi nhựa có thể từ các vật phẩm nhựa lớn hơn bị vỡ nhỏ ra nhưng chủ yếu từ các mặt hàng tiêu dùng chứa hạt microbead như kem đánh răng, xà phòng, sữa rửa mặt tẩy tế bào chết. Các hạt này theo đường thoát nước đổ ra suối, sông và cuối cùng tập trung ra biển [1].Với số lượng thải ra môi trường ngày càng tăng một cách đáng kể, các hạt nhựa gây nên hậu quả nghiêm trọng: hiện tượng ô nhiễm rác thải vi nhựa.

Sự hiện diện của vi nhựa trong đại dương đã được phát hiện vào đầu những năm 1970, nhưng mãi đến năm 2004, các nhà khoa học mới tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về sự phân bố và tác động của hạt vi nhựa. Tiên phong là nghiên cứu của nhà sinh học biển Richard Thompson. Nhằm mô tả các hạt nhựa nhỏ và phân biệt chúng với các mảnh vụn nhựa lớn như lưới đánh cá, chai nhựa và bao nilon, các nhà nghiên cứu đã gọi các hạt nhựa này là “vi nhựa”. Những tác hại đến môi trường và phạm vi phân bố rộng rãi của hạt vi nhựa đã thôi thúc các nhà khoa học mở rộng nghiên cứu về tính chất, mức độ ô nhiễm và tác động của vi nhựa vào các chu trình tự nhiên, hệ sinh thái và sinh vật của Trái Đất.

Kết quả nghiên cứu đã gây chấn động giới khoa học. Trong 14 năm qua, các nhà nghiên cứu đã ghi chép và tìm hiểu các loại vi nhựa trên toàn cầu, mở rộng hiểu biết về nguồn gốc, tiến trình, tác hại của hạt vi nhựa và các hóa chất cấu tạo nên chúng. Hằng năm, nhiều nghiên cứu cho thấy vi nhựa gây ô nhiễm các đại dương trên thế giới, ảnh hưởng tiêu cực lên các loài sinh vật biển ở mọi cấp độ của chuỗi thức ăn, từ Bắc cực đến Nam cực, từ mặt biển đến đáy biển. Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu đã mở rộng phạm vi tìm hiểu, không chỉ ở đại dương mà còn cả môi trường nước ngọt và đất liền. Điều này đóng vai trò rất quan trọng, theo ước tính khoảng 80% nguyên nhân gây ô nhiễm rác thải vi nhựa trong đại dương bắt nguồn từ đất liền, sau đó được dẫn ra sông và lan ra biển [2]. Quá trình nghiên cứu, thu thập kiến thức về tiến trình và tác hại của vi nhựa đối với môi trường đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp giữa lĩnh vực khoa học biển và nhiều lĩnh vực liên quan khác.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã thử nghiệm và chứng minh sự ảnh hưởng của vi nhựa lên các loài động vật nước ngọt, động vật không xương sống và một số loài cá. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn còn mới, hầu hết tập trung vào hệ sinh thái nước ngọt và các sinh vật, nhằm mục đích hiểu rõ hơn ảnh hưởng của vi nhựa đến môi trường và đối với động vật ở góc nhìn tổng quát. Do sự đa dạng của hệ sinh thái nước ngọt và các chủng loài cá, các nhà nghiên cứu phải đặt ra những mục tiêu chuyên biệt để tìm hiểu về tiến trình và tác động của vi nhựa trong mỗi hệ sinh thái riêng biệt.

Nghiên cứu về tác động của vi nhựa thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn đối với môi trường đất liền, có rất ít công trình nghiên cứu được thực hiện nhằm định lượng nồng độ vi nhựa trong đất, bụi (trong sinh hoạt và giao thông), bụi phóng xạ trong khí quyển và những cá thể chim trên cạn. Nghiên cứu cho thấy vi nhựa có thể được lan truyền trong khí quyển và là con đường quan trọng trong việc lan truyền ra toàn cầu [2]. Nhằm mục đích dự đoán tác động của vi nhựa lên môi trường hoang dã, một vài nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nuôi côn trùng, giun tròn và giun đất trong môi trường tiếp xúc với vi nhựa để theo dõi những ảnh hưởng của vi nhựa lên môi trường đất, thói quen ăn uống và tình trạng sức khoẻ của các sinh vật trong thí nghiệm. Các nghiên cứu sâu hơn trên môi trường đất liền sẽ làm làm sáng tỏ nguồn gốc gây ô nhiễm môi trường của hạt vi nhựa. Các mô hình, các thí nghiệm tại phòng thí nghiệm và thí nghiệm thực địa nên được xây dựng để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, tiến trình và ảnh hưởng của vi nhựa lên các sinh vật trên cạn.

Vi nhựa ở khắp mọi nơi. Số lượng lớn vi nhựa đã được tìm thấy không chỉ ở đại dương và trên các bãi biển, mà còn ở các dòng sông và mặt đất khắp thế giới, cho thấy sự ô nhiễm đã lan ra rất rộng. Vi nhựa bị thải ra môi trường từ bãi chôn lấp, khu công nghiệp nhựa, rác và bùn thải [2]

Mặc dù các đại dương bao phủ hơn 70% hành tinh của chúng ta, sự đa dạng sinh học trong các hệ thống nước ngọt và đất liền nhiều hơn đại dương gấp 5 lần [2]. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu ảnh hưởng của thủy sản tiếp xúc với vi nhựa lên tình trạng sức khoẻ của con người. Không những thế, vi nhựa trong bụi, nước ngầm và đất nông nghiệp cũng là những khía cạnh rất đáng quan tâm. Do đó, việc nghiên cứu về vi nhựa là một nhiệm vụ toàn cầu, đòi hỏi sự hiểu biết tường tận về quy mô, tiến trình và ảnh hưởng của hiện tượng ô nhiễm rác thải do vi nhựa ở tất cả các giai đoạn: từ nguồn thải (môi trường nước ngọt và các hệ sinh thái trên mặt đất) đến nơi lưu trữ cuối cùng là các đại dương trên thế giới.

Tài liệu tham khảo:

[1] Anderson, A. G., Grose, J., Pahl, S., Thompson, R. C., & Wyles, K. J. (2016). Microplastics in personal care products: Exploring perceptions of environmentalists, beauticians and students. Marine Pollution Bulletin, 113(1), 454-460. doi:https://doi.org/10.1016/j.marpolbul.2016.10.048

[2] Rochman, C. M. (2018). Microplastics research—from sink to source. Science, 360(6384), 28.