Đa dạng sinh học Việt Nam trước thách thức từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

 

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã được xem là hai trong những nguyên nhân quan trọng nhất đe dọa tới đa dạng sinh học toàn cầu (1, 2). Trong bối cảnh chung, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn nhất của cả biến đổi khí hậu (3) và ô nhiễm môi trường (4). Mặt khác, Việt Nam là một trong 35 điểm nóng về đa dạng sinh học trên thế giới (5) (Hình 1). Những năm gần đây, mỗi năm các nhà khoa học đã phát hiện và công bố hàng trăm các loài động thực vật mới cho khoa học (6). Tuy nhiên, phần lớn các loài mới phát hiện và những loài sinh vật hoang dã khác đều có số lượng cá thể rất nhỏ và bị cô lập trong những hệ sinh thái bị chia cắt. Chúng trở nên rất dễ bị tổn thương và có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng (6), đặc biệt dưới các tác động của biến đổi khí hậu (7) và ô nhiễm môi trường (8).

Hình 1. Bản đồ về các điểm nóng về đa dạng sinh học (hotspots of biodiversity) toàn cầu. Vùng màu xanh đậm là trung tâm các điểm nóng về đa dạng sinh học. Những điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu chỉ chiếm 2,3% diện tích bề mặt trái đất nhưng những điểm này có khoảng 50% các loài thực vật đặc hữu và 42% tổng số các loài động vật có xương sống toàn cầu (nguồn: http://biodiversitya-z.org/content/biodiversity-hotspots).

Về biến đổi khí hậu, đầu năm 2016 xẩy ra đợt hạn hán chưa từng có trong lịch sử ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) (9). ĐBSCL cũng là khu vực được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước biển dâng do kết quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu (10-12). Một số nghiên cứu từ mô hình đã dự đoán những tác động của biến đổi khí hậu có thể làm tuyệt chủng từ 10 đến 214 loài động vật có xương sống trong khu vực này (10, 13). Số lượng và cường độ các cơn bão nhiệt đới vào Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lên (12) và có khả năng gây ra các sự cố môi trường, đặc biệt là ở các vùng ven biển. Sự thay đổi thất thường về nhiệt độ trong mùa hè và mùa đông đã và đang diễn ra những năm gần đây.

Thêm vào đó, ô nhiễm môi trường đã trở thành nỗi lo chung của người dân Việt Nam. Công nghiệp khai khoáng mặc dù có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, ví dụ khai thác dầu khí đóng góp khoảng 14 tỉ USD, chiếm 7% cho GDP Việt Nam năm 2015 (14). Tuy nhiên, nhiều ngành khai khoáng cũng đã được cảnh báo có khả năng dẫn đến những hậu quả về ô nhiễm môi trường. Thực tế, sự cố vỡ hồ chứa nước khai thác titan đã làm một lượng lớn bùn đỏ tràn ra biển ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận ngày 16/6/2016 (15). Những khu công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến đã và đang được xây dựng ở hầu khắp các tỉnh thành cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây ra các sự cố môi trường nếu không được giám sát một cách chặt chẽ.

Về nông nghiệp, việc lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (4) có thể gây ra những tác hại lâu dài trên diện rộng từ các khu vực trồng lúa ở đồng bằng châu thổ đến khu vực trồng cà phê, trà và cây ăn quả ở các vùng núi. Ví dụ, ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân gây suy giảm 42% đa dạng loài ở các vùng nông nghiệp ở châu Âu và nước Úc (16), trong khi chưa có những đánh giá tổng thể về vấn đề này ở Việt Nam. Tương tự, ô nhiễm hữu cơ từ các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm như ĐBSCL, các vùng ven biển Việt Nam cũng là một vấn đề nóng bỏng (17) đã và đang gây ra những tác động trực tiếp làm biến đổi hệ sinh thái (18). Ví dụ, để sản xuất ra 1 tấn tôm trong hệ thống nuôi thâm canh ở khu vực Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, một đầm nuôi tôm sẽ thải ra khoảng 1170 kg tổng chất rắn lơ lửng, 30 kg nitơ, 3,7 kg phosphates tổng số và 4,8 kg N-NH3 (17).

Nhiều nghiên cứu trong thời gian gần đây đã cho thấy, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường còn có khả năng tương tác cộng gộp với nhau làm ra tăng mức độ tác động và đe dọa sự tồn tại của các quần thể sinh vật (8, 19-21). Mặc dù đã có một vài nghiên cứu về biến đổi khí hậu hoặc ô nhiễm môi trường lên đa dạng sinh học ở Việt Nam nhưng qua quá trình tìm kiếm tài liệu trên Web of Science cho thấy, chưa thấy một công bố chính thức nào từ các nghiên cứu thực nghiệm đánh giá tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường lên đa dạng sinh học Việt Nam. Những nghiên cứu như vậy là rất cần thiết và cấp bách để góp phần xây dựng những chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam trước những biến động bất thường và khó dự đoán của khí hậu cũng như nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Điều này đặc biệt quan trọng không chỉ để bảo tồn nguồn genes đa dạng, điều chỉnh sự giữ cân bằng trong các chuỗi thức ăn và khép kín các chu trình sinh địa hóa các nguyên tố tạo sinh giúp cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó, nhiều loài sinh vật ở Việt Nam còn giá trị cao trong y học, nông nghiệp và thủy sản.

Disclaimer: Nội dung trong bài viết này là những phân tích, nhận định của cá nhân người viết. Những gì trong bài viết không đại diện hoặc đại diện về mặt quan điểm cho bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào.

Tác giả: Đinh Văn Khương (TS, Viện Nuôi Trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, email: khuong.dinh@ntu.edu.vn)

Phản biện: Bình Nguyễn (TS, ĐH bang Arizona)

Tài liệu tham khảo

1.         Millennium Ecosystem Assessment (2005) Ecosystems and human well-being: Biodiversity synthesis (World Resources Institute, Washington, DC).

2.         Sutherland WJ, et al. (2006) The identification of 100 ecological questions of high policy relevance in the UK. J. Appl. Ecol. 43(4):617-627.

3.         Ministry of Natural Resources and Evironment ( 2009) Viet Nam assessment report on climate change. (United Nations Environment Programme).

4.         Normile D (2013) Vietnam turns back a 'tsunami of pesticides'. Science 341(6147):737-738.

5.         Mittermeier RA, Turner W, Larsen F, Brooks T, & Gascon C (2011) Global biodiversity conservation: the critical role of hotspots (Springer, Heidelberg).

6.         Phạm VT & Nguyễn ĐA (2015) 126 sinh vật mới cho khoa học phát hiện từ Việt Nam năm 2014.

7.         Thomas CD, et al. (2004) Extinction risk from climate change. Nature 427(6970):145-148.

8.         Brook BW, Sodhi NS, & Bradshaw CJA (2008) Synergies among extinction drivers under global change. Trends Ecol. Evol. 23(8):453-460.

9.         Cửu Long (2016) Miền Tây hạn, mặn nghiêm trọng nhất 100 năm.  (VNexpress.net).

10.       WWF (2009) The greater Mekong and climate change: biodiversity, ecosystem services and development at risk. WWF Greater Mekong Programme.

11.       Smajgl A, et al. (2015) Responding to rising sea levels in the Mekong Delta. Nat. Clim. Chang. 5(2):167-174.

12.       WWF (2016) Climate change in the Greater Mekong. WWF.

13.       Malcolm JR, Liu C, Neilson RP, Hansen L, & Hannah LEE (2006) Global warming and extinctions of endemic species from biodiversity hotspots. Conserv. Biol. 20(2):538-548.

14.       Lê VT & Phạm VC (2016) Tổng quan về ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Dầu Khí 4:56-64.

15.       Lê H (2016) Bùn đỏ tràn ra biển do vỡ hồ chứa nước khai thác titan. (Vietnamnet).

16.       Beketov MA, Kefford BJ, Schafer RB, & Liess M (2013) Pesticides reduce regional biodiversity of stream invertebrates. Proc. Natl. Acad. Sci. U. S. A. 110(27):11039-11043.

17.       Pham Thi A, Kroeze C, Bush SR, & Mol APJ (2010) Water pollution by intensive brackish shrimp farming in south-east Vietnam: Causes and options for control. Agric. Water Manage. 97(6):872-882.

18.       Tran Duc T, et al. (2004) Regimes of human and climate impacts on coastal changes in Vietnam. Reg. Environ. Chang. 4(1):49-62.

19.       Dinh Van K, et al. (2013) Susceptibility to a metal under global warming is shaped by thermal adaptation along a latitudinal gradient. Glob. Chang. Biol. 19(9):2625–2633.

20.       Dinh Van K, Janssens L, Debecker S, & Stoks R (2014) Temperature- and latitude-specific individual growth rates shape the vulnerability of damselfly larvae to a widespread pesticide. J. Appl. Ecol. 51(4):919-928.

21.       Moe SJ, et al. (2013) Combined and interactive effects of global climate change and toxicants on populations and communities. Environ. Toxicol. Chem. 32(1):49-61.

 

 

Category: