Hiệu quả của việc uống thuốc ARV hằng ngày trong dự phòng trước phơi nhiễm HIV   

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Nguồn: vietnamnet.vn

Năm 2014, trên thế giới, ước tính có khoảng 36,9 triệu người mắc HIV đang còn sống và 2 triệu người nhiễm mới [Bảng 1]. Tại Việt Nam, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, tính đến tháng 6/2015, số người nhiễm HIV đang còn sống là 227.114 người, số bệnh nhân AIDS là 71.115 và số tử vong là 74.442 người (1). Để ngăn chặn đại dịch thế kỷ này, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV một cách hiệu quả nhằm xóa sổ AIDS trước năm 2030.

Bảng 1: Tóm tắt tình hình dịch AIDS toàn cầu năm 2014

 
Số người mắc bệnh AIDS hiện còn sống  trong năm 2014
Số người mới nhiễm HIV trong năm 2014
 
Số người tử vong do AIDS trong năm 2014
 
Tổng cộng
36,9 triệu
[4,3 triệu - 41,4 triệu]
2,0 triệu
[1,9 triệu - 2,2 triệu]
1,2 triệu
[980.000 - 1,6 triệu]
Người lớn
34,3 triệu
[31,8 triệu - 38,5 triệu]
1,8 triệu
[1,7 triệu - 2,0 triệu]
1,0 triệu
[890.000 - 1,3 triệu]
Phụ nữ
17,4 triệu
[16,1 triệu - 20,0 triệu]
 
 
Trẻ em < 15 tuổi
2,6 triệu
[2,4 triệu – 2,8 triệu]
220.000
[190.000 - 260.000]
150.000
[140.000 - 170.000]

Nguồn: http://www.who.int/hiv/data/en/

Sau một thập kỷ tranh cãi, phương pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (pre-expose prophylaxis, PrEP) cuối cùng cũng có thể được thực hiện như là một yếu tố tiên phong trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Bước ngoặt này được đánh dấu vào tháng 9/2015 khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố sớm các hướng dẫn mới về việc điều trị HIV (2) với hai khuyến cáo chủ yếu. Đây sẽ là một phần trong tài liệu “Hướng dẫn cập nhật về việc sử dụng thuốc kháng vi rút để điều trị và phòng chống lây nhiễm HIV” của WHO được xuất bản vào năm 2016.

Thứ nhất, điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV nên được bắt đầu ngay cho tất cả các bệnh nhân đang mắc HIV, không cần căn cứ vào số lượng tế bào CD4[i]. Trước đây, hướng dẫn của WHO (2013) khuyến cáo điều trị ARV nên bắt đầu cho tất cả người lớn nhiễm HIV với số lượng tế bào CD4 ≤ 500 tế bào/mm3, bất kể từ giai đoạn lâm sàng. Thứ hai, dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng cách uống thuốc ARV mỗi ngày (Oral PrEP) là một phần của phương pháp tiếp cận phòng ngừa kết hợp cho các đối tượng có Nguy cơ mắc phải HIV cao (tạm dịch từ “substantial risk of acquiring HIV”). Với biện pháp Oral PrEP có chứa Tenofovir, những người không nhiễm HIV được uống thuốc ARV hằng ngày nhằm ngăn chặn nguy cơ nhiễm HIV khi có tiếp xúc tiềm ẩn với vi rút.  Theo WHO, Nguy cơ mắc phải HIV cao  được định nghĩa là xác suất mắc HIV lớn hơn 3% khi vắng mặt PrEP. Nguy cơ này được xác định trong một số nhóm nam giới có quan hệ tình dục với nam giới, phụ nữ chuyển giới, đàn ông dị tính và phụ nữ có bạn tình nhiễm HIV không được chẩn đoán hoặc không được điều trị (2). 

Khuyến cáo đầu tiên dựa trên bằng chứng từ một nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (3) và 17 nghiên cứu quan sát từ năm 2013. Những nghiên cứu này cho thấy rằng việc điều trị bằng ARV sớm sẽ cho kết quả tốt hơn đối với những người bị nhiễm HIV so với việc trì hoãn điều trị. Khuyến cáo thứ hai được đưa ra sau khi xem xét những tỉ lệ thành công cao nhất từ trước đến nay khi sử dụng thuốc Truvada với thành phần bao gồm ARV Tenofovir và Emtricitabine (TDF/FTC), như là một biện pháp phòng ngừa hàng ngày (2, 4, 5). WHO sẽ  hướng dẫn triển khai thực hiện PrEP vào năm 2016 trên các phương diện như sau: Một là, sử dụng nguồn nhân lực, giám sát phòng thí nghiệm, dịch vụ y tế, cung cấp thuốc, tư vấn, truyền thông, sự tham gia của cộng đồng, cách thức phối hợp các dịch vụ (bao gồm xét nghiệm, điều trị, PrEP, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản khác) và hai là, cách quản lý chương trình (2).

Bên cạnh Oral PrEP, các nhà khoa học cũng đang tìm kiếm các lựa chọn PrEP thay thế khác. Điển hình như các nghiên cứu PrEP về vòng âm đạo có chứa thuốc kháng vi rút Dapivirine (6) hay nghiên cứu về thuốc tiêm kháng vi rút Rilpivirine và Cabotegravir tác động kéo dài (7). Hai nghiên cứu lớn là dự án RING (8) và ASPIRE (9), đang được tiến hành tại vùng cận Sahara châu Phi, với sự tài trợ của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Đồng thời, một vài nghiên cứu khác đang hướng tới việc phát triển chất sát trùng trực tràng có chứa Tenofovir (10) chỉ để sử dụng khi cần thiết, không phải dùng hàng ngày. Tuy nhiên, giáo sư Ian McGowan thuộc Đại học Pittsburgh cũng cảnh báo rằng PrEP không nên trở thành biện pháp thay thế bao cao su.

Bảng 2: So sánh các phương pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PreP)

Dạng PrEP
 
Thành phần tác động
Tình trạng được công nhận bởi FDA (*)
Ưu điểm
Nhược điểm
TRUVADA UỐNG
(2, 4, 5)
Tenofovir Emtricitabine
Được công nhận năm 2012
Hiệu quả được chứng minh qua nhiều nghiên cứu
- Điều trị mỗi ngày gây khó khăn trong việc tuân thủ điều trị và đảm bảo tính riêng tư
- Đây cũng là một trong những loại thuốc dùng trong điều trị HIV nên có thể gây tâm lý “sợ bị kì thị”
VÒNG ÂM ĐẠO
(6, 8, 9)
Dapivirine
- Chưa được công nhận
- Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3
Vòng âm đạo có tác dụng trong 1 tháng nên có thể nâng cao khả năng tuân thủ điều trị và đảm bảo tính riêng tư tốt hơn
Hiệu quả  đang được chứng minh qua các  thử nghiệm lâm sàng
TIÊM THUỐC TÁC ĐỘNG KÉO DÀI
(7)
Rilpivirine
Cabotegravir
- Chưa được công nhận
- Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 2
Hạn chế việc dùng mỗi ngày, do đó giúp đảm bảo tính riêng tư tốt hơn cho cả nam và nữ
- Trong thời kì có nồng độ thuốc thấp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi rút
- Thời gian bán thải dài, nếu tác dụng phụ xảy ra, không thể loại bỏ thuốc ngay lập tức

(*): FDA: U.S Food and Drug Administration Organization – Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ

Nguồn: International Partnership for Microbicides, Microbicide Trials Network, NIH

Tại Việt Nam, tháng 7/2015, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn quản lý, điều trị chăm sóc HIV/AIDS mới (11). Một trong những thay đổi là “giảm” ngưỡng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV cho người nhiễm HIV từ 350 tế bào CD4/mm3 máu lên 500 tế bào CD4/mm3 máui. Đồng thời, một vài trường hợp đặc biệt[ii] nhiễm HIV sẽ được điều trị ARV ngay mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4. 

Điều trị HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và dự phòng trước phơi nhiễm HIV là một trong những bước tiến triển vọng trong công tác phòng chống lây nhiễm HIV và ngăn chặn đại dịch AIDS trên toàn cầu. Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn hiện nay của các nhà khoa học là tìm ra thuốc có khả năng tiêu diệt hoàn toàn vi rút HIV.

 

Tác giả: Phạm Thị Tường Vy, Học viên Thạc sĩ tại Saint Louis University, Hoa Kỳ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế Việt Nam (2015): Báo cáo Công tác phòng, chống HIV/AIDS 6 tháng đầu năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015, Hà Nội.
  2. World Health Organization (WHO), 2015: Guideline on when to start antiretroviral therapy and on pre-exposure prophylaxis for HIV (WHO Press, Geneva).
  3. The Temprano Anrs 12136 Study Group, 2015: A Trial of Early Antiretrovirals and Isoniazid Preventive Therapy in Africa (2015), New England Journal of Medicine 373:808-822.
  4. Cáceres C, Goicochea P, Sow P, H Mayer K, Godfrey-Faussett P, 2015: The promises and challenges of pre-exposure prophylaxis as part of the emerging paradigm of combination HIV prevention, Journal of the International AIDS Society 18.
  5. Fonner G, Grant R, Baggaley R: Oral pre-exposure prophylaxis (PrEP) for all populations: a systematic review and meta-analysis of effectiveness, safety, and sexual and reproductive health outcomes, Unpublished.
  6. Devlin B, Nuttall J, Wilder S, Woodsong C, Rosenberg Z, 2013: Development of dapivirine vaginal ring for HIV prevention, Antiviral Research 100:S3-S8.
  7. Margolis D, Boffito M, 2015: Long-acting antiviral agents for HIV treatment, Current Opinion in HIV and AIDS 10:246-252.
  8. Ipmglobal.org 2015: Ring Backgrounder | IPM | International Partnership For Microbicides, Available at: http://www.ipmglobal.org/publications/ring-backgrounder [Accessed December 1, 2015].
  9. Mtnstopshiv.org, 2015: Researchers complete ASPIRE Phase III trial of the dapivirine vaginal ring for HIV prevention in women | Microbicide Trials Network, Available at: http://www.mtnstopshiv.org/node/6828 [Accessed December 1, 2015].
  10. Mtnstopshiv.org, 2015: MTN-017 | Microbicide Trials Network, Available at: http://www.mtnstopshiv.org/news/studies/mtn017 [Accessed December 1, 2015].
  11. Bộ Y tế Việt Nam, 2015: Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, Hà  Nội.

 


[i] Các tế bào CD4 của một người trưởng thành bình thường khi có sức khỏe tốt sẽ là từ 500 tế bào/mm3 đến 1200 tế bào/mm3. Khi một người bị nhiễm HIV, vi rút bắt đầu tấn công và phá hủy các tế bào CD4 của hệ thống miễn dịch, gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

[ii] Giai đoạn lâm sàng 3 hoặc 4 bao gồm người mắc bệnh lao; Đồng nhiễm HBV, HCV; Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú bị nhiễm HIV; Người nhiễm HIV có vợ/chồng/bạn tình không bị nhiễm HIV; Người nhiễm HIV thuộc quần thể nguy cơ bao gồm: tiêm chích ma túy, bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới; Người nhiễm HIV ≥ 50 tuổi; Người nhiễm HIV sinh sống, làm việc tại khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Đăng bài: 3/1/2015.

Category: 

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.