Hobbit, loài người lùn bí ẩn, bị tuyệt chủng bởi con người?  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Hình dáng người lùn Hobbit. Nguồn: [3].

Vào năm 2003, một nhóm khảo cổ, đứng đầu là nhà khoa học Raden Soejono thuộc trung tâm Khảo cổ học Quốc gia Indonesia (ARKENAS) và Mike Morwood thuộc trường đại học New England, Úc, đã phát hiện một loài người mới, đã bị tuyệt chủng khoảng 50.000 năm trước tại hang Liang Bua thuộc quần đảo Flores, Indonesia [1,2].

Loài người Flores (tên khoa học Homo floresiensis, chi Người Homo) với biệt danh Hobbit, có thân hình nhỏ bé, não nhỏ, đời sống ngắn, và chỉ cao khoàng 1 mét khi đứng thẳng. Nghiên cứu về xương cổ tay, cánh tay, vai, và chi dưới trên loài người Hobbit đã khẳng định rằng người hiện đại (Homo sapiens) và người lùn là hai loài hoàn toàn khác nhau. Hơn thế nữa, người lùn có cấu trúc gần giống người cổ đại và vượn người hơn người hiện đại. Năm 2006, có ít nhất 2 nhóm nghiên cứu tìm cách chiết xuất DNA từ mẩu răng của người lùn được khai quật năm 2003. Tuy nhiên, do mẫu vật chứa hàm lượng quá thấp DNA, và do sự biến tính DNA xảy ra trong quá trình tìm kiếm do các mũi khoan có nhiệt độ cao, mà cả hai nhóm đều thất bại [3].

Hình 1: (Trái) Hang động nơi tồn tại di chỉ của người lùn Hobbit tại Liang Bua, Flores, Indonesia. (Phải) Bộ xương LB1 (chưa hoàn chỉnh) của người Hobbit (nguồn: By Rosino, [3]).

Bộ hóa thạch đầu tiên, và cũng là hoàn chỉnh nhất, được tìm thấy năm 2003, dưới 6 mét đất đá, và được đặt tên là LB1 [4]. Bằng phương pháp tính tuổi cacbon dựa trên đồng vị phóng xạ 14C, các nhà khoa học đã tính được tuổi của bộ xương vào khoảng 11.000 năm. Những di tích cổ tiếp đó được khai phá, bao gồm công cụ lao động của giống người lùn, được cho là có tuổi từ 50.000 đến 190.000 năm [5].

DNA người lùn chưa hề được giải mã nên vẫn còn tranh cãi khốc liệt giữa các nhà khoa học về việc người lùn là một loài mới hay là người hiện đại bị các bệnh lý làm cơ thể teo nhỏ lại (ví dụ hội chứng Laron, suy giáp, lùn hóa do chọn lọc tự nhiên, hội chứng Down...). Nguyên nhân là so sánh bộ xương không hoàn chỉnh của một vài cá thể rất khó đưa ra kết luận chính xác. Một khó khăn khác là trong khi các loài người cổ đại khác như người Neanderthal được tìm thấy rải rác nhiều nơi, người Hobbit chỉ được tìm thấy tại đảo Flores [6].

Dựa vào những kết quả có được, Elisabeth Daynès, một nhà điêu khắc người Pháp, đã tái tạo hoàn chỉnh hình dáng cũng như khuôn mặt của giống người Hobbit (Hình 2) [3].

Hình 2: Hình dáng người lùn Hobbit (nguồn: [3])

Kỳ lạ thay, thời điểm người Hobbit tuyệt chủng cũng là lúc loài người hiện đại di chuyển qua lại giữa châu Úc và khu vực Đông Nam Á. Giả thuyết con người hiện đại chính là nguyên nhân gây nên sự tuyệt chủng của người lùn, chủ yếu do tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên, được đưa ra bởi Richard Roberts, một nhà khảo cổ học nổi tiếng ở đại học Wollongong, Úc [1]. Giả thuyết này được củng cố bởi một hiện tượng tương tự, sự biến mất của người Neanderthals ngay sau sự di cư của loài người hiện đại từ châu Phi sang châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học chuẩn xác về giả thuyết này vẫn còn đang là một điều bí ẩn.

Tác giả: Phạm Duy Toàn – Đại học Naresuan, Thái Lan.

Tài liệu tham khảo

1. Ewen C, The discovery of Homo floresiensis: Tales of the hobbit, 2014, http://www.nature.com/news/the-discovery-of-homo-floresiensis-tales-of-the-hobbit-1.16197, accessed 05.04.2016

2. Sutikna T et al., Revised stratigraphy and chronology for Homo floresiensis at Liang Bua in Indonesia, Nature Letter, 2016.

3. Morwood MJ, Jungers WL, Conclusions: implications of the Liang Bua excavations for hominin evolution and biogeography, Journal of Human Evolution, 2009, 57, pp. 640–8.

4. Brown P, Sutikna T, Morwood MJ, Soejono RP, Jatmiko, Saptomo EW, Due RA, A new small-bodied hominin from the Late Pleistocene of Flores, Indonesia, Nature, 2004, 431(7012), pp. 1055-61.

5. Michael H, Old tools shed light on hobbit origins, 2006, http://www.nature.com/nature/journal/v441/n7093/full/441559a.html, accessed 05.04.2016.

6. Wikipedia, Homo floresiensis, https://en.wikipedia.org/wiki/Homo_floresiensis, accessed 14.04.2016.

 

-----

Đăng bài 04/17/2016

Tags: 
Category: 

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.